Tiên Tượng Đức Nguyên Thỉ Thiên Tôn tại Trường Chân Môn ( Biên Hòa, Đồng Nai)
Ngọc Thanh Bảo Cáo mạn đàm
Ngày Đông chí (22/12), tức dịp Thánh đản của Đại La Đạo Bảo Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn. Nguyên Thủy Tôn ngự tại Ngọc Thanh Thánh Cảnh, Thanh Vi Thiên Cung nơi Huyền Đô Ngọc Kinh. Ngài là tổ tông của chúng Thánh cùng toàn thể vũ hoàn. Ngài là Đỗng Chân giáo chủ, Vô thượng chí chân Đạo Bảo.
Khi giải thích bốn chữ Nguyên Thủy Thiên Tôn, kinh viết: "Vô tông vô thượng, nhi độc năng vi vạn vật chi thủy, cố danh Nguyên Thủy. Vận đạo nhất thiết vi cực tôn, nhi thường xứ nhị thanh, xuất chư thiên thượng, cố xưng Thiên Tôn"
Nguyên Thủy Thiên Tôn là Đấng tự có, chẳng do sự sinh hóa thường tình nào. Ngài có từ trước muôn thuở muôn đời, trước cả khi có thời gian và không gian. Vì thế, Ngài là khởi nguyên, là Cha già sinh ra Chúng thánh cùng mọi loài thụ tạo. Nguyên Thủy Thiên Tôn quả thực là Chí Chân Đạo Bảo.
Nhân dịp này, chúng ta cùng tìm hiểu sơ qua về hai câu trích trong Ngọc Thanh Bảo Cáo:
“Huyền nguyên nhất khí , hỗn độn chi tiên
Bảo châu chi trung , huyền chi hựu huyền”
“Huyền nguyên nhất khí” đề cập một thời điểm liên quan đến huyền – nguyên - thủy tam khí. Đó là thuở thời gian, không gian chưa được thiết lập – thời vô cực. Thuở đời đời, tiên thiên nhất khí hóa sinh Thủy khí. Thủy khí (bản thể) không ngùng vận động trong chính mình, không lệ thuộc bất cứ thứ gì, sinh hóa Nguyên khí (nguồn gốc khởi đầu thật sự). Từ sự sinh hóa, tác động sinh ra Huyền khí. Huyền, Nguyên, Thủy tam khí là Tam Thanh khí (“Khí” là giả danh, mượn để gọi). Thuở huyền nguyên nhất khí là có trước hỗn độn. Điều đó muốn nói lên Nguyên Thủy Thiên Tôn có từ thời vô thủy, chí cùng, ngài có trước tất cả chúng sinh, là khởi nguyên của vạn vật. Tiên thiên Đạo khí hóa sinh Huyền Nguyên Thủy tam khí. Tam Thanh khí này là Tông cội của trời đất, là nguồn gốc của Tạo hóa. Tam khí hợp sinh kết thành cửu khí. Cửu khí này là chính phương thế sinh hóa và vận hành vạn vật. Ấy là ứng với lời kinh " Tam sinh vạn vật".Thật thế, bởi Tam khí là nguồn cơn của Tạo hóa nên khi ngắm nhìn vạn hữu ta nhận ra các dấu chỉ của Ngài. Đạo là Tam khí, ở nơi vật là Tam tài, ở nơi trời là Tam quang ( nhật, nguyệt, tinh), ở nơi người là Tam tiêu, tam bảo ( tinh khí thần)...
“Bảo châu chi trung” có thể hiểu đó chính là luật quân bình biểu trưng cho hình tượng ngài cầm trong tay viên ngọc. Với bất kì một góc nhìn nào, viên ngọc cũng giữ được như y nguyên tính tròn trịa của nó. Cũng như Đạo, bất kể là thời điểm nào, luật quân bình của trời đất vẫn được thiết lập.
Ngoài ra, cũng có thể hiểu theo một lớp nghĩa khác. Đó là nhắc lại khi xưa Nguyên Thủy Thiên Tôn treo một không động to như hạt nếp, Thiên tôn ở nơi đó thuyết pháp độ quần tiên. Quần tiên sau khi sinh ra phải vào không động để đắc ngộ. Ở đây gợi mở ra một ý nghĩa to lớn, quần tiên được sinh ra nhưng phải được đón nhận cái đức vô vi của Đạo trong không động thì mới thành tự nhiên cao chân. “Huyền chi hựu huyền”, sự huyền diệu vô cùng. Đó là “chúng diệu chi môn” –cửa linh thiêng xuất phát mọi nguồn huyền diệu trong đất trời.
Trong Đạo giáo, Nguyên Thủy Thiên Tôn nói riêng và Tam Thanh nói chung chiếm một vị trí trung tâm và quan trọng trong hành trì. Phần đa các đạo quán lớn nhỏ đều cung phụng Tam Thanh thần tượng. Tuy nhiên, hiếm khi có sự thờ kính riêng rẽ từng vị một. Hằng năm, vào các ngày Đông chí, rằm tháng hai, Hạ chí, các Đạo quán buộc phải cử hành pháp hội long trọng mừng kinh thánh thọ của Nguyên Thủy Thiên Tôn, Đạo Đức Thiên Tôn và Linh Bảo Thiên Tôn.
Dịp này, kính mong quý đạo hữu thành tâm xưng niệm Ngọc Thanh Bảo Cáo, nguyện Thiên Tôn đại từ bi, cầu mong đạo tâm viên mãn, thánh trí viên thông, tu chân hữu phần, tiến đạo vô ma.
Chí tâm quy mệnh lễ
Tam giới chi thượng, Phạm khí di la
Thượng cực vô thượng, thiên trung chi thiên
Uất la tiêu đài, ngọc sơn thượng kinh
Miểu miểu kim khuyết , sâm la tịnh hoằng
Huyền nguyên nhất khí , hỗn độn chi tiên
Bảo châu chi trung , huyền chi hựu huyền
Khai minh tam cảnh , hóa sinh chư thiên
Ức vạn thiên chân , vô ưởng thánh chúng
Toàn đẩu lịch ki , hồi độ ngũ thường
Nguy nguy đại phạm, vạn đạo chi tông
Đại la Ngọc Thanh, hư vô tự nhiên
Chí chân diệu đạo Nguyên Thủy Thiên Tôn
Nguồn: Toàn Chân Long Môn