Lôi Tổ - ngày tháng đản

Chủ nhật, 16/10/2022 21:20

Cửu Thiên Ứng Nguyên Lôi Thanh Phổ Hóa Thiên Tôn còn được gọi là Phổ Hóa Thiên Tôn, Lôi Tổ. Ngài là vị thần quan trọng trong niềm tin Đạo Giáo. Ngài là Hóa Thân của Ngọc Thanh Chân Vương Nam Cực Trường Sinh Thượng Đế. Ngài thống trị Lôi Bộ, tam tỉnh cửu ti, tam thập lục nội viện ti, Đông Tây hoa đài, Huyền Quan diệu các, Tứ Phủ Lục Viện ti cục.

Nguồn: Long Môn

loi-to

Tranh Lôi Tổ 

Theo đó, Ngài làm đầu lãnh của các vị Ngũ Lôi Thần Binh Thần Tướng, Tam Thập Lục Lôi Công. 

1. Pháp tướng: Lôi Tổ có hai pháp tướng: văn tướng và võ tướng.
Võ Tướng của Lôi Tổ biểu hiện là một vị thần cưỡi trên kỳ lân, tay cầm pháp tiên, đi chân trần. Lôi tổ nơi trán hiện pháp nhãn để thấu tường mọi yêu tà, thân phi bảo giáp, xung quanh có chứ vị lôi bình lôi tướng tháp tùng chế phục yêu tinh quỷ quái. Khi Lôi đình uy phát, tất cả quỷ quái đều tự vong! Điều này thể hiện uy quyền Đại Đạo, cũng chính là nói lên sự uy phát, vĩ đại của Đạo vậy.

Văn Tướng của Lôi Tổ được mô tả trong Ngọc Xu Kinh. Đại để rằng: khi ấy, Lôi Sư Hạo Ông cung kính hỏi Thiên Tôn không biết nhờ nhân duyên gì mới có thể thượng thăng Ngọc Tiêu. Thiên tôn liền ngự giá Cửu phụng, tay cầm Kim Quang Minh Như Ý mà tuyên thuyết Lôi Pháp. Không chỉ hàng phục chúng ma, Lôi Tổ còn là Đấng đại từ bi vì độ muôn số chúng sinh mà thuyết pháp dẫn cứu. Ở Văn Tướng, Thiên Tôn nét mặt nhân từ, tay cầm Kim Quang Như ý biểu thị cầu cho chúng sinh thỏa đạo ý, toại đạo tâm. Ngài cưỡi trên Cửu Phụng, một thần thú được mô tả từ Sơn Hải Kinh, có khả năng tẩy trừ uế yếm. Về sau, Cửu Phụng hóa thân thành Cửu Phụng Ngọc Hoa Ti Phá Uế Đại Tướng Quân.

2. Tại sao một số vị tôn thần là tự nhiên cao chân nhưng lại có Thánh đản?
Thánh đản được hiểu một cách đơn thuần là ngày vía, ngày sinh. Nhưng ngay cả các vị như Tam Thanh, Tứ Ngự cũng đều có Thánh đản, Lôi Tổ cũng không ngoại lệ. Vậy liệu có phải rằng đây là ngày sinh của các ngài? Thật sự không phải như thế. Lấy ví dụ như Nguyên Thủy Thiên Tôn, ngài là tông cội vạn vật, là đấng kiến thiết vũ hoàn, sinh xuất chư thiên. Ngài là tự nhiên cao chân, tất nhiên, Ngài không có ngày sinh. Đạo giáo quan niệm Thánh đản Ngài là ngày Đông chí, vì sao vậy? Tiết Đông chí thuộc tháng 11 Âm lịch. Tháng 11 là quẻ Phục. Nguyên ý lấy ngày này vì quẻ Phục biểu trưng hào Dương bắt đầu khởi phát, tựa như ánh bình minh bắt đầu hiển hiện xua tan màn đêm u tối. Điều này gợi mở một hình ảnh khá giống với việc Nguyên Thủy Thiên Tôn khai sinh vạn vật, kiến thiết vũ hoàn. Từ đó lấy ngày Đông chí làm Thánh đản.
Đạo Đức Thiên Tôn ngày Thánh đản là Rằm tháng Hai Nông lịch. Tương truyền, Lão Tử sinh ngày này, vì Lão Quân hóa thân thành Lão Tử, nên Đạo giáo cũng lấy ngày này để tưởng nhớ.

Như vậy, ngày Thánh đản có thể là một biểu trưng về mặt ý nghĩa của việc Thiên Tôn làm cho chúng sinh, hoặc cũng có thể là ngày mà tương truyền là các ngài hiển hiện nơi nhân thế, chứ không nhất thiết phải như con người – ngày được sinh ra. Về ý nghĩa, phải hiểu được rằng Thánh đản tựa như một phương tiện liên kết, để đạo chúng có thể suy tưởng, có thể triều bái Thiên Tôn. Chính phương tiện liên kết đó góp phần tạo mối tương quan bền chặt giữa cá nhân với Đại Đạo. Hay nói một cách gần gũi hơn, là khiến con người trở nên thân thiết, gắn bó với Đạo.

3. Lôi Thanh Phổ Hóa Thiên Tôn có phải Văn Trọng thái sư?
Câu trả lời đầu tiên, cần khẳng định là không phải! Phong Thần Diễn Nghĩa vay mượn khá nhiều về hình tượng tôn thần Đạo giáo, từ đó, tác giả tưởng tượng nên một cuộc chiến giữa các vị thần nhằm xây dựng một trật tự thế giới mới!

Nên nhớ, Đạo giáo xuất hiện từ rất lâu. Về mặt tư tưởng, tư tưởng về Đạo của Lão Tử xuất hiện ở thời điểm 571 TCN - 471 TCN. Còn về tôn giáo, Đạo giáo chính thức hình thành vào năm 142 CN, nhằm đời vua Vĩnh Thọ nhà Đông Hán. Trong khi đó, Phong Thần Diễn Nghĩa xuất hiện vào thế kỷ 16-17. Như vậy, Phong Thần Diễn Nghĩa xuất hiện khá lâu so với quá trình hình thành và phát triển của Đạo giáo. Vậy nên, không thể căn cứ vào tác phẩm này để đề cập đến tôn vị của các vị thần. Muốn xác định một vị tôn thần nào đó, phải dựa trên kinh điển, không phải trên cơ sở văn học.
Đồng thời, nếu Văn Trọng thái sư là thần tử của nhà Thương thì Lôi Thanh Phổ Hóa Thiên Tôn là đấng có từ muôn muôn kiếp trước. Ngài là bậc tự nhiên cao chân, hàm chân thể đạo, há lại còn trải qua tới cả ngàn vạn kiếp như chúng sinh vậy? Một đấng thâu giữ trong tay lôi uy hiển hách, thống lâm ba mươi sáu cõi trời, há lại là một chúng sinh tu thành chăng? Một cách tất nhiên, nhận định trên là sai trái với niềm tin Đạo giáo.

Ngày 19 tháng 6, Nông lịch, nhằm ngày Lôi Tổ hạ giáng nhân gian trong dịp Lôi Trai Nguyệt. Đạo chúng thành tâm xưng niệm Lôi Tổ Bảo cáo, nguyện cho Đạo tâm được viên mãn, thánh trí viên thông.
 

Lôi Tổ bảo cáo
Chí tâm quy mệnh lễ
Cửu thiên ứng nguyên phủ, vô thượng ngọc thanh vương.
Hóa hình nhi mãn thập phương.
Đàm đạo nhi phu cửu phượng.
Tam thập lục thiên chi thượng.
Duyệt bảo cấp, khảo quỳnh thư.
Thiên ngũ bách kiếp chi tiên.
Vị chính chân, quyền đại hoá.
Thủ cử kim quang như ý, tuyên thuyết ngọc xu bảo kinh.
Bất thuận hoá tác vi trần, phát hào tật như phong hoả.
Dĩ thanh tịnh tâm, nhi hoằng đại nguyện.
Dĩ trí tuệ lực, nhi phục chư ma.
Tổng ti ngũ lôi, vận tâm tam giới.
Quần sinh phụ, vạn linh sư.
Đại thánh đại từ, chí hoàng chí đạo.
Cửu Thiên Ứng Nguyên Lôi Thanh Phổ Hoá Thiên Tôn.

Ý kiến bạn đọc