Ngày Rằm tháng Giêng nông lịch sắp đến, Đạo giáo cung nghênh Thánh đản của Trương Đạo Lăng thiên sư. Nhân dịp này, chúng ta nói sơ qua về ngài. Đạo giáo vốn nhiều tông phái, nhưng đều bái Hoàng Đế làm Thủy tổ, bái Lão Quân làm Đạo tổ và bái Trương Đạo Lăng thiên sư làm Giáo tổ. Một số nơi cho rằng Thánh đản của Trương Đạo Lăng thiên sư là ngày 18/5 Âm lịch, tuy nhiên đó là Thánh đản của một vị Trương thiên sư khác cũng rất nổi danh trong Đạo giáo.
Ảnh: internet
Trương Lăng sinh năm 35 CN (Công Nguyên), đến năm 90 CN ngài tới Vân Cẩm Sơn tu tập đan pháp. Ngài tu tại đây trong vòng 3 năm trời thì đắc đan. Tương truyền phép đan ngài đạt được chính là Cửu Thiên Thần Đan của Hoàng Đế. Điển cố nhắc lại rằng khi ngài tu đan tại núi Vân Cẩm, năm đầu tiên vùng đó trỗi dậy những ánh sáng dị thường. Đến năm thứ hai thì trên núi có phảng phất hình Thanh Long, Bạch Hổ. Đến năm thứ ba, lúc ngài đắc đan thì trên núi hiện lên rõ rệt hình tượng Thanh Long, Bạch Hổ bay lượn. Dân chúng nhân đó mà đặt tên núi thành Long Hổ Sơn. Sau khi sở đắc, Trương Đạo Lăng muốn đi truyền giáo pháp rộng rãi trong chúng sinh. Đến năm 141, ngài lập Ngũ Đấu Mễ Đạo. Bởi cảm lòng thành kính của ngài, năm 142, Lão Quân hạ giới truyền Chính Nhất Minh uy phẩm, kể từ đây, Thiên Sư Đạo chính thức thành lập, Đạo giáo được khởi sinh. Lại nữa, đến năm 155, Lão Quân lại hạ giới truyền cho ngài Bắc Đẩu Kinh – yếu quyết của phép diên sinh.
Trong Tổ Thiên Sư cáo có viết: “Bản lai Nam thổ; Thượng tố Thục đô”, ý nói đến Trương Đạo Lăng thiên sư là người thuộc đất Phái nằm ở phương Nam Trung Hoa. Còn Thục Đô (còn có tên là Thành Đô) là kinh đô của nước Thục thuở ấy. Đó cũng chính là địa điểm Trương Đạo Lăng thiên sư đến truyền đạo. Tại sao ngài chọn đất Thục chứ không phải nơi khác? Bởi lẽ ngài nhận thấy người dân nơi đây chất phác hiền lành, đất đai lại trù phú, quả thật là mối duyên lành hảo để truyền bá giáo pháp. Đồng thời, nơi đây thuở ấy đang xuất hiện những dịch bệnh lạ thường, vì thế Trương Đạo Lăng thiên sư một mặt đến truyền đạo, một mặt dùng kinh nghiệm lẫn phù văn mà mình có được để chữa trị cho người dân tại nơi đây. Thuở lập giáo, ngài đã chia nhỏ nơi đây thành các vùng, có 4 trị lớn, 24 trị nhỏ. Mỗi trị có một vị đứng đầu dẫn dắt. Nơi Trương thiên sư ở là Dương Bình Trị đã được Lão Quân truyền cho Phúc Đình Ấn (tên là Lạc Dương Trị Đô Công Ấn). Đây là ấn tối cao của Đạo giáo biểu trưng cho quyền uy của Thái Thượng Lão Quân, ấn này hiện diện ở đâu mô tả Lão Quân đang có mặt ở đó. Ám chỉ ngài được Lão Quân truyền cái quyền thay Lão Quân giáo hóa chúng sinh, dạy chúng sinh biết đường tu tập. Đến nay ấn này đã lưu lạc trong nhân gian, không rõ tung tích.
Tiên tượng sư tổ Trương Thiên Sư do nghệ nhân Đăng Tự tạc năm 2016
Tổ Thiên Sư cáo cũng nhắc đến ngài là bậc “chính tà lưỡng biện”. Câu này nhắc đến một tích rằng: Thuở xưa, nhân – quỷ hai giới vẫn chưa phân định rõ rành. Bởi thế nên quỷ giới vẫn hay quấy nhiễu nhân gian, mà kẻ pháp sư chốn nhân giới vẫn hay lợi dụng để thâu tài đoạt lợi, mê mị chúng sinh. Trương Đạo Lăng thấy vậy mới xin Lão Quân ban cho 3 bộ luật thiên giới, nhân giới, quỷ giới. Kể từ đó, nhân quỷ hai giới được phân chia rạch ròi. Tuy nhiên, câu này cũng có thể hiểu theo một cách gần gũi hơn, đó chính là việc Trương Thiên Sư đến truyền đạo nơi đất Thục đã giáo hóa người dân nơi đây, bài trừ những hủ tục lạc hậu nên gọi “chính tà lưỡng biện” – phân định chính tà.
Quả thực, công đức của Trương Đạo Lăng Thiên Sư để lại không thể luận bàn hết được. Nếu không có ngài, chẳng biết được Đạo giáo bao giờ mới được hình thành và phát triển như ngày hôm nay. Trương Thiên Sư là Tổ Thiên sư, chính từ đó mà giáo pháp đạo giáo được hình thành, từ đó mà các vị thiên sư, chân nhân về sau mới có nên. Vị “sư” này được kế thừa giáo pháp của Thiên Tôn nên mới được danh hiệu “Thiên sư” vậy.
Nguồn: Long Môn