Tiết Đông Chí - Ngày Khánh Đản của Đức Nguyên Thỉ Thiên Tôn

Thứ hai, 20/12/2021 00:16

Ngày 21/12/2021 Dương lịch sắp đến đây, nhằm ngày tiết Đông Chí trong năm, Đạo giáo quan niệm là ngày Thánh đản của Đại La Đạo Bảo Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn – một trong Tam Thanh Đạo Tổ. Một số người thắc mắc: vốn dĩ các ngài là bậc tự nhiên cao chân, cớ sao lại có ngày Thánh đản? Ở đây chúng ta nên hiểu rằng ngày Thánh đản cũng tựa như một phương tiện hữu vi để đạo chúng hằng quán triệt tư tưởng hướng về Đại Đạo vậy. Nó sẽ là cầu nối bắt nhịp cho con người có thể câu thông, liên kết, có thể “xưng thần” với các đấng toàn năng tuyệt hảo. 

Nguồn: Vô Danh Tử ( Long Môn Phái)

duc-nguyen-thuy-thien-ton

Tiên Tượng Đức Nguyên Thỉ Thiên Tôn tại Trường Chân Môn ( Biên Hòa, Đồng Nai)

Trong Ngọc Thanh Bảo Cáo, đoạn đầu có viết: 
“Tam giới chi thượng, phạm khí di la.
Thượng cực vô thượng, thiên trung chi thiên
Úc la tiêu đài, ngọc sơn thượng kinh
Miểu miểu kim khuyết, sâm la tịnh hoằng

…”
Đoạn này giải bày về nơi ngự trị của Nguyên Thủy Thiên Tôn. Đại ý rằng:
Tam giới chi thượng, phạm khí di la.
Thượng cực vô thượng, thiên trung chi thiên

      Tam giới được đề cập ở câu đầu có thể hiểu theo 2 nghĩa: tam giới theo quan niệm nguyên thủy bao gồm thiên – nhân – quỷ; ngoài ra còn có thể hiểu là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Nơi Nguyên Thủy Thiên Tôn ngự là nơi cao hơn cả tam giới. Ở đó “phạm khí” (Đạo khí) kết tụ nồng đậm, miên man không bao giờ dứt. Hình ảnh được gợi ra ở câu này có thể hiểu rằng: Nguyên Thủy Thiên Tôn là Đạo bảo, ngài ở trên tất cả chúng sinh, trên cả tam giới để che chở hết thảy. Không có một vật nào có thể vượt ra ngoài khỏi sự che chở của Đại Đạo. Đồng thời, nơi Nguyên Thủy Thiên Tôn ngự trị cũng chính là là nơi cao nhất không thể diễn tả “thượng cực vô thượng”. Điều này còn cốt hướng đến sự suy tôn cao quý, vô cùng vô tận của ngài, hay là Đạo vậy. Nơi ấy được gọi là “thiên trung chi thiên” - trời trong cõi trời. Cụ thể hơn, trong tổng số các tầng trời, thì Đại la thiên là cao nhất. Tất cả các tầng đều có trời là Đại la thiên và chính Đại la thiên nâng đỡ toàn bộ vũ hoàn. Đạo giáo đặt để một niềm tin rằng sự nâng đỡ của vạn vật, tam giới, vũ hoàn chính là nương nhờ vào Đại Đạo. 
Úc la tiêu đài, ngọc sơn thượng kinh . 
Miểu miểu kim khuyết , sâm la tịnh hoằng

        Đài mà Đức Nguyên Thủy Thiên Tôn ngự gọi là “úc la tiêu đài” hay cũng chính là Thất Bảo Tử Vi Huyền Đài (lưu ý chữ Huyền Đài). “Úc” có nghĩa là bốc lên, còn “tiêu” chính là đang đề cập đến một loại cỏ thơm. Nơi ngài ngự trị ấy là một khoảng không gian rộng lớn và tỏa ngát hương thơm trong lành, thanh khiết. Khi thiên tôn thuyết pháp được mô tả là “hương lâm thuyết pháp thiên tôn”. Uất la tiêu đài còn được giải thích là nơi có thần quang hợp cùng mùi thơm bốc lên, một sự tiêu nhiên vô cùng giữa chốn thanh khiết: “thần quang phương uất, tiêu nhiên chân thanh”. Lại nữa, “Ngọc sơn” là khối núi làm bằng ngọc, trên đó có một tòa kinh thành. Nơi núi làm bằng ngọc, đất đai bằng vàng đã không còn là nơi của kẻ thế tục, nhiễm lấy trần ai mà đó quả thật là nơi của bậc chí chân chí thánh. Nơi ngự trị được tôn tạo bằng những thứ vàng ngọc quý giá, thì người làm chủ nơi ấy còn tôn quý vô cùng.

    Đức Nguyên Thủy Thiên Tôn ngự tại chốn kim khuyết, nơi có những tòa cung điện thoát ẩn thoát hiện. Ngoài ra, những tòa cung vàng điện ngọc được miêu tả bằng từ “sâm la” nhằm ám chỉ cái to lớn, đầy tràn và chằn chịt. Những tòa kim khuyết nhiều nhưng ngày càng trở nên to lớn. Điều này mô tả đặt điểm tiên chúng trên đại la thiên lại thêm nhiều hơn. Với quyền năng của mình, Đại Đạo đã tiên liệu trước rằng chúng sinh rồi sẽ trở về một mối - đó là trở về với ngài. Không phải trải qua một kiếp thì trăm kiếp, vạn kiếp, chắc chắn sẽ quy về đấng chân tể. Tuy nơi kim khuyết ấy càng được mở rộng không ngừng nhưng vẫn giữ được sự tĩnh lặng. Đó là giữ được cái Đức lớn của Đạo mà không bị mất đi. Cả cụm “Sâm la tịnh hoằng” được diễn tả rằng: “thiên hữu vạn tượng la liệt, thâm áo nan cùng, cố ngôn sâm la tịnh hoằng”.

Ý kiến bạn đọc