Thần tiên 神仙là người tu chân đắc đạo, thần thông quảng đại, trường sinh bất tử trong lí tưởng Đạo giáo, cũng gọi là “thần nhân” 神人 hoặc “tiên nhân” 仙人. Trong Dịch – Hệ từ 易 - 系辞 có câu:
Âm dương bất trắc vị chi thần.
阴阳不测谓之神.
(Âm dương biến hoá khôn lường gọi đó là thần)
Và trong Trang Tử - Thiên hạ thiên 庄子 - 天下篇:
Bất li vu tinh, vị chi thần nhân.
不离于精, 谓之神人
(Không làm ngược với tinh tuý của Đạo gọi đó là thần nhân)
Trong Thích danh 释名có nói, già mà không chết gọi là tiên. Trong Đạo giáo thời kì đầu, “thần” và “tiên” có chút khu biệt. Nói chung, thần chỉ thần linh nơi thiên giới, địa vị tương đối cao, quyền lực tương đối lớn; tiên chỉ người do tu luyện mà thành, trường sinh bất tử. Đương nhiên đôi lúc cũng không có sự khu biệt, gọi chung là “thần tiên”. Thần tiên có năng lực siêu phàm và thần thông. Như trong Trang Tử - Tiêu dao du 庄子 - 逍遥游 có nói:
Miểu Cô Dạ chi sơn, hữu thần nhân cư yên, cơ phu nhược băng tuyết, xước ước nhược xử tử, bất thực ngũ cốc, hấp phong ẩm lộ, thừa vân khí, ngự phi long, nhi du hồ tứ hải chi ngoại.
藐姑射之山, 有神人居焉, 肌肤若冰雪, 绰约若处子, 不食五谷, 吸风饮露, 乘云气, 御飞龙, 而游乎四海之外.
(Ở núi Cô Dạ xa xôi có thần nhân trú ngụ, da trắng như băng tuyết, tha thướt yểu điệu như trinh nữ, không ăn ngũ cốc, hít gió uống sương, cưỡi mây ngự rồng, rong chơi ngoài bốn biển.)
Trong Thần tiên truyện 神仙传, Cát Hồng 葛洪cũng nói, tiên nhân có thể nhún người vào mây, không cánh mà bay, cưỡi rồng cưỡi mây lên thiên giới, hoá làm điểu thú, rong chơi chốn mây xanh, hoặc lặn nơi sông biển, bay lượn chốn danh sơn, hoặc ăn nguyên khí, hoặc nhai cỏ chi, hoặc ra vào chốn nhân gian mà người không biết, hoặc ẩn thân mà chẳng ai hay, mặt người nhưng xương cốt khác thường, trên thân mọc lông lạ, thích nơi vắng vẻ, không giao lưu với thế tục, ngay cả tướng mạo và tập quán sinh hoạt cũng khác với người phàm.
Đạo giáo còn cho rằng, thông qua tu luyện cũng có thể thành thần tiên. Trong Bão Phác Tử nội thiên 抱朴子内篇có nói, phàm người dùng dược vật để dưỡng sinh, dùng thuật số để kéo dài sinh mệnh, khiến bệnh từ bên trong không sinh ra, bệnh từ bên ngoài không nhập vào, tuy nhìn thấy lâu không chết mà thân cũ không biến đổi, trở thành thần tiên, được liệt vào thượng giới.
Có bao nhiêu loại thần tiên
Thần tiên ban đầu lưu truyền, đa phần là những nhân vật trong truyền thuyết thượng cổ, như Xích Tùng Tử 赤松子, Vương Kiều 王乔, Hoàng Đế 黄帝, Bành Tổ 彭祖... Từ thời Hán Nguỵ về sau, đa phần là nhân vật Đạo giáo hoá thành tiên, như Tam Mao Quân 三茅君, Vương Huyền Phủ 王玄甫... Từ thời Đường Tống trở đi thì đa phần là nhân vật lịch sử hoá thành tiên, như Trương Quả Lão 张果老, Lã Động Tân 吕洞宾. Trải qua một quá trình, các bậc thánh hiền của Nho Thích cũng được xếp vào hàng thần tiên của Đạo giáo. Danh hiệu thần tiên lên đến cả ngàn vạn, nhiều không kể xiết, phẩm vị cũng có phân cao thấp.
Thời kì đầu của Đạo giáo, có Thiên tiên 天仙, Địa tiên 地仙, Thi giải tiên 尸解仙. Trong Bão Phác Tử 抱朴子dẫn lời Tiên kinh 仙经 nói rằng: Tiên có 3 cấp. Thượng sĩ nhục thân thăng thiên, gọi đó là Thiên tiên; trung sĩ rong chơi nơi danh sơn, gọi đó là Địa tiên; hạ sĩ đắc đạo khi chết thoát khỏi nhục thân mà thăng thiên, gọi đó là Thi giải tiên.
Trong Thái chân khoa 太真科 nói tiên có 9 cấp, tức Thượng tiên 上仙, Cao tiên 高仙, Đại tiên 大仙, Thần tiên 神仙, Huyền tiên 玄仙, Chân tiên 真仙, Thiên tiên 天仙, Linh tiên 灵仙, Chí tiên 至仙.
Trong Dung Thành tập tiên lục 墉城集仙录 cũng nói tiên có 9 phẩm:
Đệ nhất hiệu Thượng tiên 上仙
Đệ nhị hiệu Thứ tiên 次仙
Đệ tam hiệu Thái Thượng Chân Nhân 太上真人
Đệ tứ hiệu Phi Thiên Chân Nhân 飞天真人
Đệ ngũ hiệu Linh tiên 灵仙
Đệ lục hiệu Chân nhân 真人
Đệ thất hiệu Linh nhân 灵人
Đệ bát hiệu Phi tiên 飞仙
Đệ cửu hiệu Tiên nhân 仙人.
9 phẩm trong Tam đàn viên mãn thiên tiên đại giới lược thuyết 三坛圆满天仙大戒略说 lại khác với 2 loại đã nói ở trên, tôn thần trên thượng giới có:
Hỗn Nguyên Vô Thuỷ Kim tiên 混元无始金仙
Động Nguyên Thái Sơ Kim tiên 洞元太初金仙
Linh Nguyên Tạo Hoá Chân tiên 灵元造化真仙
Nhân thế tu chứng thì có:
Thiên tiên 天仙
Địa tiên 地仙
Thuỷ tiên 水仙
Thần tiên 神仙
Nhân tiên 人仙
Quỷ tiên 鬼仙
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 04/10/2018
Nguồn
ĐẠO GIÁO THƯỜNG THỨC ĐÁP VẤN
道教常识答问
Tác giả: Khanh Hi Thái 卿希泰
Vương Chí Trung 王志忠
Đường Đại Triều 唐大潮
Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, 1996