Ma Tổ 妈祖 vốn là vị nữ thần vùng duyên hải phía đông nam trong truyền thuyết của Trung Quốc, Đạo giáo tôn phụng Bà làm Hàng hải Bảo hộ thần 航海保护神. Thời cổ xưng là Thiên Phi 天妃, Thiên Hậu 天后, Thiên Thượng Thánh Mẫu 天上圣母, tục xưng là Ma Tổ 妈祖. Theo truyền thuyết, Ma Tổ người Bồ Điền 莆田 Phúc Kiến 福建, họ Lâm 林, là người con gái thứ 6 của Mân Vương thống quân binh mã sứ Lâm Nguyện 林愿 thời Ngũ Đại. Bà từng được lão đạo sĩ Huyền Thông 玄通 truyền thụ huyền vi bí pháp, thông biến hoá, khu tà cứu thế, ngồi chiếu vượt qua biển, vân du các đảo, mọi người gọi Bà là Long Nữ. Ma Tổ tại thế 28 năm, ngày mùng 9 tháng 9 năm Ung Hi thứ 4 thời Bắc Tống (năm 987) thăng hoá, thường mặc áo đỏ bay trên biển, hương thân phụ lão đến nơi lập miếu thờ. Tục truyền khi đi trên biển, gặp phải sóng to gió lớn, gọi Thiên Phi天妃, Bà lập tức đến cứu; gọi Ma Tổ 妈祖, bà liền xoả tóc đến cứu.
Trong Thái Thượng Lão Quân thuyết Thiên Phi cứu khổ linh nghiệm kinh 太上老君说天妃救苦灵验经, cho Thiên Phi là Diệu Hạnh Ngọc Nữ 妙行玉女 giáng thế, ngày 23 tháng 3 là ngày sinh của Bà. Ma Tổ thần thông quảng đại, có thể dẹp yên sóng gió, khởi tử hoàn sinh. Thương nhân mua bán cầu tài, hoặc làm các loại kinh doanh, hoặc hành quân bố trận, chỉ cần khởi tâm cung kính, tức sẽ được toại ý, sở mưu như nguyện, nhân đó mà Bà càng được kính trọng. Miếu thờ có ở khắp vùng đông nam duyên hải và ở Đài Loan 台湾. Riêng miếu thờ Ma Tổ ở Đài Loan rất nhiều, toàn đảo đều có. Ma Tổ lại được phân ra là Mi Châu Ma 湄州妈 (phân linh Ma Tổ của Mi Châu 湄州), Ôn Linh Ma 温灵妈 (phân linh Ma Tổ của Tuyền Châu 泉州), Ngân Đồng Ma 银同妈 (phân linh Ma Tổ của Đồng An 同安) ...
Tượng thờ Ma Tổ là “châu quan vân lí 珠冠云履, ngọc bội bảo khuê 玉珮宝圭, phi y thanh thụ 绯衣青绶, long xa phụng liễn 龙车凤辇, bội kiếm trì ấn” 佩剑持印. Tuỳ tùng trước sau có “Thiên lí nhãn chi sát gian” 千里眼之察奸, “Thuận phong nhĩ chi báo sự” 顺风耳之报事. Từ sau đời Tống, các đời đều phong tặng tôn hiệu. Hàng hải thời trước, trên thuyền cũng thờ cúng Ma Tổ. các nơi như Nhật Bản, Triều Tiên, Đông Nam Á, Bắc Mĩ cũng có nhiều người thờ tự.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 29/01/2021
Nguồn
ĐẠO GIÁO THƯỜNG THỨC ĐÁP VẤN
道教常识答问
Tác giả: Khanh Hi Thái 卿希泰
Vương Chí Trung 王志忠
Đường Đại Triều 唐大潮
Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, 1996
1- Ma Tổ cứu huynh trưởng
Một ngày mùa Thu năm Ma Tổ 妈祖 16 tuổi (1). cha và anh đi biển chưa về, trời đột nhiên chuyển gió to, sóng biển gầm vang. Lúc bấy giờ Ma Tổ đang dệt vải trong nhà, dự cảm được cha và anh trên biển nhất định lành ít dữ nhiều, có nguy cơ chìm thuyền. Bỗng Ma Tổ gục trên khung dệt, hai mắt nhắm chặt, một tay cầm thoi dệt, một tay cầm chỉ, chân đạp khung dệt, thần sắc như đang theo gió lướt sóng. Bà mẹ họ Vương bên cạnh nhìn thấy cảnh tượng ấy không bằng lòng nên nắm cánh tay Ma Tổ. Ma Tổ tỉnh lại kêu lên một tiếng, thoi dệt trong tay rơi xuống đất, cất tiếng khóc thương tâm, nói rằng:
Cha cứu được bình an, còn anh trai chìm mất.
Hoá ra khi Ma Tổ gục trên khung dệt nhập định xuất thần, chân đạp khung dệt như đang đứng trên thuyền, một tay nắm dây ở đầu thuyền của cha, còn tay kia nắm dây ở đuôi thuyền của anh, đột nhiên bị mẹ lay dậy, thoi dệt trong tay rớt xuống đất, thuyền của anh bị chìm.
Chẳng bao lâu người cha là Lâm Nguyện 林愿 từ biển trở về than khóc, người mẹ không thấy con trai về, biết ngay sự tình nên ngã lăn ra đất hôn mê. Ngày hôm sau sóng lớn vẫn chưa yên, Ma Tổ dũng cảm lấy thuyền ra biển, cuối cùng trong biển cả mênh mông đã tìm thấy thi thể của anh liền vớt về mai táng. Câu chuyện hiếu đễ cứu cha cứu anh lần đó ngay lập tức lan truyền khắp thôn xóm, không ai không xưng tụng Ma Tổ là “Thần cô” 神姑.
2- Ma Tổ hoá cỏ thành cây
Mùa Xuân năm Ma Tổ 17 tuổi, có một chiếc thuyền buôn đi ngang qua khu vực biển vùng đảo Mi Châu 湄洲, bỗng nhiên gặp phải sương mù dày đặc, thuyền va vào đá ngầm, đáy thuyền bị lủng, có nguy cơ chìm. Thương nhân trên thuyền ai nấy đều lo sợ, cất tiếng kêu cầu cứu. Lúc bấy giờ Ma Tổ đang tụng kinh lễ Phật trong nhà, nghe có tiếng kêu cứu thảm thiết từ xa đưa lại, liền dùng thần thông quan sát, phát hiện một chiếc thuyền buôn va phải đá ngầm sắp chìm, liền nhanh chóng gọi ngư dân ra biển cứu. Nhưng biển lại sóng to, sương mù dày đặc, không ai dám mạo hiểm. Thấy vậy, Ma Tổ liền nhổ một nắm có bên bờ liệng ra giữa biển, trong phút chốc trên mặt biển nổi lên vô số những khúc gỗ lớn, trôi đến thuyền bị nạn nhanh như tên bắn, từng khúc từng khúc nâng thuyền từ từ đưa vào đảo Mi Châu. Thương nhân cảm kích sự thần kì hỏi ngư dân mới biết do Thần cô “hoá thảo thành mộc” 化草成木nâng thuyền cứu mọi người., nên liền đến bái tạ Thần cô ơn cứu mạng. Ngày sau Ma Tổ càng lấy tinh thần đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn hành thiện cứu đời, khắp xa gần đều ca tụng.
3- Ma Tổ được báu vật
Năm Ma Tổ 13 tuổi, có một vị Đạo sĩ già tên Huyền thông 玄通, ăn mặc lam lũ, đến nhà họ Lâm hoá duyên. Ma Tổ thành tâm cung kính rước vào nhà, hoan hỉ dâng trà thơm. Sau đó vị Đạo sĩ thường đến nhà họ Lâm hoá duyên, Ma Tổ đều luôn cung kính tiếp đãi, lại thêm bố thí tài vật. Vị Đạo sĩ già rất cảm động, truyền cho “huyền vi bí pháp” 玄微秘法 để mai sau này cứu nhân độ thế.
Năm 16 tuổi, một ngày nọ Ma Tổ cùng bạn vui chơi bên giếng cổ trong sân, bỗng từ trong giếng hiện ra một thần nhân dữ tợn, tay cầm một đạo bùa bằng đồng từ từ bay lên, các bạn trông thấy kinh hãi bỏ chạy, riêng Ma Tổ vô cùng bình tĩnh quỳ xuống bái lạy. Thần nhân đem đạo bùa trao cho Ma Tổ rồi bay vào trong mây. Ma Tổ có được đạo bùa bằng đồng này càng để hết tâm trí nghiên cứu pháp thuật, linh thông biến hoá, luôn nhiệt tình giúp người, cứu nguy trừ ác trong làng, được mọi người kính yêu.
4- Ma Tổ đắc đạo thăng thiên
Năm Ung Hi 雍熙 thứ 4 đời Tống Thái tông (năm 987), Ma Tổ đã 28 tuổi. Ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, Ma Tổ dậy sớm tắm gội thay đổi trang phục, trang điểm xinh đẹp giống như một tiên nữ. Ma Tổ bước ra khỏi phòng, cúi đầu nói nhỏ nhẹ từ biệt người chị:
Hôm nay là tiết Trùng Dương, em muốn lên cao viễn du để thư thả trong lòng. Mong nhờ các chị hiếu kính với song thân.
Ma Tổ bùi ngùi bịn rịn cáo biệt cha mẹ đi đến Mi Châu. Ngày Trùng Dương khí trời trong trẻo, trên núi Mi Châu hoa cúc vàng nở rộ, gió biển nhẹ đưa tiếng sóng đến bên tai. Ma Tổ bước chầm chậm lên núi Mi Châu, đứng bên vách núi đưa mắt nhìn xa, biển biếc nối liền với trời, gió yên sóng lặng, cánh buồn lô nhô. Quay đầu lại nhìn, trong nước có núi, ngoài núi có biển, núi biển kì quan, cảnh trí tươi đẹp, khiến người say mê. Lúc bấy giờ một đám mây màu từ trên trời bay xuống, từng hồi tiếng tiêu tiếng trống vang lại, trong phút chốc mây mù toả hương thơm vây lấy núi. Ma Tổ đứng trang nghiêm trên đám mây, mây từ từ bay lên không. Ngư dân bách tính trên đảo lúc bấy giờ nhìn thấy trong khoảng không xa vạn dặm có một đám mây màu rực rỡ đang bay, lại nghe thấy tiếng nhạc tiên vui tai. Trong mây rất nhiều kim đồng ngọc nữ tay cầm cờ, tay cầm dù, như ẩn như hiện đưa Ma Tổ thăng thiên.
Về sau trên đảo Mi Châu thường có mây mù thơm bủa vây, có nhiều người từng thấy Ma Tổ mặc áo đỏ, bay trên biển, hiển hiện thần linh cứu giúp vô số ngư dân gặp nạn. Cảm kích ơn sâu đức tốt, người dân trên đảo Mi Châu đã lập miếu thờ, tôn xưng Ma Tổ là “Thông Hiền Linh Nữ” 通贤灵女, đồng thời khắc trên vách núi Mi Châu 4 chữ lớn “Thăng thiên cổ tích” 升天古迹, mọi người cùng đến cúng bái.
5- Ma Tổ trấn áp yêu quái
Ma Tổ có hai thủ hạ, một người tên là Thiên Lí Nhãn 天里眼, một người tên là Thuận Phong Nhĩ 顺风耳. Theo truyền thuyết đây là hai yêu tinh, vốn là hai anh em Cao Minh 高明 Cao Giác 高觉, bộ hạ của Trụ vương 纣王 cuối đời Thương. Hai người này sau khi bị Khương Tử Nha 姜子牙 đánh bại đã trốn đến núi Đào Hoa 桃花, hoá thành yêu tinh hại người. Bách tính ở gần núi Đào Hoa không thể sinh sống nên đã cầu cứu Ma Tổ Lâm Mặc Nương 林默娘.
Ma Tổ nghe nói yêu tinh ở núi Đào Hoa làm hại bách tính, liền quyết tâm trừ hại. Một ngày nọ, Ma Tổ và mấy người nữ cùng lên núi đốn củi. Hai tên yêu quái trông thấy mấy cô gái liền trêu ghẹo. Ma Tổ trông thấy lớn tiếng hét rằng:
Không được vô lễ.
Yêu tinh nghĩ bụng, mấy cô gái đó trước đây thấy chúng, cô nào cũng sợ, nay sao lại to gan như thế? Nhất định có nguyên nhân gì đây. Vì thế, yêu tinh nhảy lên không hoá thành một vầng lửa, khiến người ta phải loá mắt. Ma Tổ nhìn thấy lập tức thi triển pháp lực, lấy khăn tay vẫy lên trời một cái, trong phút chốc mây đen kéo đến che cả bầu trời, cuồng phong nổi lên. Hai tên yêu tinh biết tránh không kịp nên đã hiện nguyên hình, một tay cầm rìu, một tay cầm phương thiên kích, muốn xông đến Ma Tổ, nhưng do bởi gió lớn nên không tiến lên được. Ma Tổ hét lớn:
Yêu quái to gan, còn không mau buông binh khí?
Hai tên yêu quái nghe qua liền buông binh khí quỳ trước mặt Ma Tổ xin tha mạng. Ma Tổ cảnh cáo:
Từ nay về sau nếu còn làm việc xấu, giết hại bách tính, thì quyết không tha thứ.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- MA TỔ 妈祖: Ma Tổ là vị Hải thần trong tín ngưỡng khu vực bao gồm Đông Á, lấy vùng duyên hải phía Đông Nam Trung Quốc làm trung tâm, là vị thần được các thuyền công, hải viên, lữ khách, thương nhân và ngư dân cùng tôn thờ.
Tương truyền tên thật của Ma Tổ là Lâm Mặc 林默. Bà sinh vào ngày 23 tháng 3 năm Kiến Long 建隆 thứ 1 đời Tống Thái Tổ (năm 960), mất ngày mồng 9 tháng 9 năm Ung Hi 雍熙 thứ 4 đời Tống Thái Tông (năm 987) người đảo Mi Châu 湄洲, huyện Bồ Điền 莆田, phủ Tuyền Châu 泉州, lộ Phúc Kiến 福建. Khi sinh ra không khóc không quấy nên được đặt tên là Mặc 默 (im lặng), tiểu danh là Mặc Nương 默娘. Nhân vì Ma Tổ có công cứu đời giúp người nên được triều đình tứ phong tôn hiệu từ “Phu Nhân” 夫人, “Thiên Phi” 天妃, “Thiên Hậu” 天后, đến “Thiên Thượng Thánh Mẫu” 天上圣母 Đời Tống tứ phong 14 lần, đời Nguyên 5 lần, đời Minh 2 lần, đời Thanh 15 lần. Dân vùng duyên hải tôn Bà là Hải thần 海神, lập miếu thờ phụng.
Nguồn http://baike.baidu.com/wiki
http://zh.wikipedia/org/wiki
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 28/11/2013
Nguyên tác Trung văn
MA TỔ ĐÍCH CỐ SỰ
妈祖的故事
Nguồn http://www.jiujiuba.com/Story/Shownews.asp?infoid=5258