1. Quỷ nguyệt trong văn hóa Đạo giáo:
Thuở đầu Công Nguyên, tại Trung Hoa chưa có việc siêu độ người chết. Lúc bấy giờ, người đã khuất và linh hồn của họ được xem là một thế lực “ngoài tầm kiểm soát”. Lễ táng, một mặt tỏ lòng hiếu thuận theo lễ nghi Nho giáo, một mặt để “an ủi” những thế lực kia, mong cầu người sống được yên ổn. Trong hành trì của Chính Nhất phái từ thời Hán vẫn chưa ghi nhận các bản văn siêu độ. Mãi đến thời Linh Bảo phái (đời Tấn), các kinh văn biểu thị việc siêu độ xuất hiện dần. Điều này chứng tỏ trong dân chúng thời bấy giờ đã dần chuyển hướng cầu nguyện cho người đã khuất. Kính lễ tháng Bảy (tiết Trung Nguyên) cũng xuất hiện trong Đạo giáo thời kỳ này. Trước đó, dân gian vốn không có điển tế Trung Nguyên, căn cội là từ Đạo giáo tiến nhập vào dân gian vậy.
Nói rõ hơn, trong niềm tin Đạo giáo, Tam Quan Đại Đế là ba vị tôn thần đóng vai trò quan trọng, là một trong những nền tảng cơ bản nhất của đạo chúng khi tin theo tôn giáo này. Các Ngài tổng quản Thiên – Địa – Thủy, Tam giới chúng Chân. Thiên Quan thọ nhật ngày Rằm tháng Giêng; Địa Quan thọ nhật Rằm tháng Bảy và Thủy Quan thọ nhật Rằm tháng Mười. Cứ vào tháng Bảy Nông lịch, Đạo giáo quan niệm thời gian này nhằm dịp Địa Quan vạn thọ, cũng là lúc Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn hạ giáng, đại khai cam lộ môn, bạt độ chúng sinh trong biển khổ. Địa Quan Đại Đế hạ chỉ, giải xá tội tình vong nhân. Các đạo quán thường cử hành khoa nghi lớn để siêu độ, trước là tiền nhân bản phái, sau là công đức thí chủ và thảy thảy chúng sinh đang trầm nịch nơi khổ hải.
Về sau, truyền thống kính lễ Rằm tháng Bảy, hay xá tội vong nhân, tiến nhập dân gian. Quy mô của lễ không còn gói gọn trong một, ba hay chín ngày mà là cả một tháng Bảy. Từ đó, tên “Quỷ nguyệt” hay “Tháng âm hồn” ra đời.
2. Siêu độ vong linh:
“Tiên đạo quý sinh
Vô lượng độ nhân”
Đạo giáo chú trọng việc “độ nhân”. Độ nhân không chỉ là độ người, độ mình mà cũng chính hưởng đến thảy chúng sinh vạn hữu. Trong đó, việc độ bao gồm: độ dương và độ âm. Độ dương là giáo hoá chính mình và nhân sinh, dẫn đạo người ta hướng tới đường chính pháp, bồi dưỡng chân cơ. Độ âm ý nói người học Đạo hằng phát bi tâm, cậy nhờ Từ Tôn lực mà niệm kinh sám hối siêu độ vong linh. Như vậy, siêu độ vong linh một mặt thể hiện sự từ bi hướng đến kẻ trầm nịch nơi khổ ai, một mặt cũng là siêu độ chính mình, tu kiến Đạo tâm, trau dồi phẩm hạnh.
Các đối tượng của việc siêu độ vong linh thường là chúng sinh trong cõi tam ác đồ: súc sinh, ngã quỷ và địa ngục. Ngoài ra, siêu độ còn hướng đến cô hồn. Cụ thể, súc sinh là những giống vật bị loài khác hay chính con người sát hại. Mạng sống của chúng bị tước đoạt bằng nhiều cách: thiêu sống, chặt đầu, cắt tiết, dội nước sôi, nghiền nát,... Quả thật, tội nghiệp vô cùng! Ngã quỷ mô tả là loài bụng to, cổ nhỏ, mình cuộn tròn lại, miệng lúc nào cũng cháy lửa. Loại ấy phải chịu cảnh đói khát luôn luôn vì thức ăn đưa tới miệng liền thành than nóng chẳng bao giờ tắt, đau đớn khổ sở. Vì đói khát thèm thuồng nên chúng thường làm càn làm quấy để có miếng ăn, nhưng càng ăn vào thì càng thống khổ. Nói đến chúng sinh trong địa ngục, chịu đủ khổ hình, duyên lành chẳng hưởng, đại phúc không dùng, trầm luân nghiệp tội, hại người hại ta. Bên cạnh đó, cô hồn lại là loài đáng thương, thường ấm ức vì cái chết của mình nên lưu lại nơi trần thế. Càng lưu lại lâu, càng mang tội nghiệp nặng nề. Nhìn chung, các loài ấy, đáng thương vô ngần!
3. Tại sao phải siêu độ vong linh?
Theo một suy tư rất đỗi đời thường, ta vẫn hay thắc mắc: “Những loài ấy, phàm khi sống gây nhiều tội ác, đến chết phải đền bù, ấy là xứng đáng, tại sao phải siêu độ?”
Câu trả lời duy nhất nằm ở chính chúng ta. Hãy cùng suy tư, liệu khi nhìn thấy một kẻ đang chìm đắm trong đau khổ, gánh lấy những hình phạt hay chịu đói khát cùng cực, ta còn có thể nói như vậy chăng? Một mặt, ta có thể nói rằng khổ ải, đau thương mà các giống loài ấy là đáng kiếp, là xứng đáng, đó chẳng qua là tâm thế nhất thời của một con người bất bình với những điều sai trái đang diễn ra. Nhưng trải qua thời gian, tâm thế bất bình của con người sẽ thay đổi bằng lòng vị tha, sự từ bi và thương cảm. Chúng ta, khi suy nghĩ về những hình phạt, khi liên tưởng vào những cơn đau, những thứ ấy cứ tiếp diễn trăm nghìn lần, khiến người ta phải thống khổ cùng cực, dần dà chúng ta sẽ thấy thương hơn là “hả dạ”.
Người Việt nói riêng, hay rộng hơn là người phương Đông, cũng có thể nói đến toàn thể nhân loại, rằng chúng ta luôn ẩn chứa một sự đồng cảm, một sự xót thương, một sự từ bi từ trong sâu thẳm lòng mình. Nói riêng người Việt, khi nhìn vào một thước phim chiến tranh, ta đau đớn, ta căm phẫn, chỉ ước gì những kẻ phạm tội đó bị bắn, giết, phanh thây sao cho xứng đáng với những điều gian ác mà chúng đã gây ra. Nhưng trải qua thời gian, khi chúng ta bình tâm xem xét, chúng ta sẵn sàng “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.
Đương nhiên, đó là nói về mặt chính chúng ta, còn chính vong linh thì như thế nào? Cơ sở của việc siêu độ phải là từ chính họ. Khi bản thân vong linh nhận thức được những điều sai trái, đồng thời khi nhận được diệu lực từ bi của Đại Đạo, chúng khởi lòng sám hối một cách kiền thành thì mới có thể đón nhận những ân ích như xuất ly tam đồ ngũ khổ, tảo đắc siêu thăng.
Như vậy, chúng ta không thể “mặc kệ” những vong linh đang chìm trong đau khổ và đưa ra lý do bởi “chúng xứng đáng”. Vì chúng ta sống với một tấm lòng từ bi, vị tha, độ lượng, và chính vong linh cũng khởi lên một sự sám hối kiền thành!
Nguồn bài viết: Long Môn