Tết Trung thu vào ngày rằm tháng 8 hằng năm. Theo các tài liệu còn lưu giữ, tết Trung thu đã trở thành một tiết nhật quan trọng vào thời kì Tùy Đường. Tết Trung thu còn được gọi là tết trông trăng, tết hoa đăng, nguyệt tịch, nguyệt tiết, đoan chính tiết, bát nguyệt bán, trọng thu tiết, trung thu tiết, đoàn viên tiết. Các hoạt động tín ngưỡng của Đạo giáo liên quan đến tiết nhật này chủ yếu bao gồm bái nguyệt và tế thổ địa thần.
Nguồn: Đạo sĩ Vương Long Hoa
Bái nguyệt còn được gọi là tế nguyệt, lễ nguyệt, cúng nguyệt, là một phong tục tập quán tín ngưỡng liên quan đến việc cúng tế mặt trăng. Đại thể hoạt động cúng bái mặt trăng được hình thành vào thời Đường, nhưng thu tịch, lễ nguyệt đã có từ thời cổ đại.
Thu tịch lễ nguyệt tức là đến cuối thu phân người ta cử thành nghi lễ tế nguyệt. Tín ngưỡng dân gian coi mặt trăng là thần mặt trăng, gọi là nguyệt thần, nguyệt cô, nguyệt lượng cô nương. Đạo giáo tôn xưng nguyệt thần là Thái Âm Tinh Quân, thánh hiệu tôn xưng đầy đủ là: Nguyệt Phủ Kết Lân Hoàng Quân Diệu Quả Tố Nguyệt Thiên Tôn, Cung Khuyết là Viên Hạ hoặc là Tố Diệu Đại Cung.
15 tháng 8 âm lịch là thánh đản của Thái Âm Tinh Quân.
Trong đêm, khi mặt trăng lên vào đúng đêm trăng sáng, Đạo giáo cung quán lập đàn Tế Nguyệt.
Sự sùng bái mặt trăng đã có từ lâu trong dân gian và ở các nước trên thế giới cũng phổ biến sự sùng bái này, đây vốn là tín ngưỡng sùng bái từ thời nguyên thủy. Trong đêm tối ánh sáng mặt trăng mang lại cho con người ta nhiều điều tưởng tượng, từ đó nhiều câu chuyện hay và cảm động được sinh ra
Trong Hoài Nam Tử có câu chuyện Hằng Nga bay lên cung trăng, câu chuyện truyền thuyết này liên quan tới sợi dây tơ tình suốt thiên thu ngàn năm của thế gian nhân loại. Nàng Hằng Nga gắn liền với chàng Hậu Nghệ. Hậu Nghệ là anh hùng bắn rơi 9 mặt trời. Hậu Nghệ và Hằng Nga kết nghĩa phu thê, tình cảm đằm thắm như chim liền cánh như cây liền cành, kính trọng yêu thương nhau. Tuy nhiên đến một ngày, Hằng Nga bỗng rời xa người chồng của mình mà bay lên cung trăng, để lại chàng Hậu Nghệ đau buồn nơi trần thế ...
Hậu Nghệ và Hằng Nga vốn là những sứ giả của Thần được cử xuống nhân gian, sau khi hoàn thành việc cứu độ thế nhân sẽ cùng nhau trở về trời. Tuy nhiên, vì Hậu Nghệ đã mê đắm quá sâu trong cõi nhân gian nên Hằng Nga chỉ có thể một mình bay về trời, quy thiên phục mệnh.
Trong Thái Bình Ngự Lãm và Hoài Nam Tử có câu chuyện Ngô Cương chặt quế: Ngô Cương là người Tây Hà sống vào thời nhà Hán, khi tu đạo vì phạm tội nên bị sư phụ trừng phạt, phải lên Nguyệt Cung chặt quế. Cây quế trên Nguyệt Cung cao 500 trượng, là loại cây vô cùng thần kỳ, hễ chặt thì vết chặt lại lành lặn như cũ. Bởi vậy mặc dù trải qua thời gian rất lâu, Ngô Cương cũng không làm cây quế đổ xuống được, đành bất đắc dĩ ở Nguyệt Cung chặt cây mãi không ngừng.
Còn trong dân gian Việt Nam có bài ca dao:
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
Để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Ông thời cầm bút cầm nghiên,
Ông thời cầm tiền đi chuộc lá đa.
Chú Cuội cung trăng là một câu chuyện hư cấu nhằm lý giải những chỗ lõm của mặt trăng được nhìn thấy có dạng nối liền trông giống như một người đang ngồi dưới gốc cây đa vào những dịp trăng tròn, nhất là ngày rằm tháng Tám.
Trong Nghĩ thiên vấn của Phù Hàm có câu:
Trong trăng có gì thế?
Có con thỏ bạch giã thuốc, cầu mong hưng thịnh, phúc lành.
Trong Thủy Điệu Ca Đầu- Trung Thu của Tô Đông Pha có nói:
Vầng trăng sáng có tự khi nào,
Nâng chén rượu lên hỏi trời cao,
Chẳng biết cung điện trên chốn ấy,
Đêm nay đã là đêm năm nào.
Từ đó về sau, Thái Âm Tinh Quân được người dân tôn thờ ở nhiều nơi. Khi nam nữ yêu nhau, họ thề thốt dưới ánh trăng để câu mong Thái Âm Tinh Quân phù hộ cho tình yêu của họ, và hơn hết với những người con xa xứ xa quê hương họ cầu nguyện dưới ánh trăng mong muốn Thái Âm Tinh Quân phù hộ cho gia đình họ sớm được đoàn viên.
Trong dân gian, vẫn còn lưu giữ tập tục truyền thống cúng tế mặt trăng vào rằm tháng 8. Các vật phẩm dâng lên tiến cúng thường là hoa quả trái cây đặc trưng của mùa thu và đặc biệt là phải có bánh Trung thu.
Tương truyền rằng, cuối thời Nguyên của Trung Quốc có hai vị lãnh tụ của phong trào nông dân khởi nghĩa là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn. Hai vị này đã tổ chức nhân dân vùng lên chống lại bè lũ thống trị tàn bạo. Để có thể truyền đạt tin tức và mệnh lệnh một cách bí mật, người ta đã làm những chiếc bánh hình tròn, trong những chiếc bánh này đều có nhét thêm một tờ giấy ước định thời gian khởi nghĩa là lúc trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng 8 âm lịch. Sau đó những chiếc bánh này được người ta truyền đi cho nhau và trở thành một phương tiện liên lạc vừa an toàn lại vừa hiệu quả. Cũng từ chiếc bánh mà tin tức hô hào khởi nghĩa đã được truyền đi khắp nơi. Về sau người Trung Quốc lấy việc làm bánh Trung thu vào ngày Rằm tháng 8 để kỷ niệm sự kiện ấy.
Bánh Nguyệt có lịch sử lâu dài ở Trung Quốc, sử sách ghi chép từ thời Ân, Chu ở vùng Triết Giang đã có loại bánh kỷ niệm Thái Sư Văn Trọng gọi là bánh Thái Sư. Bánh này có thể coi như là thuỷ tổ của bánh trung thu. Vào thời Tây Hán, Trương Thiên đi Tây Vực mang về Trung Quốc hạt Vừng, hạt Hồ đào, hạt dưa hấu làm nguyên liệu cho bánh Nguyệt thêm dồi dào. Thời đó hồ đào là nguyên liệu chính của bánh Nguyệt nên còn gọi là bánh Hồ Đào.
Đến thời Đường trong dân gian có những người hành nghề làm bánh, ở thành phố Trường An có những tiệm bánh trứ danh. Tương truyền có một đêm trung thu, Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi ăn bánh Hồ Đào, thuởng ngoạn trăng rằm, Đường Huyền Tông chê tên bánh Hồ Đào nghe không hay nên đặt tên là bánh Nguyệt cho thơ mộng hơn, nên từ đó về sau Bánh trung thu có tên là Bánh Nguyệt và được dùng cho đến tận ngày nay.
Ngoài các vật phẩm trên ra, khi cúng bái mặt trăng người ta cũng tụng niệm Thái Âm Kinh và Thái Dương Kinh để cầu thần mặt trăng bảo hộ cho gia đình được bình an hưng thịnh.
Trong dân gian phương thức bái tế mặt trăng rất nhiều, hoặc là hướng đến mặt trăng quỳ bái, hoặc thiết lập thần tượng hương án để cúng bái tế lễ. Việc cúng bái tế lễ mặt trăng có từ phong tục cổ xưa, nhưng đến tận nhà Thanh nó mới chính thức trở thành lễ nghi tế tự chính thức của triều đình.
Rằm tháng 8 ngoài việc lễ bái tế tự nguyệt thần ra người dân có tế bái Thổ Địa Thần.
Thổ Địa danh xưng chính thức của Ngài là Phúc Đức Chính Thần. Trong dân gian còn xưng là Hậu Thổ, Xã Thần, Xã Công, Bá Công, Thổ Địa hoặc Phúc Thần. Ở các nơi thờ phụng ngoài trời hay Miếu Vũ thì tôn xưng là Phúc Đức Chính Thần. Thổ Địa là tín ngưỡng lâu đời của người dân phương Đông tôn thờ vị thần thủ hộ cho thôn xã của họ.
Từ xưa lấy nông nghiệp làm gốc cho nên trăm họ đều coi trọng đất đai, vì có đất mới có thể sản xuất ra ngũ cốc để ăn mà sống. Vì thế đối với đất đai có sự biết ơn rất lớn, từ đó sinh ra tâm lý sùng bái và sáng tạo ra một vị thần đất để thờ phụng.
Sau khi Đạo giáo hình thành hấp thụ tín ngưỡng dân gian nên đã liệt Thổ Địa Thần vào trong hệ thống phả hệ thần tiên. Trong kinh thư gọi là Thái Xã Thần, Thổ Ông Thần, Thổ Mẫu Thần.
Ngày xưa lễ Thu báo thường là vào ngày rằm tháng tám, tức là lúc đã thu hoạch xong mùa vụ, vừa cúng tạ ơn trúng mùa, vừa cầu xin phúc lộc với Ngài Thổ Địa Công. Có lẽ đây là nguồn gốc của Tết Trung Thu ngày nay vậy.