Trước khi Đạo giáo khởi sinh nơi đất Thục năm 142 CN, thì nó đã có một thời kỳ hoài thai trong xã hội Trung Hoa cổ đại từ thời Hoàng Đế, cho đến Lão Tử và đến đời Trương Thiên sư. Với quá trình thai nghén lâu dài như vậy, có thể nói, văn hóa của Đạo giáo đã thấm nhuần văn hóa của người Trung Hoa cổ đại. Hoặc nói chính xác hơn, nét văn hóa của Trung Hoa có thì Đạo giáo rất có khả năng cũng bao hàm nó theo hình thức này hoặc hình thức khác. Một trong những nét văn hóa đặc trưng từ Đông Tây kim cổ, đó là thờ phụng các vị thần tinh tú - một nét đẹp văn hóa tuyệt của cổ nhân.
Ảnh: internet
Thuở xa xưa, con người cổ đại chỉ có thể sinh hoạt, lao tác vào ban ngày. Khi trời đêm buông rèm, thú vui tiêu khiển gần gũi nhất chính là ngưỡng vọng lên trời cao để nhìn những thứ đang tỏa sáng lấp lánh. Thuở đó, con người ngạc nhiên vì giữa màn đêm u tối, những vì sao tỏa ánh quang kỳ diệu. Trải qua thời gian quan sát, con người dần phát hiện ra những quy luật tuyệt vời của thời gian và không gian – một quy luật tiềm ẩn nay được phát giác và giúp ích nhiều trong đời sống thường nhật. Chính những điều tuyệt diệu đó đã khiến cho con người suy tư rằng có những vị thần cai quản những vì sao và mỗi vì sao đều mang một ý nghĩa riêng biệt. Từ trước thời Tây Hán (206 - 9 TCN) đã có những lưu truyền về các đền miếu tế tự các tinh tú tại đất Ung Châu. Trong Sử Ký - Phong Thiền Thư chép: “Đất Ung có hơn trăm miếu thờ Nhật, Nguyệt, Sâm, Thần, Nam Bắc Đẩu, Huỳnh Hoặc, Thái Bạch, Tuế Tinh, Nhị thập bát tú...”.
Thuở đầu, với niềm tin “vạn vật hữu linh”, con người cho rằng những vì sao đều có thần minh ngự trị. Những vị thần ấy có thể cai quản số mệnh, định cát hung cho đời sống nhân sinh. Đồng thời, các vì tinh tú tồn tại muôn muôn triệu kiếp có thể ghi chép, phản ánh hết toàn bộ mọi sự việc con người làm. Vì thế, con người thờ phụng tinh đẩu với những mục đích như: thành kính triều bái cách thiện lành có thể giải nhương tai chướng, khẩn nguyện phân quang, cầu xin có được trí tuệ vượt trội,… Tất cả những tâm tư, ước vọng đó phản ánh khát khao của con người về một đời sống bình yên, thiện lành và trọn hảo.
Đạo giáo – một tôn giáo bản địa Trung Hoa đã có khoảng thời gian “nằm lòng” và khởi sinh lâu dài trong văn hóa người Hán. Tôn giáo ấy đã kế thừa và phát huy tín ngưỡng thờ phụng các vị thần tinh tú một cách có hệ thống. Tương truyền, vào đời Đông Hán, Lão Quân đại từ bi đã hạ giáng mà truyền dạy cho Trương Đạo Lăng Thiên Sư "Bắc Đẩu Kinh Quyết". Kể từ đó, đạo chúng thường hằng thành kính mà triều lễ Bắc Đẩu. Bắc Đẩu Kinh cũng có dạy: Phàm nhân sinh thế thái dù là vương đế hay hàng thứ dân, quy cho cùng mệnh đều quy thuộc Bắc Đẩu Thất Nguyên Quân. Như vậy, với những ước vọng của nhân gian từ thuở xưa, Đạo giáo đã kế thừa, phát triển với tinh thần đậm nét văn hóa phương Đông. Những vị thần cai quản tinh tú dần được hình tượng một cách rõ nét, có hệ thống và quy củ. Hằng theo quan niệm của Đạo giáo, đến bản mệnh hạn kỳ hay các dịp lễ tiết, Đạo chúng nhận bản mệnh tinh quân, triều lễ Bắc Đẩu nương theo Đẩu Quân mà quy y Đại Đạo sẽ đắc quả phúc vô lượng. Lại mỗi tháng đến ngày mồng 3 và 27, Giáp Tí, Canh Thân hay Cửu Hoàng Hội đẩu chân giáng hạ, quý đạo hữu nhiên đăng lễ bái, niệm Trường Sinh Bảo Mệnh Thiên Tôn, Viên Minh Đạo Mẫu Nguyên Quân, Bắc Đẩu Cửu Tinh, hằng cầu được phù trợ tiếp độ thoát khỏi ách nạn, tai ương. Như vậy, việc thờ phụng các vì sao trong Đạo giáo vẫn mang dáng dấp của ước vọng thuở ban đầu của nhân sinh.
Bên cạnh những ước mong về đời sống trọn vẹn, thiện lành, việc thờ phụng các vì tinh tú trong Đạo giáo còn mang một nét nghĩa đặc trưng: Lôi đình (Lôi đình biểu hiện ở những vì tinh tú mang ý tứ Hậu Thiên Lôi Đình hơn hẳn). Những vì tinh tú trên trời cao mang một quy luật thường hằng. Quy luật ấy luôn luôn tồn tại một cách tiềm ẩn, nó đặt ra những khuôn phép tự nhiên cho chúng sinh vạn vật vận hành theo. “Lôi đình ngọc kinh” cũng có chép: “Nhật cung thái dương đế quân, lôi đình lại dĩ uy. Nguyệt phủ thái âm hoàng quân, lôi đình lại dĩ thần. Bắc đẩu cửu hoàng chân quân, lôi đình lại dĩ xu hạt”. Điều đó có nghĩa Lôi đình dùng thái dương để hiển uy, dùng thái âm để hiện thần thông và dùng chư tinh đẩu để cai quản. Lôi đình là cái luật thường hằng đặt ra cho chúng sinh để chúng sinh có thể tuân theo và đi đúng với cái luật ấy. Và các vì tinh tú chính là biểu hiện sống động nhất của Lôi đình.
Tín ngưỡng tinh thần là một nét văn hóa của người phương Đông từ thời xa xưa. Đi vào Đạo giáo, nó đã được mang một tầm vóc không đơn thuần là khát vọng về một cuộc sống bình yên, mà nó còn là sự biểu trưng cho quy luật của tạo hóa, một quy luật tự nhiên hằng tiềm ẩn nhưng lúc nào cũng gắn bó mật thiết với chúng sinh vạn hữu.
Nguồn: Long Môn