Nhằm mục đích lan truyền, xiển dương tinh hoa Đạo giáo và những giá trị lâu đời, chúng tôi xin phép được chia sẻ đôi lời về “Lữ Tổ Tâm Kinh”. Đây không đơn thuần là việc đưa mọi người tiếp xúc gần gũi với những kinh điển chính thống đạo tạng, mà còn là tâm huyết của những người đi sau đối với các vị Tổ sư thuở trước.
Nguồn: Vô Danh Tử và Càn Khôn Tử
Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 1
Viết: 天生万物, 惟人最灵。匪人能灵, 实心是灵
Dịch: Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh. Phỉ nhân năng linh, thực tâm thị linh.
Nghĩa rằng: Trời sinh vạn vật duy chỉ có loài người là dễ thông linh nhất. Nói vậy chẳng ý rằng ta linh diệu nhưng thực sự do tâm linh diệu mà thôi!
Trời, vốn chỉ cái gì đó bên trên đường chân trời. Cổ nhân coi trời không hẳn là một thứ gì vô tri mà là Đấng Trời. Trong các hình thức văn học cổ, hay lời nói cửa miệng xưa nay, Trời vẫn được gọi “Ông Trời” với sự hình tượng hóa như biết lấy mọi thứ và nghe thấy mọi điều.
Đấng trời này không chỉ quản lo việc mưa nắng như trong "Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày...". Ngài còn là nơi ta gửi lời ước nguyện, để ta gửi gắm niềm vui nỗi buồn. Nhất là những khi ta đau đớn khổ sầu, ai lại chẳng thốt tiếng “trời ơi”, hay “cao xanh ơi”? “Hữu thống hô thiên” âu đã là cái cách người đời nhắn nhủ đến với cao xanh.
Qua nhiều cơ bận, thời gian, nhân loại thêm tò mò và có những hiểu biết "như không" về ông trời đó. Nơi gọi là Thượng Đế, nơi gọi là Ngọc Hoàng. Trời ấy trong niềm tin của nhiều người là Đấng Chủ Tể Vũ Hoàn, là Cha già sinh dục vạn vật.
Trong muôn giống tạo vật, loài người là loài tối linh. Đạo Đức Kinh của Lão Tử cũng cho rằng Người là một trong bốn thứ to lớn (Đạo, Thiên, Địa, Nhân). Nhờ tinh cha máu mẹ, ta sinh trưởng khắp cõi đất. Ta lại có hồn phách vẹn toàn, có tinh có khí có thần thụ bẩm nơi trời đất. Vì có tinh, ta hiện diện. Vì có khí, ta lao tác và xúc cảm. Vì có thần, ta suy tư và tồn tại sống động. Qua thần, ta trải qua sự ngạc nhiên rồi tò mò. Tò mò rồi bất lực trước sinh giới. Sự bất lực này biểu chưng bởi những thất bại. Chính nó là một động lực to lớn khơi dậy bản năng của thần thức là truy tìm sự hiểu biết! Hết lần này lần khác, con người liên tục phá vỡ những giới hạn của mình và trở lên tiến bộ. Từ đó trí hiểu biết về sinh giới thêm khai khuếch, tư duy về Đấng Trời lại thêm sâu sắc.
Nội kinh nói, tâm chủ thần minh, bách chí quy tâm. Vừa là nguồn của thần, vừa là nguồn của xúc cảm, tâm đóng vai trò trọng yếu trong việc thông kết với trời. Quả thế, người ta đâu linh! Nếu có linh, âu cũng chỉ là cái tổ tính được Đại Tạo gửi gắm nơi Tâm nên linh mà thôi.
"Đạo do tâm học"
[Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 2
Viết: 心为主宰一身之君。役使百骸区处群情。
Dịch rằng: Tâm vi chủ tể, nhất thân chi quân. Dịch sử bách hài, khu xứ quần tình.
Nghĩa là: Tâm là chủ tể, là quân vương của thân. Không chỉ điều khiển các chi tiết mà còn làm chủ muôn giống tình chí.
Từ thời "Nội kinh" đến tận Minh, các y gia đều tin nhận 2 đặc tính của tạng Tâm là chủ huyết mạch và chủ thần minh.
Tâm là động lực, là thượng nguồn của huyết mạch. Nó chu lưu thứ dịch màu đỏ mà đi khắp các tạng phủ, chi tiết đến tận bì phu. Tâm khí và Tâm huyết đồng hành, nhờ Phế mà tán tác toàn thân, giúp ta có thể sống và hoạt động. Vốn biết khí và huyết đồng hành, nếu Tâm khí hay Tâm huyết này suy hư đều khiến cho thể xác cùng thần trí mệt mỏi. Tâm khí hay Tâm huyết bị đoạn ngưng, ứ trở tất cả các tạng phủ hay chi tiết và cả mạng sống ta đều rơi vào chỗ diệt vong. Vậy không phải là tâm dịch sử bách hài đó sao?
Tâm chủ thần minh, ta sẽ làm rõ hơn ở bài kế tiếp. Phần này ta chỉ bàn đến tác dụng làm chủ tình chí cảm xúc của tâm. Cổ nhân quan niệm, mọi thứ cảm xúc của ta đều từ tâm khởi. Hỷ, Nộ, Bi, Ưu, Khủng tuy được khởi phát từ các tạng nhưng phải nhờ tâm là gốc rễ mới mong hiện diện. Như thế, yêu hận, vui buồn, thích hay không thích là nhưng sản phẩm của tâm. Thế nên gọi là “Khu xứ quần tình”.
Nhìn lại một chút ta liền liên hệ. Bách hài không phải thân xác ta sao? Quần tình không phải Tâm cơ của ta sao? Thân, Tâm, Ý là Chân Tam Bảo của ta, ngay cả Thân và Tâm đã do "Tâm" làm chủ, há cái Ý lại ngoài tâm? Qua bài chia sẻ tiếp theo, ta tiếp tục làm sáng thêm quan điểm Tam Bảo khi bàn về Tâm của Lữ Tổ!
[Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 3
Viết: 物无其物形无其形。禀受于天良知良能。
Dịch rằng: Vật vô kỳ vật, hình vô kỳ hình. Bẩm thụ vu thiên, lương tri lương năng.
Nghĩa là: Chẳng tạo từ vật, chẳng mang hình hài. Thụ bẩm từ trời, thể vốn lương thiện.
Đến tận thời Minh, các y gia mới dần thống nhất quan điểm: có tâm của huyết mạch như búp sen hé nở ở trên can dưới phế; cũng có tâm của thần minh, không hình không tướng, không có nơi tồn tại cố định mà tản mác toàn thân.
Ta thấy, ngay từ thời xa xưa Lữ tổ đã khơi gợi cho ta mối qua hệ của "Tâm" và Chân Tam Bảo. Tâm chủ huyết mạch nên nuôi dương hình hài toàn thân. Tâm là nơi khởi nguồn của tình chí nên chi phối nhiều đến tâm cơ và hành động của ta. Ví như nếu ta đã phân biệt cái này ta thích, hiển nhiên ta dễ thiên vị và việc làm không thể công bình, chân định. Và cuối cùng, Tâm chủ thần minh điều phối suy tư và niềm tin của ta. Tâm này hóa hiện Tinh Khí Thần - Thân Tâm Ý vậy.
Toàn Chân quan niệm, Thân ta với lục căn, Tâm ta với thất tình, Thần trí suy hiểu của ta tất cả vốn đều là Lương Thiện. Đưa tay bố thí, xả thân cứu người không phải do thân này làm sao? Động lòng tư bi mà phát nguyện cứu chúng sinh không phải từ tâm mà phát sao? Suy nghĩ ra phương tiện từ cứu, hay như hiện nay suy chế ra vaccine phòng Covid-19 không phải cũng từ Ý mà thành? Thân Tâm Ý, nếu nhìn lên trên thì quả thật là lương thiện, là quý báu. Thành tiên thành phật, thành thánh thành hiền đều nhờ ba thứ báu vật này.
Tuy nhiên nếu nhìn xuống, đưa tay giết hại chúng sinh cũng là thân. Khởi tâm sân hận, cuồng si cũng là tâm. Nổi ác tâm, mưu ám toán độc địa cũng là ý. Vậy đọa ác đồ, thành tà yêu cũng từ ba thứ này. Người tu Đạo Đức cần gìn giữ tam dược đầy đủ, giữ mãi sự thiện lương tốt lành vốn có được trời tứ ban
[Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 4
Viết: 气拘欲蔽, 日失其真。此心既失, 此身亦倾
Dịch rằng:Khí câu dục tế, nhật thất kỳ chân. Thử tâm ký thất, thử thân diệc khuynh.
Nghĩa là: Khí thường bị dục che khuất, theo thời gian mất đi chân tính. Khi tâm này mai một, thân ta cũng sụp đổ.
Quý Đạo hữu tự hỏi, sáu căn hay sáu dục Nghe, Nhìn, Nếm, Ngửi, Chạm và Thỏa ý có xấu xa không? Sáu dục này không tốt không xấu mà quả thật là lương thiện. Một đứa bé sinh ra có mũi có mắt vốn chẳng phải là lành hảo và may mắn hơn là khiếm khuyết hay sao. Ai chả cầu mong con trẻ sinh ra có đầy đủ hình hài thân thể! Toàn chân nhận định, những dục này không phải nguồn gốc của các rối loạn, nhưng chính việc buông thả theo dục mới gây nên nó. (Các rối loạn đó, ta gọi là tội!). Và theo đó, ta không diệt dục mà là khiển dục.
Nếu dục không được điều khiển, thân ta sẽ rơi vào tình trạng sa đọa. Các cụ vốn nói "ngựa quen đường cũ", đến một lúc nào đấy, việc thỏa mãn các dục được đặt lên ưu tiên hàng đầu trong đời sống và ta hành động một cách vô thức để thỏa mãn nó. Giai đoạn này, tấm thân tội lỗi đã khiến tâm bị liên lụy. Các dục này, một khi không được thỏa mãn, tâm liền bồn chồn không yên. Bởi thế nên tâm luôn phát ra những việc hướng ta tới thoả mãn các dục đó và ta khó mà khống chế nổi mình. Đặc tính của tâm là phân biệt. Nó sẽ yêu những gì thỏa mãn các dục và ghét những gì cấm chế các dục. Nó vui mừng, hoan lạc đối với những việc thuận dục và những việc nghịch dục nó tức giận, âu lo, sợ hãi, chán ghét. Giai đoạn này, tuy đáng sợ vì hình thành cho ta một thói quen tội lỗi, nhưng quả thật, giai đoạn sau đây còn đáng sợ hơn.
Sau một thời gian dài, các thói quen của tâm diễn ra, do dục vọng chi phối, nó sẽ làm liên lụy đến cả thần ý của ta. Nhiều người lầm tưởng rằng, thần ý bị tục hóa tức là tâm trí ta luôn luôn suy nghĩ làm sao để thỏa mãn được cái tâm và dục kia. Điều này không sai nhưng chưa đủ. Một ý quan trọng hơn cả, cũng là hệ lụy đáng sợ nhất của việc thần ý bị tục hóa, đó là thỏa hiệp với các tội. Nếu trước đây tôi áy náy khi phạm một lỗi tội, thì hiện tại tôi thấy nó cũng bình thường thôi mà! Với tôi, tội dần dần không còn xấu và tôi thảo sức phạm phải nó. Một người như vậy bị coi là đã mất đi Chân tính của mình.
Vậy nên mới nói, dục sẽ làm che lấp việc làm ( khí), khi tâm tư ( thần và tâm) đã đi theo thảo hiệp với tội lỗi, Cái thân ( chân tính) sẽ đi đến chỗ diệt vong.
Người tu đạo phải kịp thời quán chiếu thân tâm ý của mình từng giây phút, để kịp thời cảm nhận các rối loạn, từ đó luôn hướng mình về Nguyên lý tối thượng là Đại tạo.
[Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 5
Viết: 欲善其身,先治其心。 治心如何?即心治心。
Dịch: Dục thiện kỳ thân, tiên trị trì tâm! Trị tâm như hà? Tức tâm trị tâm!
Nghĩa là: Muốn bản thân trở nên lương thiện hoàn hư, đầu tiên phải trị cái Tâm mình.
Trị Tâm như thế nào? Xin thưa: chính là lấy Tâm trị Tâm.
Thân Tâm Ý thảy đều do "Tâm" điều khiển. Muốn bản thân trở nên thiện hảo, không thể tránh khỏi việc trị dưỡng chân Tâm. Muốn trị dục của thân, phải dùng "Quyết tâm" mà dứt bỏ. Muốn trị sự uẩn ám của tâm, phải dùng "Từ tâm" mà dẹp yên. Muốn trị tính nhị nguyên, đa đoan của Ý, phải dùng "Bình tâm" mà an tĩnh. Như vậy, âu cũng phải khởi từ tâm mà tiến bước.
Chúc hương chú dạy: “Đạo do Tâm học”. Tâm là một cái gì vừa thoát được phần nào cái dung tục lại chẳng sợ quá khô khan máy móc như Ý. Tâm ở giữa, tựa vật mà không phải vật, tựa vô hình mà chẳng vô hình. Vì ở giữa nên giữ ngôi quân chủ. Nên ta lấy nó làm động lực khởi đầu để học đạo cũng như tu tập.
Học Đạo, ta được mời gọi bước vào một bài trắc nghiệm:
"Con chọn Đạo Tâm hay Tục Tâm".
Theo chủ nghĩa hiện sinh, trước mặt ta luôn xuất hiện các câu hỏi và các đáp án được đặt ra. Mỗi đáp án dẫn đến một con đường và bản thân phải chấp nhận kết quả mà mình đã hoàn toàn tự do lựa chọn đó. Lựa có thể lựa nhiều nhưng chọn thì chỉ có một! Đã chấp nhận chọn sự lành thánh của Đạo, ta phải từ bỏ những sự dung tục, trác táng của thế gian. Và ngược lại nếu đã ở trong một đời trác táng không thể dứt ra, đừng mong bước nửa chân vào cửa Đạo.
Để rèn luyện Đạo tâm kiên vững, ta có một số lời khuyên như sau:
(1)Thứ nhất, đừng sợ phải dứt bỏ những khoái lạc mà dục vọng đem lại.
(2)Thứ hai, đừng sợ phải học tập các nhân đức tốt lành.
(3)Thứ ba, đừng sợ Đại đạo bước vào trong đời sống và đồng hành cùng mình.
Trong những bài tới, Lữ tổ sẽ cho ta một số ví dụ cụ thể về các pháp trị tâm. Qua từ những cảm nghiệm và suy tư của Ngài, quý Đạo hữu thêm mạnh sức trên đường Học Đạo.
Chí tâm xưng niệm
Hưng Hành Diệu Đạo Thiên Tôn.
Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 6
Viết: 以老老心,治不孝心;以长长心;治不悌心;
Dịch rằng: Dĩ lão lão tâm, trị bất hiếu tâm. Dĩ trưởng trưởng tâm, trị bất đễ tâm.
Nghĩa là: Lấy cái tâm của bà cụ hiền hậu trị cái tâm bất hiếu. Lấy cái tâm của bậc huynh trưởng trị tâm của kẻ ngỗ nghịch.
Lữ tổ sau khi đưa ra nguyên tắc phải dùng tâm để chế tâm liền cho ta một số ví dụ để thêm minh ngộ. Hôm nay, ta đi tìm hiểu về hai ví dụ đầu tiên trong số đó.
Để trị tâm của một đứa trẻ bất hiếu phải dùng tâm của lão bà bao dung hiền hậu. Đứa con ngỗ nghịch như thể quẻ Cấn: là hàng thứ út nhưng lại ham giữ vị cao nên gây ra nhiều điều bất kính. Lão bà như thể quẻ Khôn, bao dung và chứa chấp đứa con. Bà một lòng nhận lấy phần thấp kém, tủi nhục để mong sao một ngày con mình trưởng thành và hiểu được tâm mình. Khi đứa con đặt mình trong vị thế người mẹ, nhìn thấy những khổ phiền bà gánh chịu, há lại không tự quay đầu?
Lại là đứa trẻ đó, nhưng bất kính sư trưởng. Ta dùng lòng khoan dung của người đi trước, lại lấy cái đức nộ uy của quẻ Chấn (trưởng nam) há lại không hàng phục được sao? Thủy dương tuy không chấp nhặt mạt dương nhưng lấy lôi uy mà sửa dạy.
Lấy tâm to lớn mà kinh tỉnh tâm bé nhỏ, lấy tâm trưởng bối mà khủng huấn kẻ ngu mông.
[Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 7
Viết: 以委致心,治不忠心;
Dịch rằng: Dĩ ủy trí tâm, trị bất trung tâm
Nghĩa là: Lấy tâm ủy thác, giao phó để trị tâm bất trung.
Lữ Tổ, trong Tâm kinh, không dạy ta làm sao đối phó với những thực trạng trong đời sống, nhưng Ngài đang dạy ta cách nối lại tương quan giữa mình với Đại Tạo (Đạo). Đạo là Chủ tể của ta, là Cha già nuôi dạy ta và cũng là Bạn đường vỗ về đỡ nâng ta! Đạo gần gũi với chúng sinh để chúng sinh được trở về với Ngài. Đạo tế vi nên len lỏi sâu vào trong mỗi người, cũng đồng thời to lớn mà ôm thảy hết cả.
Về việc bất trung: Đôi khi, tâm ta không trung thành với Đạo! Phần lớn hiện nay, nhiều người học Đạo theo hướng "Đạo gia", tức là như thể tìm hiểu một phát triết lý và chỉ dừng lại ở triết lý mà thôi. Họ không đi vào gây kết mối tương quan giữa mình và Đại Đạo, mà tìm kiếm những thứ viễn vông xa vời. Chẳng lo chuyên cứu Kinh điển, học lấy lẽ chân thường, họ lại đâm đầu tìm những thứ phù phép màu mè cùng thứ "Ảo thuật" hòng thỏa mãn trí mê! Chẳng lo một lòng thuần phác hành trì nhưng chạy đôn chạy đáo tìm mò đủ Pháp. Nào là Đạo - Phật song tu, nào là Tôn giáo hòa hợp, đây là những lý lẽ họ biện minh cho lòng bất trung của mình. Một người mà làm tôi nhiều chủ sao?
Làm gì khi tâm ta bất trung? Lữ tổ dặn hãy nhớ đến sự ủy thác, và trao phó. Câu này khá khó để hình dung! Phàm là một tôi tớ, ai cũng sẽ được chủ mình trao ban một nhiệm vụ và theo đó được nhận lấy bổng bộc từ Ngài. Đại Đạo có một kế hoạch cho ta và Ngài sẽ đồng hành cùng ta để ta hoàn thiện kế hoạch đó, là đi trở về với Ngài (Lão Tử cũng viết trong chương 16 Đạo Đức Kinh rằng: “Phù vật vân vân, các qui kỳ căn”, nghĩa là vạn vật sinh hóa trùng trùng đều trở về với căn nguyên của nó). Vậy ta phải nhìn vào bản thân và xác định, kế hoạch trong kiếp sống này của đời tôi là gì? Cùng đích của đời tu Đạo của tôi là gì? Nếu xác định cụ thể và đúng đắn từ đầu, hiển nhiên, ta chẳng còn lo sợ tâm bất trung!
Nhớ lời dặn của Lữ tổ trong “Hồn thành tập” rằng:
Nhất điểm tâm đăng diễm diễm sinh
Bất lao khiêu bạt lãng nhiên minh
Đắc lai chiếu phá nhân gian ám
Độc phóng hàn quang mãn thái thanh.
(Dịch thoáng ra chủ ý nghĩa là tâm như ngọn đèn soi sáng cho người tu hành giữa nhơn gian mịt mờ. Người bước chân nơi cửa Đạo phải lấy tâm làm gốc, để có thể vững bước trên con đường đi của mình.)
[Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 8
Viết: 以诚恪心,治不信心;
Dịch rằng: Dĩ thành cách tâm, trị bất tín tâm
Nghĩa là: Lấy lòng thành tín trị lòng cứng cỏi kém tin.
Mọi mối tương quan trong xã hội đều dựa trên cơ sở niềm tin. Nói một cách đầy đủ hơn, mức độ niềm tin ta vào một người quyết định thái độ của ta với họ. Vẫn có một câu chuyện vui như sau:
A: "Tôi chỉ tin những gì tôi trải qua, tôi nhìn thấy hay dùng các giác quan khác mà cảm nhận được. Những gì nằm ngoài đó tôi đều không tin!"
B: "Vậy tôi không thèm nói chuyện với người không có não như anh!"
A: "Tại sao anh nói vậy?"
B: " Tôi không thể thấy não của anh. Tôi chưa sờ chạm vào nó, chưa trải qua nó bằng các giác quan. Vì vậy tôi khẳng định, anh không hề có não!"
Trên đời sống ta có nhiều mức độ của niềm tin.
1, Tin: tôi tin vào anh bạn này của tôi. Tôi chơi với anh ta trong suốt thời thơ ấu, nên tôi tin anh ấy là người tốt và sẽ không làm hại tôi. Tuy nhiên khi thời gian thay đổi, tôi không dám chắc anh ấy vẫn y nguyên đơn thuần như thời tấm bé. Vì thế tôi có sự dè dặt tương đối và có những giới hạn nhất định trong hành xử với anh ta.
2, Tin tưởng: tôi tin vào cha mẹ và người thân ruột thịt của tôi. Họ chăm sóc tôi từ bé và luôn hướng tôi tới những điều tốt lành. Có thể nói, niềm tin nơi tôi với họ gần như là tuyệt đối. Tuy nhiên, giữa đời, tôi có gặp thấy những câu chuyện như " hổ dữ... vẫn ăn thịt con" hay anh em một nhà tương sát. Cho nên một cách nào đó, tôi cũng còn có sự dè chừng!
3, Tin thác: tin thác là tin chết. Tôi tin tuyệt đối và hoàn toàn vào "Người" này. Tôi tin rằng, cho dù cha mẹ tôi có bỏ tôi thì Người cũng chẳng bỏ rơi tôi đâu.
Người tu Đạo giáo, có một niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đạo. Ngài là chủ tể, Ngài là Cha, Ngài là người bạn đường gần gũi. Ngài có cho ta một kế hoạch, và thường ấp ủ ta trong lòng.
Niềm tin cũng là một nhân đức, và vì thế không phải tự nhiên mà có. Ta chỉ có thể luyện tập và củng cố niềm tin này qua sự cung kính tuân nghiêm hành trì giáo pháp mà thôi. Trong từng câu kinh, ta cảm niệm Đạo nói với ta. Từng bái lạy, ta cảm nhận mình cuộn lại như em bé trong bào thai, được Mẹ vĩ đại ấp ủ trong lòng.
Vậy mới nói, lấy lòng thành tín khiêm nhượng mà đánh lại cái tâm cứng cỏi kém tin.
[Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 9
Viết: 以恭敬心,治无礼心;
Dịch rằng: Dĩ cung kính tâm, trị vô lễ tâm
Nghĩa là: Lấy cái tâm cung kính, trị cái tâm vô lễ.
Lữ Tổ trong văn hóa Đạo giáo là một bậc thầy cao siêu về trị tâm. Ngài đã để lại cho hậu thế một pho tàng về câu chuyện, cuộc đời mà ngài từng trải qua. Cách trị tâm của Lữ Tổ, cho đến bây giờ vẫn còn lưu truyền qua những kinh thư, điển cố về ngài. Nay xin bàn đến phép trị tâm được ngài nhắc đến: "Lấy cái tâm cung kính, trị cái tâm vô lễ."
Như ta hằng biết, một người tu tập là gửi gắm trọn vẹn thân xác, thần hồn, ý niệm của mình về với Đại Đạo. Đạo chúng khi đọc bảo cáo thường có câu mở đầu
“Chí tâm quy mệnh lễ”.
Khi giảng năm chữ này, Hoa Sơn Lâu Gia Vịnh đạo trưởng chú: "Trừng Tâm Thanh Tĩnh, Nhất Tâm Quy Mệnh". Với cái lý lẽ tâm thì có yêu – ghét, còn có sự phân chia nhị nguyên. Thế nên "Chí tâm" là Trừng Tâm, tức là lọc cái tâm của mình vậy. Đời sống bao nhiêu sự càn quấy nhũng nhiễu kiến tâm ta chẳng thể yên ổn. Đạo chúng quy phục, triều kính Đại Đạo thành tâm cung kính chính là lọc tâm hồn của mình để "trở về" với Ngài. Lọc là gì nếu không phải là làm cho tâm chỉ còn là Tâm? Tâm chỉ còn là tâm tức tâm không hai, bất nhị vậy. "Quy mệnh lễ", trong các bảo sám, ba chữ này được diễn giải thành quy thân, quy thần, quy mệnh. Trước Đại Đạo, sau khi gột rửa tâm can, ta quy trọn mình vào ngài như một cây tầm gửi. Ta đặt niềm tin trọn hảo ở ngài. Từ việc đi đứng nằm ngồi, cho đến các thứ hành động đều một lòng một dạ nghĩ đến Đạo. Rằng cuộc sống của cá nhân tôi, là hướng về Đại Đạo và chỉ duy nhất có một nơi để hướng về. Tôi hằng cung kính, tin tưởng tuyệt đối vào đấng chí tôn vô thượng ấy.
Trong "Hồn Thành Thi Tập" cũng nhắc lời Lữ Tổ dạy rằng: “Đạo. Vô vi lý thâm, tầm chi việt áo. Tín thủ niêm lai, thị danh viết đạo”. Nghĩa là: Đạo ấy, vô vi thâm diệu, mong truy cầu phải hỏi nơi thâm sâu. Dùng tín thành mà nhón lấy, một mai đặng Đạo vậy. Lẽ xưa nay, có cầu mới có ứng. Người một lòng cung kính Đạo thì mới có thể dành cả cuộc đời của mình để truy cầu sự câu thông, liên kết với Ngài. Thử hỏi, nếu một người quan tâm đến tiền bạc, làm sao còn có thể dành thời gian cầu Đạo? Và nếu một người đã xác định rằng tôi muốn sống trong đời tục, cái tâm của tôi yêu thích những cái thế tục, thì làm cách nào họ đến với Đạo đặng?
Đôi khi tâm của chúng ta “vô lễ”. Chúng ta có sự xem thường mọi vật và dường như chúng ta có chiều hướng muốn phá vỡ những nguyên tắc “bất di bất dịch” của tạo hóa. Chao ôi, lẽ nào lại như thế. Nhiều người theo chủ nghĩa vô thần thường hay giễu người tin theo một tôn giáo là gàn dở và ti tiện. Nhưng thiết nghĩ “Nếu mà không thấy mà cho rằng là không có thì khác gì con ve sầu chẳng biết tuyết” (Diêm Thiết Luận). Đạo đâu phải là thứ hữu hình hữu trạng, mà anh cho rằng Đạo là không tồn tại và lại đem khinh khi những người tin tưởng vào tôn giáo.
Nhắc lại chuyện xưa rằng: “Newton có một người bạn là Halley, nhà thiên văn học nổi tiếng nước Anh, vì ông đã suy đoán ra quỹ đạo của một sao chổi, sao chổi này sau đó được đặt tên là Halley, nên ông không chịu tin tất cả thiên thể trong vũ trụ là do Thần sáng tạo nên. Một lần nọ, Newton chế tạo ra một mô hình hệ Mặt trời, chính giữa là một Mặt trời mạ vàng, bốn phía đối ứng là trật tự sắp xếp của các hành tinh trong thiên hệ, hễ ông kéo cái tay quay, các hành tinh lập tức chuyển động hài hòa theo quỹ đạo của mình, vô cùng mỹ diệu. Halley đến thăm, nhìn thấy mô hình này, đã chơi đùa rất lâu, trầm trồ thán phục mãi không thôi, vội hỏi cái này là ai sáng tạo nên. Newton trả lời, cái mô hình này không có ai thiết kế và chế tạo cả, chẳng qua là các mảnh gỗ ngẫu nhiên tập hợp lại với nhau mà hình thành thôi. Halley nói, bất luận thế nào đi nữa thì nhất định là có người sáng tạo nên nó, và người ấy chắc chắn là một thiên tài mà không cần phải nghi ngờ gì cả. Lúc này, Newton vỗ lên vai của Halley, nói: “Cái mô hình này tuy tinh xảo thật, nhưng nếu đem so với hệ Mặt trời thật sự, quả thật nó chẳng là gì cả! Nếu như ông đã tin rằng có người chế tạo nó, vậy thì hệ Mặt trời còn tinh xảo hơn cả trăm nghìn vạn lần so với mô hình này, há không phải là do vị Thần toàn năng, dùng trí tuệ cao siêu của mình sáng tạo nên sao?”. Harley lúc này mới giật mình tỉnh ngộ, cũng đã tin tưởng rằng chư Thần thật sự tồn tại.
Và Newton trước lúc lâm chung, đối diện với những người ngưỡng mộ trí tuệ và ca tụng thành tựu khoa học vĩ đại của mình, ông đã khiêm tốn mà nói rằng: “Công việc của tôi nếu đem so với sự sáng tạo vĩ đại của Thần, thì tôi chỉ là một đứa bé nhặt được một viên sỏi và vỏ ốc trên bãi biển mà thôi. Chân lý vũ trụ mênh mông như biển cả, không phải là điều mà chúng ta có thể khám phá hết được”.
Hãy xác định lấy một cái tâm duy nhất, cái tâm cung kính hướng về Đạo.
Như vậy, đứng trước những kẻ có “tâm vô lễ” phải làm thế nào? Hãy lấy niềm tin trọn hảo, sự cung kính duy nhất của mình mà đối đãi. Để những cái “vô lễ” đó đừng xáo động lòng mình. Và hơn hết, là để cho mình tâm an giữa những xô bồ, tranh đấu của hàng tá luồng tư tưởng trong cuộc đời.
[Lữ Tổ Tâm kinh]
Bài 10
Viết: 以循理心,治无义心
Dịch: Dĩ hậu lý tâm, trị vô nghĩa tâm.
Nghĩa là: Lấy cái tâm sâu dày, trị cái tâm vô nghĩa.
Nhắc lại lời Lữ Tổ rằng: “Đạo. Vô vi lý thâm, tầm chi việt áo”. Đạo ấy, vô vi thâm diệu, mong truy cầu phải hỏi nơi thâm sâu. Cái đời xung quanh ta đầy sự mịt mù với nhiều cám dỗ. Và khi con người thỏa hiệp với tư dục và cám dỗ, họ sẽ mãi quanh quẩn trong cái vòng khổ đau. “Vô nghĩa” hay “Vô danh” (Trong câu “Chủng chủng vô danh thị khổ căn”) đều là nguồn gốc của khổ.
Thuở xưa, sau khi được nồi cháo hoàng lương của Chung Ly tổ sư thức tỉnh, Lữ tổ quên đi hoài bão công danh một lòng tín thành tìm lẽ chân Đạo. Với niềm tin trung kiên đó, Ngài khước tận khổ căn, chứng quả vô lượng. Như thế muốn trị cái tâm vô nghĩa phải làm thế nào? Lữ Tổ dạy lấy tâm sâu dày mà trị. Lấy cái tâm sâu dày cũng chính là lấy sự hướng nội, thuần nhất, thanh tịnh trong chính mình để trị cái “tâm vô nghĩa”. Khi người ta hướng nội, truy tìm cái chân nguyên của mình, sẽ biết được cái đích đến thật sự của cõi đời này. Việc hướng sâu về nội tâm đống vai trò rất quan trọng. Khi anh cảm thấy đời này nhiều biến động và đầy rẫy những xô bồ, hãy lặng lẽ đi sâu vào chính tâm can của mình, anh sẽ tìm thấy những giá trị vĩnh hằng cứu cánh cuộc đời. Lại nhắc đến tích xưa đức Thích Ca ngồi gốc cây bồ đề, đi sâu vào trong mình và hỏi lấy nguồn gốc của khổ đau, trải qua sự lắng đọng của nội tâm và khai sinh ra “Bát chánh đạo”. Những câu trả lời cho những vấn đề mang tính chiêm nghiệm và giải thoát khổ đau luôn nằm bên trong chính mình.
Nếu như anh đã thông đạt, thấu hiểu được nội tâm sâu dày của mình, cũng chính là nắm được giềng mối của vạn vật trên đời. Cổ nhân cho rằng: Vật ngã đồng nguyên, cùng nhất kỷ chi lý, tức năng tận thiên hạ chi lý. Ta và vạn vật đều cùng một gốc, nên nếu hiểu biết rõ lý lẽ ở nơi một người, sẽ hiểu biết lý lẽ của thiên hạ. Thế là: dĩ nhất sự suy vạn sự, dĩ nhất tâm suy vạn tâm, dĩ nhất nhật suy vạn đại. Đạo Đức kinh cũng có chép: “Bất xuất hộ, tri thiên hạ. Bất khuy dũ kiến thiên đạo. Kỳ xuất di viễn, kỳ tri di thiểu”. Luật trời hay đạo trời ghi tạc ngay trong lòng con người. Không cần phải mãi bon chen vất vả trong cái tư dục và cám dỗ nơi trần ai mới thấu hiểu lý lẽ, người ta cần phải biết định tĩnh, biết tiềm tâm suy cứu, là tìm thấy những giá trị vĩnh hằng. Còn như bon chen vất vả, luân lạc trong chốn hồng trần, thì bất quá chỉ có được những kiến thức vụn vặt, những lối nhìn chật hẹp của tư tưởng nhị nguyên mà thôi. Mà hễ vướng vào sự “vô nghĩa” chốn hồng trần, thì cứ mãi đọa luân hồi ngũ khổ, biết bao giờ mới thoát khỏi sự khổ đau ấy.
Ngoài ra, một số kẻ tu hành nhưng chỉ hướng đến sự hoa mỹ màu mè của bề ngoài, chứ bên trong tâm chẳng có gì, cũng chẳng biết đúng sai. Cái họ làm cốt để thiên hạ tôn làm “thầy”, cốt cho đẹp mắt, lừa lọc chúng nhân. Như thế thôi thì đâu xứng làm kẻ khoác áo tu sĩ? Cầu Đạo, không nên hiểu là vì tách biệt với Đạo nên khởi lòng cầu. Cầu Đạo, cũng không phải là cầu lấy những thần thông hiển hách, đằng vân giá vũ, điểm đá hoá vàng. Mà cầu Đạo, là cầu khẩn được quy phục, câu thông, liên kết với Đạo mà trước đó mối liên kết này đã phai mờ trước bụi trần ai.
Quá trình tu hành chia làm 3 giai đoạn:
(1) chừa bỏ tính xấu;
(2) học tập tính tốt;
(3) trở về với Đạo.
Nếu không chăm chú vào tâm tính, sao có thể trở về với Đạo đặng? Vậy nên, phải biết lấy cái tâm “sâu dày”, trị cái tâm “vô nghĩa”, trị cái sự chạy theo giá trị phù phiếm bên ngoài mà nhiều người hay mắc phải.
[Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 11
Viết: 以清介心,治无廉心
Dịch rằng: Dĩ thanh giới tâm, trị vô liêm tâm
Nghĩa là: Lấy "ranh giới" thanh sạch của tâm để trị tâm không thanh sạch.
"Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên". Quả thế, con người ta nếu noi theo cái đức tự nhiên của trời đất thì chắc chắn giữ cho mình phần bàng an hồn xác. Ấy nhưng chính ta, qua nhiều lần nhiều cách, đã làm trái loạn những quy tắc tự nhiên đó và gây ra loạt các rối loạn. Cái đó là tội vậy! Tội là một hành vi sai trái gây ra một rối loạn trong giới tự nhiên. Nó ảnh hưởng đến sinh giới và gây ra các hậu quả tiêu cực cho tha nhật hoặc chính kẻ phạm tội. Để thoát khỏi việc tâm luôn quyến luyến các tội, Lữ tổ dạy giữ lấy Thanh Giới Tâm. Giới là ranh giới, là cách biệt. Vì là một bức tường xây lên để tách biệt ta với những điều vô liêm, vậy nên gọi là Thanh Giới.
Giới có ba loại:
1, Tự Thân Giới
Ta tự nhìn nhận và quán chiếu một điều là sai, ta quyết tâm cầm lòng hạn chế, cầm giữ thậm chí là từ bỏ nó. Ngõ hầu, giúp bản thân ngày một thăng tiến trên đường học Đạo, chẳng sợ phiền chí.
2, Tổ sư giới
Khi chuyên tụng kinh thư đạo điển, ta bắt gặp các bản giới văn được chư thánh truyền ban hoặc do các tổ sư nhiều đời chế tác. Đây là thiên chỉ, là kinh nghiệm tinh túy đúc kết từ sự tu tập của chư vị cao đạo đại đức, ta theo đó tu tập nghiêm chỉnh chấp hành.
3, Vô vi giới
Ta chẳng lệ thuộc vào các giới điều, vì ta lấy Vô vi làm áo mặc, Đạo đức làm bát ăn và Thanh tĩnh là giường ngủ. Hành trụ tọa ngọa ta đều tưởng tư về Đạo Cả. Vì thế ta có thể tránh xa mọi thứ ô nhơ, phi liêm thế tục.
Giới trung sinh định. Sau một thời gian cầm giữ các dục vọng và thành trì Thanh Giới Tâm, lòng ta dần trở nên tĩnh định và trong trẻo. Tâm ta khó nhiều hơn, ta dần có cái nhìn rộng và sâu hơn vào thực tại và càng thêm thấu tỏ lẽ Chân huyền. Chỉ khi nào, ta đủ can đảm tống khứ thần dữ ra khỏi nhà linh hồn mình, khi ấy, Đại đạo là vị thượng khách mới có thể ghé thăm và ở lại cùng ta lâu dài!
[Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 12
Viết: 以自爱心,治无耻心;
Dịch rằng: Dĩ tự ái tâm trị vô sỉ tâm
Nghĩa là: Lấy cái tâm “tự ái” trị cái tâm không biết xấu hổ.
Cái tâm “tự ái” chính là cái tâm tự biết quý lấy bản thân, giữ lấy cho mình những nguyên tắc cốt yếu. Bởi lẽ khi người ta phá vỡ những nguyên tắc ấy, chính là đi vào con đường của tội lỗi và thỏa hiệp với tội lỗi. Nho gia có ngũ thường: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Không bàn về mặt phân chia nhị nguyên, Ngũ thường Nho gia không sai biệt với Lão Quân Ngũ giới. Đây là một nét tương đồng, thể hiện chân lý mang tính phổ quát. Nhân sinh lấy ngũ thường mà răn dạy con người giữ lấy mình, người tu hành lấy ngũ giới mà giúp giữ được tâm thuần nhất, thanh tịnh. Đó đều là cách để thủ thân bảo thần. Cụ thể:
- Người tu hành dụng chữ “Nhân” với ý nghĩa coi kẻ khác như mình, coi chúng sinh đều như thể bản thân, vì thế nên không phá vào sát giới. Điều này được thể hiện rõ nét ở điểm Đạo giáo không chủ trương sát sanh để thờ cúng, năm loại cúng phẩm bao gồm: hương, đăng, hoa, thủy, quả (một số phim ảnh, hoặc số nơi tự xưng là đạo quán của Đạo giáo vẫn cúng mặn, điều này cần phải xem lại!). Hoặc đạo sĩ Toàn Chân thường bắt buộc phải ăn chay trong cuộc đời phần tu của mình cũng là một điều biểu thị giữ lấy “sát giới”.
Dụng chữ “Lễ” là việc cư xử chừng mực đúng đắn, nên người tu hành không phạm vào dâm giới. Dụng chữ “Nghĩa” là cách tôn trọng các quyền lợi xứng đáng của một người được hưởng theo bản tính của họ. Vì vậy, người tu hành không phạm vào trộm cướp.
Dụng chữ “Trí” là giữ cho bản thân luôn chính giác, không sa trầm mê. Điều đó tựa hồ người tu hành chẳng phá tửu giới, chẳng sa đọa trác táng vào rượu chè.
Dụng chữ “Tín” là niềm tin. Ta hằng giữ lấy niềm tin với mọi người nên không phạm vào điều gian xảo, chẳng nói dối gạt đời, dối người. Họa chăng cũng chính là việc ta giữ lấy niềm tin nơi chính mình – một niềm tin trọn hảo đối với Đại Đạo mà chẳng sai biệt.
Quá trình tu hành trải qua ba giai đoạn:
1. Chừa bỏ tính xấu;
2. Học lấy tính tốt;
3. Trở về với Đạo.
Sau một thời gian ta chừa bỏ tính xấu, học lấy tính tốt, chính là trải qua quá trình gạn lọc tâm can của mình và giữ lấy giới luật. Lúc đó tâm ta mới trở nên trong trẻo, khó mà bị nhiễu quấy bởi những thứ cám dỗ và tư dục. Nhờ đó mà ta thông suốt lẽ Huyền Vi. Lại nghe lấy “Dục thành Tiên Đạo, tiên vi Nhân Đạo”. Suy cho cùng, muốn đắc Tiên Đạo, phải làm trọn Nhân Đạo trước.
[Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 13
Viết: 以积德心治为恶心。以利济心治残贼心
Dịch rằng: Dĩ tích đức tâm, trị vi ác tâm; Dĩ lợi tế tâm, trị tàn tắc tâm.
Nghĩa là: Lấy lòng tích đức trị lòng ác độc. Lấy lòng bố thí trị lòng tặc cướp.
Thường nghe: “Đạo dĩ vô tâm độ hữu tình”, cũng lại nói: “Dục thành tiên đạo, tiên vi nhân đạo”. Nếu như không có “từ bi tâm” thì cái mộng siêu thoát hồng trần, ấy cũng chỉ là ảo mộng. Đạo Đức Kinh viết: “Thượng thiện nhược thủy; Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh”. Bậc “Thượng thiện” hiểu Đạo thì như nước, làm lợi cho vạn vật mà không tranh. Người tu hành, khởi tâm ác thì còn gì là làm lợi cho vạn vật?
Bố thí có 3 loại:
(1) Bố thí tài vật;
(2) Bố thí thân thể;
(3) Bố thí Đạo pháp.
Việc người khởi tâm hành việc bố thí thì cũng là đang tích đức, đang lợi tế vậy! Việc bố thí là cách chúng ta cho đi, nhưng không đơn thuần là việc cho và nhận – nó chính là sợi dây tương quan tồn tại của sự liên kết giữa người cho, của cho và người nhận.
Trong “Hư Hoàng Thiên Tôn Tứ Thập Cửu Chương Kinh” có dạy rằng: “…Bố thí không khó ở chỗ có dư đủ hay không, nhưng khó ở chỗ có thực lòng thí tặng hay không. Người vốn có lòng thực tâm bố thí, ấy là do không có thương yêu muôn loài vậy…”. Tại sao gọi thực tâm bố thí là do không có thương yêu muôn loài? Ấy là vì cái bố thí đó là cái bố thí “vô vi”. Cho đi mà không mong báo đền. Vả chăng khi tôi cho đi, tôi cũng không toan tính rằng mình sẽ nhận lấy phước đức thế này hay thế khác. Đó là làm mà không mắc trong cái sự làm của mình. Một cách làm hết sức tự nhiên và không toan tính. Khởi tâm bố thí là bởi Đạo tâm hành khiển theo cách tự nhiên chứ không khởi từ lòng thương – ghét nào cả.
Cho đi là chấp nhận của cho sẽ không còn là thứ mình sở hữu, nó sẽ trở thành của người nhận. Tâm ta không ép hay mong cầu người nhận biết ơn hay muốn người ta phải áy náy vì việc phải đền ơn ta. Tâm ta cũng không trở nên xao động khi thấy người đó không có lòng trả ơn. Điều duy nhất ta mong đợi là của cho sẽ ở lại với họ và giúp họ dễ dàng hơn trên con đường lữ thứ.
Tâm chuyên hành tích đức, nào còn khởi tâm ác? Tay thường hành bố thí, nào còn nỡ ra tay tàn tại đến chúng sinh?
[Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 14
Viết: 以匡扶心治倾陷心。
Dịch rằng: Dĩ phù trì tâm trị khuynh hãm tâm
Nghĩa là: Lấy lòng bảo vệ phù trì để trị cái lòng phá hủy, bức hại đến cùng tận.
“Phù trì” tức khuông chân phù chính, giúp đỡ bảo trợ những mầm thiện.
“Khuynh hãm” là làm cho sụp đổ, không thể có cơ hội phát triển, cải đổi.
Phàm đã là người, ai cũng đang đi trên con đường trở về cùng bản nguyên của mình, dù ý thức hay không. Trên đường nẻo lữ thứ đó, sẽ có những ngã ba ngã tư đường án ngự giữa lối hầu buộc ta lựa chọn. Cửa sinh hay cửa tử, ma đạo hay tiên đạo, thiên đường hay địa ngục, thảy đều khởi từ những quyết định trong đời sống của ta. Đó là tính trách nghiệm tiên quyết của một hành động: Dù có ai cám dỗ xúi giục thì chính ta, với sự tự do lựa chọn , phải chịu lấy phần đa trách nghiệm trước hậu quả các hành động của mình. Chính thế, những nẻo đường chọn sai càng ngày càng càng dẫn ta đến nơi mờ tối. Càng ở vào nơi mờ tối đó, quyết định của ta lại càng thêm dễ sai lầm. Vòng lặp này cứ vậy luân hồi cho đến khi mãn kiếp và quả báo cho ta là một địa ngục đớn đau!
Vậy làm sao để chấm dứt vòng lặp đó? Không bàn đến việc ta gặp những lời khuyên răn sự cải huấn của bậc tiền bối, kinh thư hay qua bất cứ người thân cận nào, điều quan trọng nhất ta cần là quyết tâm từ bỏ các điều xấu ác vốn có, trong khả năng hiện tại của mình. Nhiều người rơi vào tình trạng tuy ý thức bản thân tội lỗi, họ vẫn không ngừng thỏa hiệp với tội và tái phạm với tâm thế "nốt lần này nữa thôi". Cứ vậy, một khi sự trai lì đã diễn ra, tâm can ta như hóa đá sắt, và tội lỗi cũng trở nên là lẽ bình thường.
Thánh nhân đối với những tội lỗi này thì lên án! Các Ngài muốn tận tru mọi thứ tội lỗi trên trần gian nhưng không phải qua cách tru diệt tội nhân. Hồn ta vốn như vầng trăng tròn sáng treo giữa trời, không phải do trăng lặn mất hay méo mó nhưng bởi mây mù giăng tỏa che mất chân tính mới gây ra tội vậy. Thánh nhân tin tưởng rằng muôn người đều có thể cải đổi tội căn thành phúc căn. Nên các Ngài kiên trì nuôi dưỡng chính tín nơi tội nhân mà chẳng nỡ tận tru tận diệt đường cải tà của chúng.
Thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội nhân nào chẳng có tương lai. Đừng triệt đường cải đổi một ai. Đừng biến bất cứ ai trở thành nạn nhân của thói chì chiết, cay nghiến và "tận trừ". Đến Đại Đạo còn cho bạn cơ hội làm lại muôn muôn kiếp sống chẳng kể bao tội lỗi tày đình bạn gây ra. Sao bạn lại không cho người ta những cơ hội cải đổi?
[Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 15
Viết: 以仁慈心治暴戾心
Dịch rằng: Dĩ nhân từ tâm trị bạo liệt tâm.
Nghĩa là: Lấy lòng nhân từ trị lòng tàn ác.
Chữ Nhân (仁) chẳng phải dịch là “người”, chữ Nhân (仁) bao gồm cả bộ nhân và bộ nhị, thể hiện sự trùng điệp. Theo một lối suy tư, ta có thể diễn ra rằng đó là hai chữ nhân ở bên cạnh nhau, ám chỉ việc người như người. Coi người như thể là mình, ấy là Nhân (仁). Ta sao người vậy, từ những nhu cầu cơ bản (nơi ăn, chốn ở,…) đến những thứ nhu cầu mang tính cấp cao (thấu hiểu lẽ chân huyền, suy tư, chiêm nghiệm,…), ai ai cũng có những nhu cầu ấy.
Đạo Đức Kinh cũng có viết về bậc “Thượng Thiện” (hiểu Đạo) rằng: “Cư thiện địa, tâm thiện uyên, dữ thiện nhân, ngôn thiện tín, chính thiện trị, sự thiện năng, động thiện thời”. (Ở thì lựa nơi chốn; tâm hồn thời thâm trầm sâu sắc; giao tiếp với người một mực nhân ái; nói năng thành tín; lâm chính thời trị bình; làm việc thời có khả năng; hoạt động cư xử hợp thời). Như thế, người học Đạo thì giao tiếp với người một mực nhân ái, chẳng phạm đến sinh mệnh của người khác, coi họ đích thị như chính mình. Từ đó mà một lòng đối đãi chẳng sai chạy.
Chữ Nhân (仁) vốn như thế, vậy còn chữ Từ (慈)? Chữ Từ (慈) ở trên là “tư” có nghĩa là “đây”, “này” nói đến sự gần gũi. Ở dưới “tư” là “tâm”. Ấy là lấy lòng ta gần lòng người, biết ta với vật đều như nhau. Ta với vật đều thụ bẩm cái Đức của Đạo, thế nên ông Trang Tử mới viết ra thiên “Tề Vật”. “Tề Vật” nên hiểu là muôn vật đều bình đẳng trong việc thụ bẩm cái Đức nơi Đại Đạo. Lý giải cho việc ta và vật đều thụ bẩm cái Đức của Đạo, Chu Hy nói: “Nhân nhân hữu nhất Thái cực; vật vật hữu nhất Thái cực” (Ai ai , cũng đều có một Thái cực; vạn vật nào cũng đều có một Thái cực). Ông cũng nói thêm: “Thái cực, là ám chỉ cái lý của Trời Đất Vạn Vật. Cho nên lấy Trời Đất mà nói, thì Trời Đất là một Thái cực; còn lấy vạn vật mà nói, thì trong mỗi vật đều là một Thái cực”. (Thái cực chỉ thị Thiên Địa vạn vật chi lý ; tại thiên địa ngôn , tắc thiên địa trung hữu Thái cực , tại vạn vật ngôn , tắc vạn vật trung các hữu Thái cực).
Dịch học nhìn nhận rằng: “Các hữu Thái cực”. Mỗi vật đều là một thái cực từ cái vật cực tế đến vật cực đại. Ngay trong Thái cực Lương nghi thì Lưỡng nghi cũng là một thái cực: điểm Dương trong Âm, điểm Âm trong Dương. Dù bực nhỏ bé đến cỡ nào đi nữa cũng chứa toàn thể cái cấu tạo đại toàn thể của vũ trụ. Người là một tiểu vũ trụ, đồng thể với đại vũ trụ. Như vậy, ta với vật đều như nhau. Ta đặt tâm ta gần tâm họ để hiểu biết về họ, chính là ta đang tương quan, gắn kết mối liên hệ giữa vạn vật với nhau. Khi đã thấu hiểu được nhau, thì nào ai khởi tâm thô bạo, ác liệt nữa?
Phàm là “tâm” tức thị đặc tính là yêu - ghét, trọng - khinh, phân chia nhĩ ngã. Hoặc ấy là việc coi ta và người khác nhau, hoặc tự tôn cao chính mình mà hạ thấp kẻ khác. Bởi lẽ còn vướng phải sự phân chia nhĩ ngã, thế nên mới có tư có chung, đặng mà sinh ra sự phân biệt và tội. Từ và Nhân, coi người như mình, đối đãi theo một lẽ như nhau, chẳng chia nhĩ ngã, không luận hiền ngu. Nhờ thế mới tránh khỏi cái bẫy nhị nguyên, đặng thoát khỏi tội nghiệt và muộn phiền. Kẻ hiểu lẽ chân huyền, phải biết yêu bằng khối óc và suy nghĩ bằng con tim. Khối óc hay con tim đều có sự phân biệt theo nhị nguyên luận, thế nhưng khi đã biết “suy nghĩ bằng con tim” và “yêu bằng khối óc”, tức là ta đã chấp nhận theo nhất nguyên luận, chẳng còn phân chia người - vật, chẳng còn vướng vào cái sự rối ren, lẩn quẩn của vòng nhị nguyên nữa. Nhờ đó mà mối tương quan liên kết giữa ta và vật càng thêm gắn kết.
[Lữ Tổ Tâm Kinh]
Bài 16
Viết: 以谦逊心治傲慢心
Dịch rằng: Dĩ khiêm tốn tâm trị ngạo mạn tâm
Nghĩa là: Lấy tâm khiêm nhường trị lòng ngạo mạn.
Khiêm nhường
Khiêm nhường là gì? Nhiều người nghĩ rằng khiêm nhường là một trong những nhân đức khó xác nhận nhất. Có một câu chuyện vui kể rằng, một vị giáo sư nhân học nổi tiếng nọ khi giảng về đức khiêm nhường, ông nói: "Phàm trên đời này, không ai khiêm nhường lại tự nhận mình là người khiêm nhường. Kẻ như thế chỉ là quân đạo đức giả và ngạo mạn mà thôi. Phần tôi, tôi tự nhận bản thân là một người... không khiêm nhường!".
Khiêm nhường không phải một sự nhường nhịn đùn đẩy giả tạo nhưng là biết đối diện và chấp nhận thực tại cách thực lòng. Tôi có khả năng giải quyết tốt một vấn đề, và tôi thừa nhận cách thực lòng. Ấy là khiêm nhường. Tôi có khả năm đảm nhận một trọng trách nhưng khi ai đề cử, tôi liền chối bỏ khả năng này. Đây không phải khiêm nhường nhưng là giả dối. Khiêm nhường thì ở trong sự thật, không chấp nhận gian dối bén mảng.
Người khiêm nhường thì luôn quan sát bản thân. Vì thế, họ biết rõ mình tốt ở đâu và xấu ở đâu, hay ở đâu và dở ở đâu. Qua đây, họ cẩn trọng và trách nghiệm trong từng công việc. Đồng thời tự lượng trước sức mình.
Thuở xưa, bậc vương hầu tự xưng là “cô gia, quả nhân” ý muốn khiêm nhường cho rằng mình là người ít đức nên cầu cạnh hiền tài. Vả chăng một trong những cái Đức lớn của nước cũng là hạ mình khiêm nhường: “Người ở nơi cao, nước chọn chốn thấp”. Biển làm vua của trăm sông là nhờ ở nơi thấp. Như vậy, người học Đạo tu thân cũng cần giữ lấy cái Đức này. Lấy một thí dụ cho dễ hiểu, một ly nước đầy thì không sao hứng được thêm thứ nước nào. Người khiêm nhường cũng như việc ta thay ly nước đầy đó bằng một vật chứa to hơn và đón nhận được nhiều hơn vậy.
Khiêm nhường là nguồn mạch trí tuệ. Khiêm nhường là cha đẻ sinh ra tin kính. Khiêm nhường là thềm ngọc đẫn đến Đại đạo chí tôn.