Ngày 19 tháng Giêng Nông lịch là Thánh đản của Khâu Trường Xuân Chân Nhân - Tổ sư Long Môn phái. Nhân dịp này, chúng ta nói sơ qua về ngài.
Khâu Xứ Cơ sinh năm 1148, vũ hóa năm 1227. Ngài người Thê Hà, Đăng Châu, tự Thông Mật, đạo hiệu Trường Xuân Tử, là một đạo sĩ Toàn Chân Đạo vào những năm cuối triều Kim (Trung Hoa). Ngài sinh vào năm Hoàng Thống thứ 8 nhà Kim (1148), đến năm 19 tuổi bắt đầu học đạo, bái vị giáo chủ đầu tiên của Toàn Chân giáo là Vương Trùng Dương làm thầy. Khâu Xứ Cơ xuất gia năm 19 tuổi, ở với sư phụ 3 năm, ở với các huynh đệ trong khoảng 4-5 năm. Sau đó ngài đến Bàn Khê tu tập 6 năm, Long Môn động 7 năm. Kế đó, ngài xuống dưới miền dân cư Thiểm Tây, hoằng giáo tại đây trong vòng 3 năm. Cuối cùng ngài tu đạo 29 năm ở Sơn Đông.
Trường Xuân Chân Nhân được các nhà cai trị triều Kim và đế chế Mông Cổ vô cùng kính trọng. Sự kiện lịch sử nổi tiếng nhất được biết đến là khi Khâu Tổ nhận được lời mời của Thành Cát Tư Hãn và lên đường đến vùng đất phía Tây để thuyết phục Khả Hãn giảm thiểu việc binh đao chiến loạn, hạn chế việc giết chóc bá tánh đến mức thấp nhất có thể. Trong lịch sử Đạo giáo, Trường Xuân chân nhân là một trong “Toàn Chân Thất Tử” của Đạo giáo và là người sáng lập ra phái Long Môn. Long Môn ngày nay có hai tổ đình: một ở Long Môn động, nơi Khâu Trường Xuân Chân Nhân tu tập; hai là ở Bắc Kinh Bạch Vân Quán, nơi ngài ở lúc về già. Năm 1227 (năm Nguyên Thái Tổ thứ 22), Khâu Tổ vũ hóa tại Thiên Trường Quán, thọ 80 tuổi. Trong thời Nguyên Thế Tổ, ngài được truy phong danh hiệu “Trường Xuân Diễn Đạo Chủ Giáo Chân Nhân”. Năm Chí Đại thứ 2 (1309), Nguyên Vũ Tông phong cho ông danh hiệu "Trường Xuân Toàn Đức Thần Hoá Minh Ứng Chân Quân”.
Năm 2021 là năm kỷ niệm 800 năm chuyến Tây du của Khâu Trường Xuân tổ sư đến vùng Trung Á. Trường Xuân Chân Nhân đi về phía Tây đến Trung Á theo lời thỉnh cầu của Thành Cát Tư Hãn để trao truyền tinh túy của Đạo. Hành trình này được các đệ tử đi theo cùng ghi chép trong “Trường Xuân Chân Nhân Tây du kí”.
Theo Phó Lâm Tường: “Lịch sử Trung Hoa: Giao lưu và giao thông”, bản dịch của Ngô Trần Trung Nghĩa đã đề cập rất chi tiết về chuyến đi của Khâu Tổ rằng: “Ngày 18 tháng Giêng năm thứ 15 đời Thái Tổ bên Mông Cổ (năm Hưng Định thứ 4 nhà Kim, năm Gia Định thứ 13 triều Nam Tống, 1220), Khâu Xứ Cơ 74 tuổi, dẫn theo 18 đồ đệ đồng hành, xuất phát từ Lai Châu. Tháng Hai, tới Yên Kinh, tháng Năm tới Đức Hưng (Trác Lộc, Hà Bắc), tháng Tám tới châu Tuyên Đức (Tuyên Hóa, Hà Bắc). Tháng Hai năm sau thì xuất tái, vượt qua Dã Hồ Lĩnh (Ách Hồ Lĩnh, phía Tây Bắc Trương Gia Khẩu) và Phủ Châu (Trương Bắc, Hà Bắc). Tháng Ba tới Ngư Nhi Lạc (Đạt Lý Bạc), tháng Sáu tới Đạt Oa Lý Đóa (Hòa Lâm), ngày 25 tháng Bảy thì họ đến A Bất Hãn Sơn. Men theo đường núi có ngàn hộ dân Hán, họ đều là thợ thủ công bị quân Mông Cổ bắt được khi chiếm lấy Yên Kinh và các xứ khác tại Trung Nguyên. Muốn vượt qua dãy Altay thì không thể đi bằng xe, do đó Khâu Xứ Cơ để 9 đệ tử thuộc nhóm Tống Đạo An, Lý Chí Thường ở lại nơi này, bảo họ dựng Thê Hà Quan sống tạm. Còn ông thì dẫn 9 người khác trong nhóm Triệu Cửu Cổ tiếp tục lên đường, đến Trung thu thì qua khỏi Kim Sơn (núi Altay). Đoạn đường núi này rất dốc, muốn băng qua dãy núi, nhiều chỗ không thể nào đi bằng xe, hơn trăm người đã phải dùng dây thừng treo xe của Khâu Xứ Cơ trên đỉnh núi, sau đó mới từ từ hạ xuống. Về sau, họ đi qua chiến trường cổ Bạch Cốt Điện, tới chân phía Bắc Tuần Âm Sơn (Thiên Sơn) thì rẽ sang hướng Tây, đi qua đại thành Biết Tư Mã (Jimsar, Tân Cương) và Luân Đài (trong địa phận Phụ Khang, Tân Cương), tới tháng Chín thì họ đến thành A Lý Mã (phía Tây Hoắc Thành, Tân Cương). Ngày 5 tháng Mười một, đệ tử Triệu Cửu Cổ lâm bệnh mà chết. Sau đó, mọi người đi theo hướng Tây Nam, băng qua Hoắc Xiển Một Liễn (sông Syr Darya). Ngày 18 tháng Mười một, họ đến Da Mễ Tư Can (thủ đô Samarkand của nước Cộng hòa Uzbekistan), thành phố lớn nhất ở Trung Á đương thời.
Ngày 15 tháng Ba năm sau (1222), Khâu Xứ Cơ để đệ tử Doãn Chí Bình ở lại Da Mễ Tư Can, chỉ dẫn năm, sáu đệ tử xuất phát, đến yết kiến Thành Cát Tư Hãn. Bọn họ đi qua Thiết Môn Quan và thành Kiệt Thạch (Kaş), lại băng ngang A Mỗ Một Liễn (sông Amu Darya) và tới chỗ của Thành Cát Tư Hãn vào ngày 5 tháng Tư. Thành Cát Tư Hãn thấy Khâu Xứ Cơ chịu bôn ba vạn dặm tìm đến nên hết sức vui mừng, hỏi có thuốc trường sinh để dâng lên hay không, Khâu Xứ Cơ trả lời đúng sự thật: “Chỉ có đạo vệ sinh (bảo vệ sự sống) chứ không có thuốc trường sinh”. Thành Cát Tư Hãn nghe được lời thẳng thắn như vậy không hề tỏ ra khó chịu, trái lại còn gọi Khâu Xứ Cơ là “Thần tiên”. Khâu Xứ Cơ vốn dự định sẽ chính thức giảng đạo vào ngày 14 tháng Tư, nhưng quân tình phát sinh biến cố, Thành Cát Tư Hãn muốn ngự giá thân chinh, nên dời lại đến tháng Mười, Khâu Xứ Cơ bèn trở về Da Mễ Tư Can chờ đợi.
Ngày 8 tháng Tám, Khâu Xứ Cơ tiếp chỉ xong thì lên đường. Ngày 22, ông đến hành cung của Thành Cát Tư Hãn nằm ở dốc Tây Bắc núi Hindu Kush thuộc Afghanistan ngày nay, đây là nơi xa nhất trong chuyến Tây du của Khâu Xứ Cơ. Ngày 27, xa giá của Thành Cát Tư Hãn khởi hành về phương Bắc. Dọc đường, Khâu Xứ Cơ đã giảng đạo cho Thành Cát Tư Hãn ba lần, đó là vào các ngày 16, 19 và 23 tháng Mười. Nội dung của bài giảng rất rộng lớn, bao quát từ việc dưỡng sinh cho đến thuật trị nước an dân. Thành Cát Tư Hãn cũng lắng nghe với thái độ điềm đạm và nghiêm túc, hơn nữa còn sai thuộc hạ ghi chép lại, không để sót câu nào.
Khi trở lại thành Da Mễ Tư Can, Khâu Xứ Cơ phải ở đó nghỉ ngơi hơn một tháng. Đến cuối tháng Mười một, mọi người lên đường về phương Đông, tới ngày 26 tháng Mười hai thì đi qua Hoắc Xiển Một Liễn, đuổi kịp đội quân của Thành Cát Tư Hãn. Ngày 11 tháng Giêng lại tiếp tục xuất phát. Ngày 7 tháng Hai, Khâu Xứ Cơ xin Thành Cát Tư Hãn cho mình về Trung Nguyên trước. Thỉnh cầu hết ba lần thì Thành Cát Tư Hãn mới chấp thuận. Ngày 8 tháng Hai, Thành Cát Tư Hãn tới Đông Sơn săn bắn, lúc truy đuổi một con lợn rừng lớn, đột nhiên ngựa bị rơi móng trước, không sao kiểm soát được, khiến Thành Cát Tư Hãn bị ngã ngựa. Con lợn rừng dường như cũng bị sự cố ngoài ý muốn kia dọa cho ngơ ngác, đứng bất động ngay bên cạnh, mãi đến khi thị vệ thúc ngựa xông tới thì nó mới ba chân bốn cẳng chạy đi. Thành Cát Tư Hãn đổi ngựa xong thì về thẳng hành cung. Khâu Xứ Cơ nghe tin ấy, vội vào ngự trướng tâu rằng: “Ông trời vốn có đức hiếu sinh. Nay thánh thượng niên kỷ đã cao, cũng nên hạn chế việc săn bắn. Từ trên ngựa ngã xuống, đó là trời xanh cảnh cáo đấy. Còn lợn rừng không dám chạy tới cắn, đó là do thánh thượng được trời cao bảo vệ âm thầm”. Thành Cát Tư Hãn đáp: “Ta đã hối lỗi sâu sắc về chuyện này, thần tiên khuyên ta rất đúng. Có điều, người Mông Cổ chúng ta cưỡi ngựa săn bắn, đó là thói quen đã hình thành từ bé rồi, không thể trong phút chốc mà thay đổi được đâu. Tuy vậy, những lời thần tiên vừa giáo huấn, ta vẫn ghi nhớ tận đáy lòng”. Từ đó trở đi, Thành Cát Tư Hãn dành ra hai tháng không săn bắn. Ngày 10 tháng Ba, Khâu Xứ Cơ đã 76 tuổi, ông từ biệt Thành Cát Tư Hãn.
Ngày 13, ông tới đại thành Tái Lam, tế lễ cho đệ tử Triệu Cửu Cổ đã ngủ yên nơi ấy. Để sớm về Trung Nguyên, Khâu Xứ Cơ đã đi đến rất nhiều nơi mà không hề dừng chân nghỉ sức, một mạch băng qua thành A Lý Mã, Thiên Trì Hải, Âm Sơn, vượt khỏi đất Tân Cương ngày nay rồi tiến vào Mông Cổ. Lại đi qua chân núi phía Nam của Kim Sơn, đến A Bất Hãn Sơn vào đầu tháng Năm, họp mặt với 9 người trong nhóm Tống Đạo An. Dãy A Bất Hãn Sơn cát đá rất nhiều, ít nước thiếu cỏ, song là tuyến giao thông trọng yếu, người ngựa lui tới lại nhiều, nên ngựa thường không được ăn no. Ngày 7 tháng Năm, Khâu Xứ Cơ quyết định chia ba nhóm cùng xuất phát: thứ nhất là nhóm Tống Đạo An 6 người, thứ hai là nhóm 7 người gồm có ông và Doãn Chí Bình, thứ ba là nhóm Lý Chí Thường 5 người. Dọc đường, do đi lại mệt nhọc nên Khâu Xứ Cơ đã sinh bệnh, từ ngày 17 trở đi thì ông không ăn được nữa, chỉ uống nước ấm mà thôi. Ngày 22 tháng Sáu, khi đến Phong Châu (Hohhot), bệnh của ông mới có chuyển biến tốt. Ngày 9 tháng Bảy, họ tới Vân Trung (Đại Đồng, Sơn Tây) và ở lại đó hơn 20 ngày. Ngày 12 tháng Tám, họ về châu Tuyên Đức. Đến đây xem như kết thúc chuyến Tây du của Khâu Xứ Cơ. Tháng Hai năm thứ 19 đời Thái Tổ bên Mông Cổ (1224), Khâu Xứ Cơ về Yên Kinh, sống ở Đại Thiên Trường Quan (sau đổi tên thành Trường Xuân Cung). Dưới ảnh hưởng của Khâu Xứ Cơ, Toàn Chân giáo đã phát triển nhanh chóng. Ngày 7 tháng Bảy năm thứ 22, Khâu Xứ Cơ mất, hưởng thọ 80 tuổi.”
Khâu Trường Xuân Chân Nhân đã để lại cho hậu thế những “Kim đan chí quyết” thông qua: Bàn khê thi tập (hay còn gọi Toàn Chân văn tập), Khâu tổ mật truyền đại đan trực chỉ (tác phẩm nêu lên các bước tu tập nội đan), Nhiếp sinh tiêu tức luận (nói về phép dưỡng sinh). Ngài còn diễn hệ mạch của tông môn mình tiếp diễn mãi. Khâu Tổ đã để lại “Long Môn bách tự thi”, các đệ tử đời sau cứ căn cứ vào đó mà đặt tên, hễ khi nào kết thúc thì đặt lại từ đầu. Còn chuyến Tây du của ngài thì được các đệ tử ghi chép lại trong “Trường Xuân Chân Nhân Tây du kí”. Đây là bộ sách quan trọng trong việc nghiên cứu về lịch sử, địa lý, văn hóa Trung Hoa đối với các nhà nghiên cứu từ trước đến nay.
(Lưu ý: Doãn Chí Bình là một nhân vật lịch sử có thật. Ngài là người đức hạnh cao quý, và cũng là một trong số các vị tổ sư có công lao đối với Đạo giáo. Tuy nhiên, hình tượng của ngài bị bôi xấu bởi Kim Dung qua các tác phẩm kiếm hiệp. Về sau Kim Dung đã lên tiếng xin lỗi và sửa tên nhân vật của mình thành Chân Chí Bình. Dầu vậy, sự ảnh hưởng của nhân vật cũ vẫn còn gây ra nhiều điều chẳng phải về ngài!)
Nguồn: Long Môn Phái