Đạo giáo 道教, nói theo nghĩa rộng, chính là lấy “đạo” 道 để giáo hoá chúng sinh. Tại Trung Quốc cổ đại, bách gia chư tử đều đem lí luận và phương pháp của mình xưng đó là “đạo” 道. Nho gia 儒家, Mặc gia 墨家, Đạo gia 道家, Âm dương gia 音阳家cho đến Phật giáo 佛教 ... đều từng tự gọi hoặc được xưng là “Đạo giáo” 道教. Nói theo nghĩa hẹp, Đạo giáo là một tôn giáo lấy “đạo” 道 làm tín ngưỡng tối cao, tôn thờ Lão Tử 老子làm giáo chủ, lấy Đạo đức kinh 道德经 làm kinh điển chủ yếu, đồng thời những người tin theo có thể thông qua việc tu luyện mà đạt đến trường sinh thành tiên. Đạo giáo là một loại đa thần giáo hình thành giữa thời Đông Hán trên cơ sở tín ngưỡng tôn giáo cổ đại Trung Quốc, học theo một số quan niệm tôn giáo của Phương tiên đạo 方仙道và Hoàng Lão đạo 黄老道cùng phương pháp tu trì, nó cũng là một loại tôn giáo sinh trưởng ở Trung Quốc.
Đạo giáo sản sinh vào giữa thời Đông Hán, cách nay hơn 1800 năm lịch sử. Thời Thuận Đế 顺帝triều Đông Hán (tại vị từ năm 126 đến năm 144), Trương Lăng 张陵tại núi Hạc Minh 鹤鸣 (cũng nói là Hộc Minh 鹄鸣) ở Đại Ấp 大邑Tứ Xuyên 四川sáng lập đạo Ngũ đẩu mễ 五斗米. Thời Linh Đế 灵帝 (tại vị từ năm 167 đến năm 189), Trương Giác 张角 tại vùng Hà Bắc 河北 sáng lập đạo Thái Bình 太平. Đạo Thái Bình và đạo Ngũ đẩu mễ đồng là hai đại giáo phái của Đạo giáo thời kì đầu, sự sáng lập của hai đạo này đã đánh dấu việc hình thành chính thức Đạo giáo.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 24/11/2021
Nguồn
ĐẠO GIÁO THƯỜNG THỨC ĐÁP VẤN
道教常识答问
Tác giả: Khanh Hi Thái 卿希泰
Vương Chí Trung 王志忠
Đường Đại Triều 唐大潮
Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, 1996