Đạo giáo là một tông giáo được hình thành trong nền văn hoá của các dân tộc phương Đông với các tín ngưỡng, giáo lý, giáo nghĩa, nhân sinh quan, giá trị quan, xã hội đạo đức, nhân luân đạo đức đều được tất cả các dân tộc phương Đông tích luỹ từ xa xưa. Đạo giáo lấy thuần phong mĩ tục và quan niệm tín ngưỡng làm tông chỉ đạo đức tu trì chuẩn tắc, thực hiện quán triệt toàn bộ quá trình và hành vi tu đạo. Người học đạo hoằng đạo xiển giáo, nó có ý nghĩa tích cực gì với việc xây dựng một xã hội hài hoà?
Nguồn: Đạo Trưởng Vương Long Hoa
1. Đạo giáo chủ trương tư tưởng “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” có thể thúc đẩy sự hoà hợp giữa người với người.
Con người là một tế bào của xã hội, sự chung sống hài hoà giữa con người với con người là điều kiện tất yếu để xã hội ổn định và phát triển. Nó cũng là một biểu tượng quan trọng cho sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Những người dẫn đạo, hướng đạo là những người đưa cái thiện đến và giúp ta loại trừ cái ác, cần phải có kỉ luật tự giác nghiêm minh, tăng cường tu dưỡng đạo đức, con người cần phải thanh lọc bản thân mình, giữ lòng ngay thẳng, thủ chính, không quan tâm đến danh lợi, luôn luôn làm và nghĩ đến việc lấy vô vi thủ tĩnh làm chính.
Chủ trương: “Từ ái hoà đồng, dị cốt thành nhân” và “tế thế lợi nhân”, trong khoảng không gian giữa người với người đều có tình thân huynh đệ, tình thân tỷ muội và không có sự áp bức, lừa dối. Yêu cầu trao đổi giữa con người với con người phải trung thực và đáng tin cậy, luôn tôn trọng lẫn nhau, luôn hiểu biết lẫn nhau và khoan dung lẫn nhau. Tích cực tham gia vào các hoạt động phúc lợi xã hội như xoá đói giảm nghèo, cứu trợ thiên tai, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, thịnh vượng hơn trên nhiều phương diện, thực hiện hoà hợp tôn giáo và hoà hợp xã hội.
2. Chủ trương sinh thái trí tuệ, thiên nhiên hợp nhất, sùng thượng tự nhiên. Nó có thể thúc đẩy sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên.
Đạo giáo coi trời đất thiên địa và con người là một thể thống nhất, chủ trương lấy thiện tín để đối đãi với vạn vật, yêu cầu xã hội nhân loại loài người phải thực sự hiểu biết sâu sắc về tự nhiên, thuận theo tự nhiên và hành động theo quy luật của tự nhiên. Nhân loại là linh khí của vạn vật, con người có trách nhiệm và nghĩa vụ phối hợp chăm sóc mối quan hệ giữa con người với trời đất vạn vật, tích cực duy trì sự hài hoà giữa vũ trụ và thiên nhiên nơi chúng ta đang sinh sống. Chỉ có sự tôn trọng sự sống tự nhiên thì con người mới có thể sống hoà hợp với thiên nhiên. Đạo giáo chủ trương quý sinh, coi đó là một mĩ đức tốt trong xã hội loài người, đồng thời yêu cầu con người phải tôn trọng và bảo vệ sinh mệnh. Đạo giáo cho rằng duy trì sự hài hoà và an ninh của toàn bộ giới tự nhiên là một tiền đề quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của bản thân nhân loại.
3. Nhấn mạnh cường điệu tư tưởng “nhân sinh bình đẳng”. Nó có thể thúc đẩy sự hoà hợp giữa con người và xã hội.
Sự hài hoà xã hội phải được duy trì bằng cách là mọi người phải tuân thủ các chuẩn mực xã hội.
Lão Tử trong đạo đức kinh có nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện thân”. Tức là: Đạo trời không vì tình riêng mà thiên vị bất kì ai nhưng thường giúp đỡ những người hành thiện. Chỉ có hành thiện tích đức mới được phúc báo, mới cải biến được số mệnh. Con người ở trên thế gian mỗi một giây một phút đều đang tự mình đối mặt với sự lựa chọn giữa thiện và ác. Lựa chọn thiện là sự lựa chọn sinh mệnh để đạt phúc báo, lựa chọn ác là sự lựa chọn dù thu được một chút lợi nhỏ nhưng khi thời khắc tới, sinh mệnh ắt sẽ gặp ác báo. Tuỳ vào quyền lựa chọn của con người nhưng cho dù trong số mệnh phải gặp nạn, nếu như một niệm thiện khởi nên có thể làm được đại thiện, tích được đại đức thì sẽ được chư thánh bảo hộ, ác báo biến thành phúc báo. Lý thuyết về thiên đạo và cái thiện này hoàn toàn thể hiện một ý tưởng bình đẳng.
Cũng còn rất nhiều người trên con đường học đạo, tu đạo họ luôn luôn đề xướng chủ trương bình đẳng cho tất cả mọi người, ai ai đều có thể học đạo, người người đều có thể đắc đạo, ý tưởng chúng sinh bình đẳng này phù hợp với ý tưởng công bằng chính nghĩa để nhằm ủng hộ và xây dựng một xã hội hài hòa.
4. Giải thích và kiến giải tư tưởng thiên đạo thừa phụ.
Thiên đạo thừa phụ có nghĩa là thế hệ mai sau sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu do lỗi lầm của lớp người đi trước để lại, đó gọi là “thừa”. Người đi phải gánh chịu hậu quả từ thế hệ đi sau gọi là “phụ”, đây chính là mối quan hệ nhân quả.
Trong kinh có nói: “Lực hành thiện phản đắc ác giả, thị thừa phụ tiên chi quá, lưu tai tiền hậu tích lai, hại thử nhân dã. Kì hành ác cập đắc thiện giả, thị tiên nhân thâm hữu tích xúc đại câm, lai lưu cập thử nhân dã”. Tức là: người chăm chỉ làm điều thiện lại gặp phải cái ác là vì phải mang tội lỗi từ kiếp trước, tích góp lại thành cái hại cho người do người đi trước và người đi sau gây ra. Người đã làm điều ác nhưng lại tích được điều thiện là vì tổ tiên đã tích nhiều công đức lưu cho đến đời người này.
Đạo giáo cho rằng nếu việc thiện không thịnh thì tổ tiên sẽ gặp phải tai hoạ, tai hoạ cũng có lúc thịnh lúc suy, nếu điều ác không bị mất đi thì sẽ không được thừa hưởng phúc đức từ tổ tiên, khi hết phúc đức thì sẽ bị diệt vong. Cảm ứng thiên từng nói: “Hoạ phúc vô môn, duy nhân tự triệu. Thiện ác chi báo như ảnh tuỳ hình”. Tức là: hoạ và phúc đều không có cửa mà do lòng người tự gây. Làm ác thì gặp hoạ, làm lành thì được phúc, sự báo ứng như hình đi với bóng không sai một mảy.
Nhà đều có cửa, cửa đóng hay mở là do ta, mở cửa để đón khách vào, đóng cửa để không cho người lạ vào trộm cắp tới. Nhưng hoạ phúc đều không có cửa mà do lòng người tự gây ra. Làm ác thì chuốc lấy hoạ, muốn tránh cũng không được, hành thiện đều gặp phúc, dùkhông cầu nhưng phúc vẫn đến.
5. Lấy hành thiện ức ác, tích đức thành tiên làm chuẩn tắc cho việc tu chỉ.
Người xưa nói “tích mộc thành lâm, tích thạch thành sơn, tích thuỷ thành hải, tích thiện thành phúc, tích ác thành hoạ” đó là căn nguyên của hoạ phúc, là gốc rễ từ nhất tâm. Sự tích tụ từ phương thành có thể không cẩn thận được chăng? Thần tiên là luy thế tu hành mà thành, có thể thông qua tích đức, tích công doanh đức, nội tu kì tâm, ngoại tích kì hành mà đạt được. Người ta tin rằng, chỉ bằng cách tích thiện mới có thể thông tới thiên thần, mới có thể đắc đạo. Bao gồm các phương diện: “Vô tranh, vô tư, vô dục, phản pháp quy chân, vong ngã, trung tín, khoan dung, tiết kiệm, giáo hoá”. Tránh ác, làm thiện là để khuyến hoá thế nhân.
6. Đạo đức quy phạm cần phải “trì giới luật kỉ, đoan chính phẩm hạnh”.
Cái gọi là giới luật là người giữ giới phải loại bỏ đi các ác hạnh, luật là tự luật, hoàn toàn dựa vào bản thân mình để điều chỉnh, để hoàn thiện nhân cách và đạo đức. Giới chỉ là phương cách, sự đề phòng, sự cảnh giác, sự cảnh báo,… Luật là chỉ đến quy luật, sự ước thúc,… Tức là, đạo giáo ước thúc các hành vi, ngôn từ của các vị đạo sĩ để đề phòng việc phản giáo quy và coi đó là cảnh giới điều văn.
Tín đồ đạo giáo khi tu tiên tất phải tuân theo ngũ giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Mục đích chủ yếu của giới luật đạo giáo là tịnh tâm, tịnh tâm chính là có hành vi trong sáng, khi hành vi trong sáng thì thân ngay thẳng, thân ngay thẳng thì có đức, có đức thì có thể thành đạo.
7. Đạo giáo đối với sự ảnh hưởng của luân lý đạo đức xã hội.
Tín ngưỡng niềm tin trường sinh thành tiên của Đạo giáo là tiền đề cho luân lý đạo đức, lấy Đạo là trung tâm.
Lã tổ từng nói: “Vị tu tiên đạo, tiên tu nhân đạo” cho nên chuẩn tắc làm người chính là nội dung luân lý đạo đức. Trong bão phác tử từng nói: “Kẻ dục cầu tu tiên đương thời phải lấy trung hiếu hoà thuận, nhân tín làm gốc” nếu không thực hành đức hạnh mà chỉ thực hành phương thuật tất sẽ không đắc được trường sinh.
Đạo kinh từng nói: “Dục tu đạo giả, vụ tất thần trung, tử hiếu, phu tín, phu trịnh, huynh kính, đệ thuận”.
Cảm ứng thiên từng nói: “Tích đức lũy công, từ tâm ư vật, trung hiếu hữu đễ, chính kỉ hoá nhân, căng cô tất quả, kính lão hoài ấu. Côn trùng thảo mộc do bất khả thương, nghi mẫn nhân chi hung, lạc nhân chi thiện, tể nhân chi cấp, cứu nhân chi nguy, kiến nhân chi đắc, như kỉ chi đắc. Dữ nhân bất truy hối, kiến nhân chi thất, như kỉ chi thất. Bất chương nhân đoản, bất huyễn kỉ trường. Thôi đa thủ thiểu, thụ nhục bất oán, thủ sủng nhược kinh, thi ân bất cầu báo”. Tức là: Phải tích lũy công đức. Phải có lòng từ bi lân mẫn đối với muôn loài.
Trung thành với tổ quốc; Hiếu thảo với cha mẹ; Hòa mục với anh em. Tu thân sửa mình để cảm hóa người. Thương xót cứu giúp cô nhi và quả phụ. Kính trọng người già và an ủi vỗ về trẻ nhỏ. Không tổn hại côn trùng và cây cỏ. Phải thương hại kẻ ác. Phải vui mừng chia sẻ với người hành thiện. Giúp người trong lúc cấp bách. Cứu người trong lúc nguy nan. Thấy người được như mình được. Thấy người mất mát như mình mất mát. Không phô bày sự kém cỏi của người. Không khoe khoang cái hay của mình; Che giấu điều xấu của người; Biểu dương điều thiện của người. Khi phải chia chác đồ vật, nhường người phần nhiều và giữ cho mình phần ít. Gặp nhục không oán. Được sủng ái phải sợ. Giúp người chớ mong báo đáp. Cho ai vật gì rồi thì đừng nghĩ lại mà hối tiếc.