Nguyên Thủy Thiên Tôn

Thứ bảy, 01/10/2022 22:07

Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn là một trong Tam Thanh, Tam bảo - ba vị tôn thần quan trọng nhất đối với niềm tin Đạo giáo. Nguyên Thủy Tôn ngự tại Ngọc Thanh Thánh Cảnh, Thanh Vi Thiên Cung nơi Huyền Đô Ngọc Kinh. Ngài là tổ tông của chúng Thánh cùng toàn thể vũ hoàn. Ngài là Đỗng Chân giáo chủ, Vô thượng chí chân Đạo Bảo.

Nguồn: Thần Hy Quân ( Long Môn Phái) 

duc-nguyen-thuy-thien-ton

Ảnh: Trường Chân Môn ( Biên Hòa)

1, Nguyên Thủy Thiên Tôn - Đấng khai sinh vạn hữu.

  Khi giải thích bốn chữ Nguyên Thủy Thiên Tôn, kinh viết: "Vô tông vô thượng, nhi độc năng vi vạn vật chi thủy, cố danh Nguyên Thủy. Vận đạo nhất thiết vi cực tôn, nhi thường xứ nhị thanh, xuất chư thiên thượng, cố xưng Thiên Tôn". Nguyên Thủy Thiên Tôn là Đấng tự có, chẳng do sự sinh hóa thường tình nào. Ngài có từ trước muôn thuở muôn đời, trước cả khi có thời gian và không gian. Vì thế, Ngài là khởi nguyên, là Cha già sinh ra Chúng thánh cùng mọi loài thụ tạo. Nguyên Thủy Thiên Tôn quả thực là Chí Chân Đạo Bảo.

Trước khi hỗn độn phân tách, Đạo sinh một khí. Một khí này chính là Đạo, Đạo chính là một khí Nguyên Thủy này. Sau đó, một khí sinh ra khí thứ hai, khí thứ ba, tổng quy lại chính là nhất khí hóa tam khí. Tiên thiên Đạo khí hóa sinh Huyền Nguyên Thủy tam khí. Tam Thanh khí này là Tông cội của trời đất, là nguồn gốc của Tạo hóa. Tam khí hợp sinh kết thành cửu khí. Cửu khí này là chính phương thế sinh hóa và vận hành vạn vật. Ấy là ứng với lời kinh " Tam sinh vạn vật". 

Thật thế, bởi Tam khí  là nguồn cơn của Tạo hóa nên khi ngắm nhìn vạn hữu ta nhận ra các dấu chỉ của Ngài.  Đạo là Tam khí, ở nơi vật là Tam tài, ở nơi trời là Tam quang ( nhật, nguyệt, tinh), ở nơi người là Tam tiêu, tam bảo ( tinh khí thần)...

Nguyên Thủy Thiên Tôn là đầu mạch khai sinh ra vạn hữu chúng sinh. Ngài tặng ban cho ta linh hồn và sự sống cùng với muôn món quà quý giá trong đời. Âu cũng bởi đến từ Ngài, chúng sinh sẽ chẳng thể nào ngừng khắc khoải khổ đâu cho đến khi yên ỷ nơi Đạo Bảo.
2, Nguyên Thủy Thiên Tôn ngự nơi tối cao

Ngọc Thanh Bảo Cáo viết: "Tam giới chi thượng, Phạm khí di la, thượng cực vô thượng, thiên trung chi thiên". 

Như trình thuật ở trên, Nguyên Thủy Thiên Tôn trực tiếp hóa thân từ Tiên Thiên Đạo Khí. Ngài chẳng do bất cứ ai sinh thành nhưng là đấng tác tạo ba mươi hai cung trời tam giới, đấng thắp sáng muôn thảy sao trời. Sinh thiên sinh địa, sinh người sinh vật. Vì lẽ đó, phẩm vị Ngài trổi vượt trên tất cả thần thánh phàm nhân mà ngự trị nơi Ngọc Thanh Thánh Cảnh, Đại La Thanh Vi Thiên Cung.

Đạo giáo đề xuất thuyết ba mươi sáu cung trời. Trong đó, có ba mươi hai cung trời phía dưới của tất thảy chúng sinh đã hoặc chưa đắc Đạo. Trên ba mươi hai tầng trời này có ba tầng trời cao trọng được hóa hiện từ Huyền Nguyên Thủy Tam khí. Đó lần lượt là Thánh Cảnh - Ngọc Thanh Thiên, Chân Cảnh - Thượng Thanh Thiên, Tiên Cảnh - Thái Thanh Thiên. Ba cung trời này hiệp lại thành một Thiên cung quảng đại bao la khôn lường, xưng là Đại La Thiên ( Cung trời rộng lớn bao la). Đây chính là nơi Ngọc Thanh Nguyên Thủy Nguyên Tôn an nhiên ngự trị. Đại La Thiên là tầng trời tối cao, là trời của trời, nơi cao nhất trong số nhưng nơi cao. Chỉ thế mới tương xứng với phẩm vị tôn quý của Ngài. 

Thiên địa vừa được tạo lập, Tam Thanh liền thoái tàng. Nguyên Thủy Thiên Tôn hóa sinh và thông ban phù mệnh cho  Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn thống chế càn khôn, tể chế vạn hóa. Vì thế, Ngọc Hoàng cũng an ngự nơi Đại La Thiên Cung cùng Tam Thanh chí thánh.

3, Nguyên Thủy Thiên Tôn - Đấng khiêm hạ từ bi tế độ

  Nguyên Thủy Tổ Khí hồi độ ngũ thường. Ngũ thường, tức ngũ hành vậy: Đông phân Thanh cửu khí, Nam thụ Đan tam khí, Tây thành Bạch thất khí, Bắc quy Huyền ngũ khí, Trung sinh Hoàng nhất khí, cũng chính là Ngũ Lão. Nguyên Thủy Ngũ Lão phân bố thủy khí kết thành Ngũ Lão Ngọc Thiên Xích Thư Chân Văn.

Chân văn không chỉ là khí cụ hóa sinh thiên địa vạn hữu nhưng còn là phương thế hướng dẫn chúng sinh trên con đường trở về với Đạo. Trong nhiều kinh điển của Đạo giáo nhắc đến hình ảnh Ngũ đế trì phan ( Ngũ Lão Ngũ Đế cầm tràng phan) hay Ngũ sắc tường vân ( mây báu năm màu).

Phan trong Đạo giáo là một pháp khí dẫn đường. Khi có một chúng sinh nào khởi tâm Quy Y, Quan Căn, Độ Lục hay thậm chí là công viên hành mãn, thăng chân đắc Đạo, Ngũ Lão đều ngự giáng trì linh phan mà câu dẫn hồng ân từ Nguyên Thủy. Khi ấy, Ngũ Lão Thủy Khí kết thành ngũ sắc tường vân mà tán tác pháp giới, trên thì khiến chư chân khánh hỷ, dưới thì khiến chúng sinh an lành, nơi u minh thủy đồ thì bít tắc tử lộ khai mở sinh lộ hầu tế độ quỷ hồn...

Trong các kinh điển, nhiều lần đề cập các vị chân nhân khởi cầu giáo pháp từ Nguyên Thủy Thiên Tôn. Trong các bản văn này, đôi khi mô tả Thiên tôn cười, đôi khi Thiên Tôn yên lặng đăm chiêu hồi lâu, thậm chí có lúc Thiên Tôn đổ lệ. Ngài vui mừng khi thấy có những chúng sinh thăng chân đắc Đạo; Ngài cười rạng rỡ đón họ vào chính Mình. Ngài buồn vì vô số chúng sinh vẫn hằng đắm mình trong cảnh lầm than, phóng đãng thân tâm ý mà chuốc lấy luân hồi khốn khổ....Thiên Tôn vốn là Đấng vô tình vô danh, vô hình vô tướng, Ngài không có tư tình tư dục như chúng sinh phàm trần. Ấy thế nhưng, vì một lòng từ bi lân tuất quá lớn lao mà Ngài biểu hiện ra những thứ như thể cảm xúc.

Thiên Tôn chẳng đành lạnh mặt mà uy nghiêm ngồi tòa cao nhất nhưng đã hạ mình mà chia sẻ vui buồn cùng sinh dân. Ngài là đấng khiêm nhu, thường quảng cứu chúng sinh!

4, Sự thờ kính Nguyên Thủy Thiên Tôn

Trong Đạo giáo chính tông, Nguyên Thủy Thiên Tôn nói riêng và Tam Thanh nói chung chiếm một vị trí trung tâm và quan trọng trong hành trì. Phần đa các đạo quán lớn nhỏ đều cung phụng Tam Thanh thần tượng. Tuy nhiên, hiếm khi có sự thờ kính riêng rẽ từng vị một.

Hằng năm, vào các ngày Đông chí, rằm tháng hai, Hạ chí, các Đạo quán buộc phải cử hành pháp hội long trọng mừng kinh thánh thọ của Nguyên Thủy Thiên Tôn, Đạo Đức Thiên Tôn và Linh Bảo Thiên Tôn. 

Trong một kỳ pháp hội nào đó, dù mục đích không tập trung vào Tam thanh ví dụ như pháp hội kính Tam Quan Đại Đế, Pháp hội quy y truyền độ, Pháp hội cầu phúc ... cũng bắt buộc phải có các khoa nghi tôn kính Tam thanh thượng thánh, ít là phải có thượng Tam Bảo Hương. 

5, Ngọc Thanh bảo cáo

Chí tâm quy mệnh lễ 

Tam giới chi thượng, Phạm khí di la

Thượng cực vô thượng, thiên trung chi thiên

Uất la tiêu đài, ngọc sơn thượng kinh

Miểu miểu kim khuyết , sâm la tịnh hoằng 

Huyền nguyên nhất khí , hỗn độn chi tiên 

Bảo châu chi trung , huyền chi hựu huyền 

Khai minh tam cảnh , hóa sinh chư thiên 

Ức vạn thiên chân , vô ưởng thánh chúng 

Toàn đẩu lịch ki , hồi độ ngũ thường 

Nguy nguy đại phạm, vạn đạo chi tông

Đại la Ngọc Thanh, hư vô tự nhiên

Chí chân diệu đạo Nguyên Thủy Thiên Tôn

___ Thần Hy Quân ___

Ý kiến bạn đọc