Đoan Ngọ là một tiết nhật vô cùng quan trọng của người dân Đông Á, mỗi năm vào đúng ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch khắp nơi nơi tổ chức lễ tống ngũ ôn thần, và mùng 5 tháng 5 cũng trở thành ngày khu trừ ôn dịch. Ở Việt Nam người ta gọi với cái tên dân dã là tết giết sâu bọ.
Nguồn: Đạo sĩ Vương Long Hoa
1. Nguồn gốc của tiết Đoan Ngọ:
Có người cho rằng, Tết Đoan Ngọ là bắt nguồn từ thời cổ
Có người thì cho rằng, đây là sự tôn sùng vật tổ của người dân vùng sông Trường Giang.
Phổ biến nhất trong dân gian thì cho rằng, Tết Đoan Ngọ là để kỷ niệm nhà thơ yêu nước thời cổ Khuất Nguyên. Nhà thơ Khuất Nguyên sinh sống ở nước Sở trong thế kỷ 3 trước Công Nguyên, sau khi đất nước ông bị giặc xâm chiếm, ông hết sức căm phẫn nhảy xuống sông tự vẫn, hôm đó đúng vào ngày mồng 5 tháng 5. Về sau, cứ đến ngày mồng 5 tháng 5, để kỷ niệm phẩm chất cao cả của nhà thơ Khuất Nguyên, ai nấy đều lấy gạo bỏ vào ống tre rồi thả xuống sông để tế ông. Về sau, ống tre đựng gạo lại được đổi thành bánh tông nhỏ không nhân.
2. Tại sao Tết Đoan Ngọ lại gọi là Đoan Ngọ?
Chu Xử trong sách Phong Thổ Ký có nói: Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương; Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Đoan Ngọ tiết còn được gọi là Đoan Dương Tiết, Đoan Nhật Tiết, Trùng Ngọ, Trùng Ngũ, Ngũ Nguyệt Tiết, Ngũ Nhật Tiết, Hạ Tiết, Thiên Trung Tiết, Xương Bồ Tiết, Ngải Tiết, Tống Tử Tiết...
Thời Nam Bắc triều, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Dục Lan tiết. Lan có nghĩa là túi đựng tên, hình dáng của nó như cái hộp gỗ.
Đoan Ngọ là một trong 4 tiết lễ vô cùng quan trọng của người dân Á Đông.
Đoan Ngọ không chỉ có ở Trung Quốc mà còn lan ra cả các quốc gia lân cận như: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều tiên, Singapo, Malaysia...
3. Mối liên hệ giữa tiết đoan ngọ và Đạo giáo
Ngũ nguyệt ngũ nhật ngọ
Thiên sư kị ngải hổ.
Xích khẩu thượng thanh thiên,
Bách trùng quy địa phủ.
Đã từ lâu trong dân gian hình tượng Trương Thiên Sư khu ma trừ tà đã trở thành một hình tượng điển hình trong lòng dân chúng, hình tượng của ngài xuất hiện vào đúng tiết Đoan Ngọ lại càng làm tăng thêm tính khu ma trừ tà và đặc biệt hơn cả là mang lại cho dân chúng sự bình an trong mỗi gia đình.
Với những người học Đạo và kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại như chúng tôi, tiết Đoan Ngọ không chỉ dừng lại ở mức độ kế thừa mà nó đã trở thành một phần tất yếu trong tín ngưỡng thờ cúng thần minh.
Nếu ở thời thượng cổ tiết Đoan Ngọ mới chỉ dừng lại ở một tiết nhật nhằm khư bệnh phòng dịch thì ngày nay tiết Đoan Ngọ đã phát triển đầy đủ cả về chiều sâu và chiều rộng, cả về văn hóa và tâm linh, khiến cho tiết Đoan Ngọ ngày nay càng trở nên phong phú và đa dạng từ vật phẩm cho đến hình thức như: Trương Thiên Sư phù, treo tranh Chung Qùy, cơm tống tử, đua thuyền rồng, treo Ngải cứu, treo Xương bồ, mang túi thơm, uống rượu hùng hoàng, đeo chỉ ngũ sắc, ăn bánh Tông, bánh tro, bánh nếp, bánh ngũ độc, ăn rượu nếp, chè đậu đen, ăn vải thiều... Tuy phong tục vùng miền có khác nhau nhưng tựu chung đại đa số vẫn là dán Trương Thiên Sư phù, treo tranh Chung Qùy, treo Ngải Cứu, treo Xương Bồ, tất cả những tập tục này đều được kế thừa và vu nhập vào trong Đạo giáo.
Thời Bắc Tống trong dân gian lưu hành việc treo và dán bùa Trương Thiên Sư, hoặc tranh Chung Qùy dán niêm vào giữa cửa để đề phòng tà ác gây hại. Hoặc người dân còn treo ngải cứu, xương bồ vào tiết Đoan Ngọ nhằm mục đích khu độc vì khí vị vô cùng đặc biệt của mình ngải cứu được lựa chọn để người dân đặt niềm tin vào việc tị tà khu độc, còn Xương bồ được cho là tinh anh của các loài cỏ nước nên cũng được lựa chọn là vật khu tà tị độc vào tiết Đoan Ngọ
Trong vấn đề ẩm thực ngày tiết Đoan Ngọ Đạo giáo từ đời Đường người ta đã biết dùng rượu Hùng Hoàng để tiêu diệt bách trùng vì vậy mà dân gian cũng bị ảnh hưởng nhiều từ việc này. Trong Đạo tạng cho rằng: uống rượu Hùng Hoàng trị được bách trùng lại khiến cho người ta thêm uy vũ.
Vào tiết Đoan Ngọ người ta thường hay đeo túi thơm, loại túi này có tác dụng phòng bệnh kiện thân, lại có tác dụng khu tà, trong các loại túi hương này chủ yếu là các loại thảo dược lại có thêm chu sa, hùng hoàng khí vị vừa thơm tho lại có tác dụng tị tà, bao quanh túi hương lại có chỉ ngũ sắc kết thành hình thù đẹp mắt, trong túi thơm ấy chủ yếu là các cị thuốc khu phong tán hàn phương hương khai khiếu, đeo túi hương bên mình chẳng những làm cho cơ thể thơm tho lại giúp tỉnh não, tăng vận thế.
Mùa hè tới, trẻ em nhi đồng là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất, chủ yếu các bệnh do côn trùng hoặc da liễu gây ra, ở một số nơi người ta may áo ngũ độc, làm giầy dép ngũ độc cho trẻ em mặc, đi với sự cầu mong giải trừ bệnh tật và đề phòng các loại côn trùng.
Ngoài ra, trong ngày Tết Đoan Ngọ người ta còn quấn cho trẻ chỉ 5 màu, ngụ ý là sống lâu trăm tuổi, khâu những túi thơm, có hình như con Hổ và quả bầu, trong bỏ hương liệu, lấy dây đỏ đeo trước ngực trẻ, còn cho trẻ đi giầy hình đầu hổ, đeo yếm thêu hình con Hổ, đây đều với ngụ ý là để phù hộ cho trẻ bình an, may mắn.
Vào tiết Đoan ngọ người ta còn nấu nước mộc lan để tắm rửa bất luận là người già trẻ nhỏ nam nữ đều nấu nước mộc lan để tắm rửa nhằ trị các bệnh ngoài da và khứ tà khí. Có nơi người ta dùng xương bồ, ngải cứu, bạch ngọc lan, phượng tiên để nấu, có nơi lại dùng bách diệp đại phong căn đào diệp, còn tôi thuở bé, bà tôi mẹ tôi đều bảo rằng ngày mùng 5 tháng 5 khi mặt trời chưa xuất hiện phải đi lấy các thứ là thơm quanh nhà để nấu nước tắm rửa vừa trừ xú uế, lại có thể trừ trùng, xua duổi tà khí, các thứ lá ấy là lá sả, lá bưởi và không quên có ngải cứu, có khi lại là hương nhu tía, cúc tần, hoa cúc lá trắc bách diệp ... bây giờ tôi lớn rồi nhưng việc mùng 5 tháng 5 đi kiếm lá tắm hoặc uống chỉ còn là kỉ niệm, vì sống trong thành phố không còn dễ dàng kiếm các loại lá ấy nữa. Có hay chăng chỉ ở những vùng quê mà thôi.
Cứ mỗi độ mùng 5 tháng 5 khắp nơi vùng Dương châu bên bờ sông Dương tử người dân vùng đó có tập tục đeo khu tà kính, tấm khu tà kính được đúc bằng đồng, xưa kia dùng để tiến cống cho đế vương nên còn gọi là thiên tử kính, tâm kính này cũng có tác dụng tịch tà
Ở những khu vực hạ lưu sông Trường Giang miền Nam Trung Quốc, đua thuyền Rồng là một trong những tập tục quan trọng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Nghe nói, tập tục này cũng có liên quan đến Khuất Nguyên, tương truyền sau khi người dân phát hiên Khuất Nguyên nhảy xuống sông, ra sức chèo thuyền lặn mò để cứu. Về sau đã trở thành tập tục đua thuyền Rồng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Hàng năm vào ngày Tết Đoan Ngọ, những cuộc đua thuyền trên sông, trên hồ đã trở thành ngày hội tưng bừng với quy mô hùng tráng.
Vào thời cổ đại các tông giáo tiếp nhận văn hóa dân gian chế ra phù ngũ độc để tặng cấp hoặc ban phát cho tín thí. Trong trường an tạp hưng có nói:
Nhất lạp đan sa cửu tiết bồ,
Kim ngư trì thượng tửu trọng cô.
Thiên đàn đạo sĩ thù giai tiết,
Thân tống chân nhân ngũ độc phù.
Thời nhà Thanh, trong Ngô xu phong thổ lục có nói đến chuyện các vị ni cô chế ngũ độc phù: Trong ni am, các vị ni cô dùng giấy ngữ sắc cắt thành hình hình các loại độc vật như: rắn, nhện, thằn lằn, cóc, cuốn chiếu đem tặng cho các tín chủ, các tín chủ đem về treo lên mi cửa hay bên cạnh giường ngủ nhằm mục đích khu cản độc trùng. Vậy là cả Đạo môn và Phật môn đều tham gia vào hoạt động lễ tiết dân gian Đoan Ngọ .
Ngoài ra Đoan Ngọ còn là một trong ngũ lạp của Đạo giáo, đó chính là Địa lạp nhật, đây là một trong 5 ngày trai tế quan trọng của Đạo giáo, 5 ngày đó là Thiên lạp, Địa lạp, đạo đức lạp, dân tuế lạp, vương hầu lạp vào ngũ lạp này Phong Đô Bắc Âm Thiên Đế khảo giáo quỷ hồn, ông bà tổ tiên kiểm tra con cháu đương sống nơi dương thế làm lành tránh dữ ra sao để định tội ban phúc. Vào ngày này khắp nơi trên các cung quán, các đạo sĩ đồng tụng ngũ đế ngũ lão bảo cáo để kì cầu ngũ phương ngũ đế giải ngũ phương ách nạn.
Ngũ lão thượng đế bảo cáo. Chí tâm quy mệnh lễ:
Âm dương thuỷ tổ, thiên địa căn nguyên. Thâu cáo mệnh vu ngọc hoàng, bỉnh chú chương vu linh bảo. Thái thư cẩm triện, thổ ngũ khí chi tinh hoa; Xích bức đan nang, phát tam quang chi hoảng diệu. Tiêu ca vu hàn linh điện nội, Phi bộ vu tử vy cung trung. Luyện độ thân hình, trấn khu yêu tà. Đại bi đại nguyện, đại thánh đại từ, Ngũ linh ngũ lão thượng đế, độ nhân hộ mệnh thiên tôn.
Người học đạo tu chân cầu chữ sinh làm gốc, ngày ngày mộc dục trai giới, triều chân hành đạo, chuyện này kim cổ xưa nay đều có nên người học đạo luôn luôn mong muốn khắc ghi. Bất luận là đeo chỉ ngũ sắc, treo cỏ xương bồ hay ngải cứu, dán thiên sư phù, hay uống rượu hùng hoàng đều xuất phát từ một động cơ lớn của con người đó chính là khu tà tích độc mà muốn đạt được mục đích này thì chẳng thể nào mà rời xa phương pháp của Đạo giáo được .
Đoan Ngọ và Đạo giáo có mối liên hệ hàng ngàn năm, mà trong tiết Đoan Ngọ chúng ta ăn bánh tông, ăn cơm rượu, xem đua thuyền rồng tất cả mọi những điều nói trên đều có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc từ tiết lễ của Đạo giáo.
Có người hỏi tôi, tiết Đoan Ngọ này có thể khu tà chuyển vận được hay không? Tôi bảo với bạn đó rằng bạn nghe kĩ điều tôi đã nói xem có thể khu tà chuyển vận được hay chăng?
Đoan Ngọ thật là thú vị với Đạo giáo, Tam giáo, hay phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên của chúng ta đều là ngày kỉ niệm sâu sắc.
Với Đạo giáo là địa lạp
Với Tam giáo là thánh đản tổ Huyền Quang
Với tập tục thờ cúng ông bà tổ tiên ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch lại là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:
Tháng Năm ngày tết Đoan Dương,
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.
Ở vùng đồng bằng Nam Bộ Việt Nam thì ngày mùng 5 tháng 5 còn được gọi là ngày Vía Bà, thờ Linh sơn Thánh mẫu trên núi Bà Đen.
Cũng nhân ngày tết Đoan Ngọ, tôi xin kính chúc các bạn đồng Đạo Đoan Ngọ khang ninh, vạn gia hưng thịnh, bách độc bất xâm, vạn tà tất thoái, tâm vô chướng ngại.
Để kết thúc bài viết của mình tôi có một bài thơ nho nhỏ tặng các bạn đồng Đạo nhân ngày tết Đoan Ngọ xin các bạn chớ chê cười:
Xương bồ thần kiếm vung ra
Gieo kinh cức xuống âm tà tự lui
Hùng hoàng nhị tự vẽ vui
Giải trừ ôn dịch bệnh thời được an.