1. Thường vô và thường hữu
Lão Tử nói: “Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu; Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu.” Tức là: Thường không có dục để nhìn thấy chỗ vi diệu của mình. Thường có dục, để nhìn thấy chỗ giới hạn của mình.
Diệu là cảnh giới không thể đoán trước được, nơi được mệnh danh là cánh cửa của tất cả các tôn giáo như: Thần Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo.
Kiếu là phương pháp then chốt yếu điểm của khiếu môn, là đầu mối là dấu vết để ta tìm kiếm, là đường đi lối Đạo của Tục môn. Chẳng hạn như Đạo của Văn Võ, Đạo của Nghệ Thuật, Đạo của Khoa học, Đạo của Trị Quốc, Đạo của Kinh Tế, Đạo của Y Gia, Đạo của Công Nghệ Kỹ Thuật...
Bất luận là cách nào hay con đường nào đi chăng nữa ngoài Đạo của Thường vô ra còn Đạo của Thường hữu. Không phải là chuyện có thể giải thích rõ ràng trong một vài chữ vài câu, sau mấy ngày tu học mà có thể hội ngộ thấu hiểu Đạo học được, nên việc đạt đến trình độ đắc Đạo là vô cùng khó. Cho nên “Đồng vị chi huyền”, mà huyền tuy cao đấy nhưng khó có thể vin vào mà nắm lấy cho được, lại không thể nói, không thể dò được và không thể tiếp cận. Nghĩ kỹ lại xem, đây chẳng phải là chuyện tai nghe mắt thấy sao!
Đạo của Thường vô là truy cầu sự giải thoát tự ngã. Đạo của Thường hữu là truy cầu sự thỏa mãn ham muốn dục thức. Cả thường vô và thường hữu song song cùng tồn tại, không phân biệt cao thấp, tuy có sự đối lập nhưng cả hai đều chung một con đường là quay về với Đại Đạo.
Đạo vĩ đại, Đạo thần thánh, Đạo vô cùng, Đạo là con đường cần đi duy nhất cho vũ trụ và con người hay chăng?
2. Vô vi và hữu vi
Những gì Lão Tử nói về Vô vi đã chỉ ra cho chúng ta con đường đến gần với Vô vi nhất, còn vô bất vi chính là con đường thường hữu. Bởi con đường thường vô là con đường của Thánh Đạo, nó không phải con đường thông thường của Tục môn, vì vậy nên mới gọi nó là vô vi. Tuy nhiên con đường thường vô là con đường không phải không làm cái gì chỉ là chẳng qua không làm những việc khác mà chuyên tâm làm một việc thôi. Vì vậy vô vi với việc bên ngoài, còn vô bất vi với việc bên trong. Chính bởi vậy đã có nhiều người nghĩ rằng:
Vô vi, không phải là không làm việc gì, không dụng tâm, không truy cầu, càng không phải để tận hưởng sự lười biếng nhàn nhã...
Vô vi không phải là nhỏ, hay nhỏ không làm, hoặc không làm cái nhỏ mà là không làm những việc thế tục phàm thường, không làm những việc tư dục ích kỉ, không làm những điều tổn thương người khác và mang lại lợi ích cho bản thân, không làm những việc tranh danh đoạt lợi...
Vô vi không phải một câu cửa miệng thông thường mà là một công phu đòi hỏi cần có một lỗ lực thực sự, không phải là mục đích mà là bản lĩnh tài cán, không phải kết thúc mà là một quá trình, không phải là tiêu điểm mà là quá trình tu dưỡng, không phải là chốn tiên cảnh mà là cầu nối sang bên bờ bỉ ngạn.
Mọi thứ trên đời đều có thể nói là một việc làm vô cùng nhỏ với con đường thường vô, mà truy cầu trường sinh, đăng tiên theo con đường thường vô mới là con đường mang lại thành tựu to lớn. Cho nên, vô vi là biết những gì nên làm và không nên làm, bởi nó dễ làm nên không muốn làm.
Chỉ có Vô vi mới có thể thường thanh, thanh tức là cao, thanh cao mà tuyệt trần. Vô vi gọi là ninh, tâm ninh mà tư tĩnh, chỉ khi đó người ta mới có thể bước vào cảnh giới vũ không của vũ trụ.
3. Tam tài:
Thiên địa tứ phương gọi là Vũ, từ xưa tới nay gọi là Trụ. Trong Đạo của Lão Tử Đại Đạo chính là Vũ Trụ. Tử thuở bao la thiên địa hồng hoang cho đến ngày nay tất cả sự vật sự việc cho dù là vật, tính, chất, lí hay tất cả những gì tồn tại, đang tồn tại, và sẽ được sản sinh đều hàm chứa nó.
Đạo của Lão Tử luôn luôn sẽ là Thiên Đạo, Địa Đạo, Nhân Đạo. Trong đó Thiên Đạo, Địa Đạo là cái tự nhiên của Đạo còn Nhân Đạo là Đạo của xã hội, là đạo của cái Hữu vi, cũng chính là Đạo thường hữu.
Cho nên, Đạo đứng đầu vực nội tứ đại, Đạo cùng với Thiên Địa Nhân song song tồn tại, Thiên Địa Nhân hợp với Đạo, Đạo lại thống lĩnh Thiên Địa Nhân. Sự kết hợp của Tứ Đại này vẫn là sự bí ẩn huyền cơ, của tất cả Nhân Qủa, Động Tĩnh, Thủy Chung, Tiêu Trưởng, Sinh Diệt, Đắc Thất, Hữu Vô và cũng là sự thể hiện bản chất muôn mặt của giới Đại Tự Nhiên.
4. Tứ pháp
Lão Tử nói: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên.” Tức là: Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước tự nhiên. Trong phân tích cuối cùng, con người thuận theo tự nhiên. Con người bắt chước tự nhiên là Đạo.
Lý Bạch trong Nhật Xuất Nhập Hành có nói:
“Thảo bất tạ vinh vu xuân phong
Mộc bất oán lạc vu thu thiên
Thùy huy tiên sách khu tứ vận
Vạn vật hưng hiết giai tự nhiên”
Nhìn lên ngắm nhật nguyệt tinh tú, cúi xuống ngắm đại địa sơn xuyên, trong số thảo mộc hoa điểu ngư trùng ta tìm cái phong phú của thể vị sinh mệnh, sự thăng trầm tiêu trưởng của âm dương. Hoặc âm thầm gìn giữ, hoặc vui vẻ hát ca, hoặc lang thang ngao du, hoặc lẻ loi đơn độc, hay hòa nhập với thiên nhiên một cách toàn tâm toàn ý. Để cảm nhận sự chuyển động biến hóa, cái đổi thay động tĩnh của đại tự nhiên, đó là một điều vô cùng thú vị.
Trang Tử trong Đại Tông Sư có nói: “Kỳ thị dục thâm giả, kỳ thiên cơ thiển.” Tức là: Ai thị dục sâu đậm thì bản chất tự nhiên của kẻ đó nông nổi.
Có nhiều người bị mắc kẹt trong trần thế và không thể thoát ra, không biết về thông tin và những thay đổi tinh vi do thiên nhiên truyền tải, hoặc còn mê đắm hay mơ hồ không biết, chắc hẳn trong tim họ còn đang mơ hồ phảng phất bởi bụi trần che lấp, cho nên làm sao có thể tin được những gì thiên cơ mang tới.
Tại thế ngoại tất có cao nhân, chính bởi họ gần gũi với đại tự nhiên, điềm đạm vô dục, tâm như nước tĩnh lặng không sóng lòng vọng động, vậy nên chỉ cần một chuyển động nhỏ nhất hay dù chỉ là một động tĩnh nào đó của đại tự nhiên là có thể khiến cho họ có những nhận thức một cách nhậy bén, vì vậy mà biết được ý gió, hiểu được tiếng chim, phân biệt được cát hung, chế định được Càn Khôn.
5. Luận pháp tiến thoái của Đạo
Có một vị học giả đến tham vấn Đạo với tổ sư, tổ sư lấy trà mà đãi, ngài rót trà vào chén, chén đã đầy nhưng ngài vẫn rót tiếp, nước tràn ra khỏi chiếc chén, vị học giả cuối cùng cũng nói:nước đã tràn rồi ngài đừng rót nữa.
Tổ sư nói với vị học giả: ngươi giống như cái chén này, chứa đầy những suy nghĩ và ý kiến riêng của ngươi, làm sao ta có thể nói cho ngươi mà chiếc chén nàyđã chưa cạn ?
Đây là câu chuyện rất đơn giản nhưng bí ẩn trong nó không thể nào diễn tả được. Một người đã bước chân vào thánh Đạo, nếu như kẻ đó không chút bỏ tất cả những gì đã học trên đời, không cắt đứt mọi loại tình cảm thì việc tu Đạo chỉ là lời nói suông. Có thể dễ dàng hư duyên mà lại bảo chân, nó không phải dễ dàng giống như tri thức học vấn thông thường mà có thể tự lĩnh ngộ được
Trong Đường thi có bài thơ:
“Sơn tăng bất giải số Giáp Tý
Nhất diệp lạc chi thiên hạ thu”
Bước vào cảnh giới này không hề dễ, nếu như không biết mùa thu là mùa thu thì chẳng phải tốt hơn hay sao.
Lão Tử nói: “Tuy trí đại mê”, “tuyệt học vô ưu”. Nói đến tuyệt học mục đích cuối cùng là vứt bỏ đi cái trí, sự khôn ngoan của thế tục được chia thành thiện và ác, thiện trí là Đạo của thường hữu, nó là một loại năng lượng của sinh mệnh, là cơ duyên sáng tạo ra thế giới. Còn ác trí mà dùng lừa dối sảo trá, cho dù từ trước đến nay có thể bao dung chấp nhận và tồn tại sự đối lập đối với thiện trí, thì cũng chỉ có thể nói là một loại tiểu trí. Nhưng về bản chất đó là một sự đại hồ đồ, một sự nhầm lẫn lớn mà sự nhầm lẫn này lại tiếp tục cho sự nhầm lẫn khác. Chỉ cần là trí tuệ của thế gian bất luận là tốt hay xấu, đối với Đạo thường vô mà nói đều là một loại mê muội mê tân khiến người khác khó hiểu và khiến họ khó có thể tỉnh táo, đương nhiên ác trí thì lại càng nguy hiểm hơn.
Cho nên:
Sự quá phương chi bất thông minh
Hối thời hựu tại hồ đồ trung.
Cho dù ta có thể là người học hành tài giỏi, hay là nhân vật thiên tài e cũng khó thoát khỏi cái mê cung chốn sơn trùng thủy phục.
Trí tuệ của thế gian có được đều là do học được mà thành, tuyệt học chính là bỏ tất cả những điều trí toàn đã học, bỏ những suy nghĩ vẩn vơ, bỏ đi sự lo lắng.
Để từ bỏ đi cái trí thì cần ta hàng ngày phải làm cho cái chén kia trở nên trống không? Đạo hữu có hiểu như tôi vậy hay không?
Con đường tiến thoái này là con đường cần đi trong Đạo.
6. Luận Đạo luận Đức.
Đạo là quy luật hóa sinh ra vũ trụ vạn vật
Đức là pháp độ vận hành và tuân thủ của vạn vật
Luận Đạo luận Đức chẳng sách nào sánh bằng Đạo Đức Kinh của Lão Tử.
Đạo hữu hãy cùng tôi điểm qua cách Lão Tử luận Đạo:
“Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.”
Tức là: Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh tam, tam sinh vạn vật.
“Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh, tịch hề liêu hề, độc lập nhi bất cải. Chu hành nhi bất đãi. Khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất chi kì danh, tự chi viết Đạo, cưỡng vi chi danh viết đại. Đại viết thệ. Thệ viết viễn. Viễn viết phản. Cố Đạo đại, thiên đại, địa đại, vương diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi vương cư kì nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên.”
Tức là: có một vật hỗn độn mà nên sinh trước trời đất, yên lặng, trống không, đứng một mình mà chẳng thay, đi khắp nơi mà không mỏi có thể làm mẹ thiên hạ. Ta không biết tên, ta đặt tên là Đạo. Gượng gọi tên là lớn. Lớn là đi, đi là xa, xa là trở lại. Cho nên Đạo lớn, trời lớn, đất lớn, mà vua cũng lớn. Trong trời có bốn thứ lớn mà vua chỉ một. Người bắt trước đất, đất bắt trước trời, trời bắt trước Đạo, Đạo bắt trước tự nhiên.
Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt. Hốt hề, hoảng hề, kỳ trung hữu tượng. Hoảng hề, hốt hề kỳ trung hữu vật; ảo hề minh hề, kỳ trung hữu tinh. Kỳ tinh thậm chân, kỳ trung hữu tín. Tự cổ cập kim, kỳ danh bất khứ, dĩ duyệt chúng phủ.”
Tức là: Đạo sinh ra muôn vật, hoảng hoảng hốt hốt nhưng trong vẫn có hình ảnh của Đạo. Hoảng hoảng hốt hốt nhưng trong vẫn có bản thể của Đạo. Mờ mịt nhưng trong vẫn có tinh hoa của Đạo. Tinh hoa ấy rất chân thực; trong lại có tín. Từ xưa đến nay, tên ngài vẫn đó, để bẩm sinh ra muôn vật.
“Đại Đạo phiếm hề, kỳ khả tả hữu. Vạn vật thị chi nhi sinh nhi bất tử. Công thành bất danh hữu. Ái dưỡng vạn vật nhi bất vi chủ. Thường vô dục khả danh ư tiểu, vạn vật qui chi nhi bất vi chủ, khả danh ư đại. Thị dĩ thánh nhân chung bất vi đại, cố năng thành kỳ đại.”
Tức là: Đại Đạo tràn lan bên phải, bên trái. Vạn vật nhờ Nó mà sinh, mà nó không nói gì. Nên việc rồi, không xưng là có. Thương yêu nuôi dưỡng muôn loài mà không làm chủ. Thường không ham muốn. Có thể gọi tên là nhỏ; Muôn vật theo về mà không làm chủ, nên có thể gọi tên là lớn.Thánh nhân suốt đời không cho mình là lớn, cho nên thành được việc lớn của mình.
“ Đạo thường vô vi nhi vô bất vi.”
Tức là Đạo thường không làm gì nhưng không gì không làm.
“Đạo giả vạn vật chi áo, thiện nhân chi bảo, bất thiện nhân chi sở bảo.”
Tức là: Đạo là chỗ ẩn náu của vạn vật, là vật quý của người tốt, là chỗ nương nhờ của người không tốt.
Khi Lão Tử Luận Đức:
“Đạo sinh chi, đức súc chi, vật hình chi, thế thành chi. Thị dĩ vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quí Đức. Đạo chi tôn, Đức chi quí, phù mạc chi mệnh, nhi thường tự nhiên. Cố Đạo sinh chi, Đức súc chi, trưởng chi, dục chi, thành chi, thục chi, dưỡng chi, phú chi, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trưởng nhi bất tể, thị vị huyền đức.”
Tức là: Đạo sinh, Đức dưỡng, vật chất cho hình, hoàn cảnh tác thành muôn vật. Cho nên muôn vật đều tôn Đạo, quí Đức. Sự cao trọng của Đạo Đức chẳng nhờ ai ban, mà Đạo Đức tự nhiên vốn đã cao trọng. Cho nên Đạo sinh, Đức dưỡng, làm cho vạn vật lớn lên; dưỡng nuôi vạn vật, tác thành che chở vạn vật. Sinh vạn vật mà không nhận là của mình; làm mà không cậy công; làm cho lớn lên mà không đòi làm chủ, thế gọi là Đức nhiệm mầu.
“Khổng đức chi dung, duy Đạo thị tùng.” Tức là: Dung nghi của bậc Đại đức, khuôn theo Đạo.
“Thượng Đức bất Đức, thị dĩ hữu Đức, hạ Đức bất thất Đức, thị dĩ vô Đức.” Tức là: bậc đức cao coi thường tục đức, vì thế nên có đức. Người đức thấp nệ vào tục đức, vì thế nên không có đức.
“Tu chi ư thân, kỳ đức nãi chân. Tu chi ư gia, kỳ đức nãi dư. Tu chi ư hương, kỳ đức nãi trường. Tu chi ư quốc, kỳ đức nãi phong. Tu chi ư thiên hạ, kỳ đức nãi phổ.”
Tức là: nếu lấy Đạo tu thân, thì đức sẽ thực. Nếu lấy Đạo mà tu sửa gia đình, thì đức sẽ thừa. Nếu lấy Đạo mà tu sửa làng, đức sẽ phong thịnh. Nếu lấy Đạo tu sửa thiên hạ, đức sẽ phổ quát.
Khi Trang Tử luận về Đạo Đức:
Trong Nam Hoa Kinh - Đại Tông Sư có nói: Kìa Đạo thì có tình, có tin, không làm, không hiện, có thể nhận được mà không thể thấy được. Đạo thì tự bản tự căn, khi chưa có Trời Đất vốn đã tồn tại từ xưa. Nó làm ra các đấng thiêng liêng quỷ thần, cùng Thượng đế; Nó sinh ra Trời, Đất; Nó ở trước Thái Cực mà không xem là cao, ở dưới lục cực mà chẳng thấy là sâu; Nó sinh trước Trời Đất mà chẳng gọi là lâu, dài hơn Thượng Cổ mà chẳng gọi là già.
Trong thiên Nam Hoa Kinh- Thiên Địa có nói: Thuở thái sơ của Trời Đất thì đã có cái Vô. Cái Vô ấy không có tên, và là nơi phát sinh ra cái Một, nhưng cái Một ấy cũng chưa có hình. Khi mà vạn vật được cái Một ấy cái đó gọi là Đức.
Trong Lão Tử Chỉ Quy có nói: “ Thái thượng chi tượng mạc cao hồ Đạo Đức.”
Tức là phép tắc của Thái Thượng tuyệt không có gì cao hơn Đạo Đức.
Trong Lão Tử Tưởng Nhĩ Chú có nói: “Nhất giả, Đạo dã,…nhất tán hình vi khí, tụ hình vi Thái Thượng Lão Quân.” Tức là một cũng là Đạo…một tán hình thành khí, tụ hình thành Thái Thượng Lão Quân.
Trong Thanh Tĩnh Kinh có nói: “ Ðại Ðạo vô hình sinh dục. Thiên Ðịa Ðại Ðạo vô tình vận hành nhật nguyệt. Ðại Ðạo vô danh , trưởng dưỡng vạn vật.” Tức là: Đại Đạo vô hình thiên địa từ đó mà sinh ra, đại Đạo vô tình nhật nguyệt từ đó mà vận hành. Đại Đạo không có tên nhưng luôn nuôi dưỡng vạn vật.
Mối quan hệ giữa Đạo Đức và con người
Mối quan hệ của Đạo Đức là mối quan hệ xã hội đặc biệt do con người hình thành trong quá trình hoạt động Đạo Đức đó là mối quan hệ giữa người với người được hình thành trên nhiều cơ sở khác nhau, theo những quan niệm và nguyên tắc Đạo Đức nhất định được thể hiện thông qua các hoạt động và hành vi Đạo Đức của con người. Nó thâm nhập vào mọi quan hệ xã hội, tồn tại cụ thể giữa quan hệ cá nhân với người khác, giữa cá nhân với tập thể xã hội, giữa tập thể với tập thể nó thuộc quan hệ xã hội ý thức hệ do quan hệ xã hội vật chất quyết định, là hiện thân của lợi ích đặc biệt giữa cá nhân và xã hội. Mối quan hệ này vừa mang tính chủ quan vừa mang tính khách quan do các giá trị Đạo Đức của con người chi phối, nó duy trì dựa trên thiện và ác, dựa vào niềm tin nội tâm của con người, dư luận xã hội, sức mạnh của phong tục truyền thống, yêu cầu kỉ luật bản thân ở các mức độ khác nhau, sự hy sinh của bản thân khi mâu thuẫn với lợi ích cá nhân và lợi ích khác của xã hội.
Đạo như ta thấy là sự biểu hiện của vạn sự vạn vật, không có sự vật nào không có tính sinh trưởng hủy diệt của nó. Đạo và Đức tuy hai nhưng một.
Nguồn: Đạo trưởng Vương Long Hoa