LẬP GIÁO THẬP NGŨ LUẬN

Chủ nhật, 16/10/2022 19:31

TRÙNG DƯƠNG LẬP GIÁO THẬP NGŨ LUẬN
- VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG TỔ SƯ -
CHƯƠNG 1: TRÚ AM - 住庵

Nguồn: Long Môn

- Bản văn -

Nguyên văn:
凡出家者,先須投庵。
庵者舍也,一身依倚。身有依倚,心漸得安,氣神和暢,入真道矣。凡有動作,不可過勞,過勞則損氣。不可不動,不動則氣血凝滯。須要動靜得其中,然後可以守常安分,此是住安之法。

Hán-Việt:

1. Phàm xuất gia giả, tiên tu đầu am.
2. Am giả xá dã, nhất thân y ỷ, thân hữu y ỷ, tâm tiệm đắc an. Khí thần hòa sướng, nhâp chân đạo hĩ.
3. Phàm hữu động tác, bất khả quá lao, quá lao tắc tổn khí; bất khả bất động, bất động tắc khí huyết ngưng trệ. Tu yếu động tĩnh đắc kỳ trung, nhiên hậu khả dĩ thủ thường an phận.
4. Thử thị trú an chi pháp.
Diễn xuôi:
1. Phàm người tu trì, trước hết phải xin vào một am quán.
2. Am là nơi ở, có thể nương nhờ mà dưỡng thân này. Thân đã có chỗ nương tựa thì ta cũng dần yên ổn. Thần khí thông suốt, gieo duyên ngộ đạo.

3. Trong ngày làm việc không được quá mệt nhọc, tổn thương khí cơ; Cũng không thể không làm gì, khiến khí huyết ngưng trệ. Giữ được cho công việc ở mức vừa phải, sẽ được sự thường an nhiên vậy.
4. Đó chính là phép trú an vậy.

- mạn đàm -

        "Trùng Dương Lập Giáo Thập Ngũ Luận" được chính Vương Trùng Dương tổ sư soạn tác. Thập Ngũ Luận không tường giải về tiến trình tu trì nhưng giản giới một số quan điểm của Vương Tổ về những điều cần chuẩn bị cho đời tu. Mở đầu, Người đề cập vấn đề nơi cư trú. Nội dung cơ bản được chia thành hai ý chính:

    Thứ nhất, phàm là kẻ muốn xuất gia nên bái tiến vào một Đạo quán nào đó.

Nhân tâm thường bấn loạn, vì cớ gì? Há không phải do thất tình điên đảo, dục vọng quấy nhiễu hay sao? Nơi thế sự đa đoan, mỗi ngày sáu dục lại không ngừng sinh ra sai trái, như vậy thật là nguy hại cho Đạo Tâm. Kẻ mới tu học Đại Đạo, cần bái thỉnh vào một Đạo quán, ở giữa Đạo chúng, mỗi ngày đều được gần gũi nương tựa vào Đạo pháp. Như thế, thân này sẽ có chỗ để yên ổn, vì khó có cơ hội tiếp cận với trần ai. Thân đã an, tâm nương vào đó mà cũng dần an ổn. Như vậy là thuận duyên cho phép tu trì Thân Tâm Thần được đề cập nơi Thanh Tĩnh Kinh:
"Thường năng khiển kỳ dục, nhi tâm tự Tĩnh
Trừng kỳ tâm, nhi thần tự Thanh"
Có người nói: "Tại sao lại trốn tránh thế gian như vậy? sao lại lẩn trốn lên núi cao, rừng sâu? như vậy không phải là hèn nhát hay sao...?". Thật, ta cần biết thật điều này, ai trong chúng ta cũng đều nhỏ bé hèn mọn trước Đại Đạo mà thôi! Kẻ mới cầu Chân phỏng Đạo, có khác gì như con non đỏ hỏn . Trước tiên, họ cần được nuôi lớn trong Đại Đạo, được trưởng thành trong Kinh pháp và đủ bản lĩnh nhờ sự kế tục Sư Bảo. Từ đó, họ sẽ trở nên ngọn đèn chói lọi, tự soi chiếu mình cùng như cả thế gian. Quả vậy, trú am không phải hèn nhát, trú am là một tình trạng mà khi đó, ta trở nên mạnh mẽ vì luôn có Tam Bảo đồng hành và được kết hiệp với Ngài một cách mật thiết. 

    Thứ hai, trong ngày cần phải có các công việc sao cho quân bình Động - Tĩnh. Không thể lao tác quá sức mà làm ảnh hưởng đến mục đích tối thượng của đời tu là truy cầu sự kết hiệp với Đạo. Tuy nhiên, không làm gì tiềm ẩn nguy cơ khiến cho khí huyết không được lưu sướng, não lạc chẳng được vinh nhuận mà khiến cho thần trí ngày một ngu mê, chểnh mảng phép Đạo. 

    Hai tôn chỉ này tuy đơn giản, nhưng thực sự đặt để những viên gạch lót móng của đời tu trì - sự an trú trong Đạo Cả.

 

 

TRÙNG DƯƠNG LẬP GIÁO THẬP NGŨ LUẬN
- VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG TỔ SƯ -
CHƯƠNG 2: VÂN DU - 雲遊

- Bản văn -

Nguyên văn: 

1. 凡遊歷之道有二
2. 一者看山水明秀,花木之紅翠。 或玩州府之繁華,或賞寺觀之樓閣,或尋朋友以縱意,或為衣食而留心。 如此之人,雖然萬里之途,勞形費力,遍覓天下之景,心亂氣衰,此乃虛雲遊之人。
3. 二者參尋性命,求問妙玄。 登險之高山,訪名師之不倦;度喧轟之運水,問道無厭。 若一句相投,便有圓光內發。 了生死之大事,作全其之丈夫。 如此之人,乃真雲遊也。


Hán - Việt: 
1. Phàm du lịch chi đạo hữu nhị:
2. Nhất giả khán sơn thủy minh tú, hoa mộc chi hồng thúy. Hoặc ngoạn châu phủ chi phồn hoa, hoặc thưởng tự quan chi lâu các, hoặc tầm bằng hữu dĩ túng ý, hoặc vi y thực nhi lưu tâm. Như thử chi nhân, tuy nhiên vạn lí chi đồ, lao hình phí lực, biến mịch thiên hạ chi cảnh, tâm loạn khí suy, thử nãi hư vân du chi nhân.
3. Nhị giả tham tầm tính mệnh, cầu vấn diệu huyền. Đăng hiểm chi cao sơn, phỏng danh sư chi bất quyện; độ huyên oanh chi vận thủy, vấn đạo vô yếm. Nhược nhất cú tương đầu, tiện hữu viên quang nội phát. Liễu sinh tử chi đại sự, tác toàn kỳ chi trượng phu. Như thử chi nhân, nãi chân vân du dã.
Diễn xuôi:
1. Phàm đời này có hai thứ du lịch.
2. Một là đi nhìn xem cảnh non nước cỏ cây tốt tươi, du ngoạn ngắm trông phồn hoa nơi phố thị, chiêm bái đền chùa miếu mạo, hoặc tìm bạn bè thân giao bàn luận, ăn uống. Người như thế, tuy đi khắp muôn dặm cũng chỉ hao tổn sức lực, tâm loạn khí tổn do ngoại cảnh, gọi là Vân du giả vậy.
3. Lại có một hạng người thứ hai, tìm kiếm phép tính mệnh song tu, mong học Đạo màu. (Họ) Không ngại mỏi mệt lên nơi núi cao, bái phỏng chân sư; chẳng nề chèo chống sông sâu nước cả, gặng hỏi Chân thường. Nhờ một câu khai thị mà tính vẹn sáng khởi. Liễu ngộ sinh tử, xứng bậc trượng phu. Vậy mới là vân du thực sự.


- mạn đàm -

    Nếu trong chương đầu Vương Trùng Dương Tổ Sư trình bày phép an trú, tì trong chương này, Vương Tổ giới thiệu về một hoạt động quan trọng trong đời sống tu trì: Vân du.
    Vân du, một cách thông thường được hiểu là đi ngao du bốn bể chẳng nề hà là sẽ đi đâu gặp ai. Vân du thì phải hoàn toàn thư thái và tự do, chứ không phải nhằm thỏa mãn thú vui thích gì đó. Vương Tổ nói đến hai phép Vân du, một giả một thật.

    Phép vân du giả kia, giúp kẻ thi hành thảo mãn trần căn vọng thác mà thôi. Giao lưu luận bàn, chiêm ngưỡng thắng cảnh, ăn uống ... chả phải chỉ là thỏa mãn một cái tôi bó buộc?! Chìm mãi trong những chuyến vân du giả này, tổng lại chỉ khiến sức lực hao tổn, tâm tư điên đảo, chân khí suy hư mà thôi.
    Trong khi đó, phép chân vân du là chính việc chẳng sợ khó khăn sông núi mà tầm phỏng chân sư hầu học Đại Đạo. Đây là một truyền thống đẹp đẽ của Đạo giáo, cách riêng trong Toàn Chân Đạo. Khi xưa, sau khi một Đạo nhân học Đạo cùng Độ sư của mình và thụ đắc Quan Căn, tất cả chưa phải là đầy đủ. Y cần phải chuyên cần dùi mài điển tạng, trau dồi thêm vốn Đạo thức để độ kỷ, độ tha. Vị Độ sư có thể rất giỏi về một số môn, tuy nhiên, ngài chẳng thể thông suốt mọi bề trong Đạo. Vì thế, ngài có thể cho phép đồ đệ mình tìm phỏng các vị Đại sư thông thạo pháp môn nào đó, hầu học hỏi trau dồi lẽ Đạo nhiệm màu. Kẻ học Đại Đạo, dù xuất gia hay không, được mời gọi đặt việc truy cầu Đại Đạo làm ưu tiên trong đời sống mình. Vì tin tưởng vào Đại Đạo là khởi thủy và là cùng đích mà muộn chúng sinh hướng về, Đạo nhân hiển nhiên phải mến chuộng Đạo pháp cách khôn xiết. Và theo đó, thay vì chạy theo muôn thói tiêu khiển, y được mời gọi dành ra phần nào đời sống mình cho việc học biết Đạo Đạo!

    Câu hỏi suy tư cho những người đang mến-học Đại Đạo:
1. Mỗi ngày, bạn nhớ đến Đại Đạo mấy lần?! Nó thân tình gần gũi, hay chỉ máy móc nơi chót lưỡi đầu môi?!
2. Trong một tuần lễ, bạn dành được mấy tiếng để học tập cách nghiêm túc về Đại Đạo?!

 

TRÙNG DƯƠNG LẬP GIÁO THẬP NGŨ LUẬN

- VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG TỔ SƯ -
CHƯƠNG 3: HỌC THƯ - 學書

- Bản văn -

Nguyên văn: 

1, 學書之道,不可尋文而亂目。
2, 當宜採意以合心,舍書探意採理。合理採趣,來得趣則可以收入之心。
3, 久久精誠,自然心光洋溢,智神踴躍,無所不通,無所不解。
4, 若到此則可以收養,不可馳騁耳,恐失於性命。
5 , 若不窮書之本意,只欲記多念廣。人前談說,垮訝才俊。無益於修行,有傷於神氣。雖多看書,與道何益。
6, 既得書意,可深藏之。


Hán - Việt:

1, Học thư chi đạo, bất khả tầm văn nhi loạn mục.
2, Đương nghi thải ý dĩ hợp tâm, xá thư tham ý thải lý. Hợp lý thải thú, lai đắc thú tắc khả dĩ thu nhập chi tâm.
3, Cửu cửu tinh thành, tự nhiên tâm quang dương dật, trí thần dũng dược, vô sở bất thông, vô sở bất giải.
4, Nhược đáo thử tắc khả dĩ thu dưỡng, bất khả trì sính nhĩ, khủng thất vu tính mệnh.
5, Nhược bất cùng thư chi bản ý, chỉ dục ký đa niệm quảng. Nhân tiền đàm thuyết, khỏa nhạ tài tuấn. Vô ích vu tu hành, hữu thương vu thần khí. Tuy đa khán thư, dữ đạo hà ích?
6, Ký đắc thư ý, khả thâm tàng chi!


Diễn Nôm: 

1, Phàm kẻ học sách (Đạo) không được phép loạn mắt mà liếc đọc câu chữ.
2, Nên lựa những “ý” hợp với (Đạo) tâm, qua những ý đã gặt hái được đó mà đúc kết ra được “cái lý”. Từ việc nhận ra những lý lẽ ẩn tàng nơi các Đạo thư, ta có thể sinh ra cảm giác “lý thú”. Một khi đã có cái lý thú này, ta sẽ dễ ràng thâu nhập “ý” và “lý” vào tâm khảm mình.
3, Cứ tinh thành như vậy, lâu ngày, tâm trí trở nên sáng láng và sung mãn. Chẳng gì là không thông đạt, tường giải.
4, Muốn đạt được như vậy thì phải tu dưỡng tập luyện kiên trì, không được ham nhanh ham vội. Bằng không, chỉ sợ là tổn thất cho tính mệnh bản thân mà thôi.
5, Nếu không hiểu đến cùng ý nghĩa bản văn, chỉ tham ghi nhiều đọc rộng, tham luận bàn trước người ta mà khoe khoang tài cán. Như thế không chỉ vô ích với việc tu hành mà còn thương phạm thần khí. Tuy đọc nhiều sách vở, ấy lại có ích gì với Đạo?
6, Đã đắc được ý của Đạo thư, thì sẽ có thể thâm tàng Đại Đạo!

    Ở chương thứ 3 này, Vương tổ giới thiệu cho chúng ta về phương pháp học tập Đạo thư.
Đạo thư chỉ tất cả các sách vở chứa chân lý giúp ta nhận thức và thêm gần gũi Đại Đạo. Đạo thư là những bản văn vô cùng trân quý vì đúc kết kinh nghiệm tâm linh về Đại Đạo của các Chân Nhân đi trước. Phần dịch nghĩa tường minh Tổ ý nên tôi không bình gì thêm.

 

 

- VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG TỔ SƯ -
CHƯƠNG 4: HỢP DƯỢC - 合藥

- Bản văn -

Nguyên văn: 

第四論合藥

1, 藥者乃山川之秀氣,草木之精華。
2, 一溫一寒,可補可瀉;一厚一薄,可表可托。肯精學者,活人之性命;若庸醫者,損人之形體。
3, 學道之人,不可不通。若不通者,無以助道。
4, 不可執著,則有損於陰功。外貪財貨,內費修真。不足今生招愆,切忌來生之報。
5, 吾門高弟,仔細參詳。

Phiên âm: 
1, Dược giả nãi sơn xuyên chi tú khí, thảo mộc chi tinh hoa.
2, Nhất ôn nhất hàn, khả bổ khả tả; nhất hậu nhất bạc, khả biểu khả thác. Khẳng tinh học giả, hoạt nhân chi tính mệnh; nhược dong y giả, tổn nhân chi hình thể.
3, Học Đạo chi nhân, bất khả bất thông. Nhược bất thông giả, vô dĩ trợ Đạo
4, Bất khả chấp trước, tắc hữu tổn vu âm công. Ngoại tham tài hóa, nội phí tu chân. Bất túc kim sinh chiêu khiên, thiết kỵ lai sinh chi báo.
5. Ngô môn cao đồ, tử tế tham tường!

Diễn xuôi:

1, Thuốc ấy, mang lấy tú khí của sông núi, là tinh hoa của muôn giống thảo mộc.
2, Thuốc đó, tính nóng tính lạnh, có thể bổ dưỡng thân thể suy hao cũng có thể tả trừ tà khí. Vị đậm vị nhạt, có thể quy dược tính vào tạng phủ bên trong hay tuyên phát ra ngũ thể bên ngoài.
Nếu cẩn thận mà học hành, có thể cứu được mạng sống sinh dân. Nếu ngu mờ mà đem ra thực hành, thì chỉ tổn hại đến người khác.
3, Người học đại đạo không thể không biết. Nếu như không biết thì quả thực không có gì trợ đạo!
4, (Tuy nhiên), cũng chớ chấp trước vào y Đạo; tham lam tiền bạc phù phiếm mà quên đi cả lẽ tu hành. Ấy vậy, không hành đủ đầy đạo nghĩa y gia thì lại sinh ra tội lỗi, chuốc lấy báo ứng sau này.
5, Đệ tử nhà ta, hãy cẩn thận xem xét.

Mạn đàm

Sở học Đan công của Toàn Chân, bảy đám phần là tương đồng với Y gia. Vì thế, muốn thâm nhập Toàn Chân tất yếu phải hiểu biết tương đối khái quát về Y đạo. Một mặt để mãi nghệ thí công cứu người, một mặt để trợ cho Mệnh công ( Đan pháp).

“ Dùng thuốc chữa bệnh cũng giống như tu tập độ mình, độ người”

Dược liệu theo Y học cổ truyền có nhiều tính chất, nhưng trong chương này, Vương Trùng Dương tổ sư đề đến bốn tính chất: Hàn – Nhiệt, Bổ - Tả, mùi vị và quy kinh – thể.

Bệnh phân Hàn – Nhiệt, thuốc phải lấy Ấm - Mát mà trị. Như thể người kia cảm phải phong hàn, tất nhiên chẳng được dùng các thuốc có tính lạnh mà dẫn cho tà khí thâm nhập sâu thêm. Phải dùng đến những thuốc tính ấm, nóng hầu khắc chế Hàn tà vậy!

Bênh phân Hư – Thực, tùy vào tình trạng mà dùng phép Bổ hay Tả. Ví như một người suy yếu sau thời gian bệnh nặng há lại dám dùng các thuốc có tính công phá mạnh như Đại Hoàng, Ba Đậu (vốn có tính tả hạ tà khí nội độc rất mạnh). Với người tay, ta phải dùng các thuốc bổ dưỡng hầu khôi phục lại chính khí đã bị suy hao. Nhân Sâm, Thục Địa, Hoài Sơn, Đương Quy … hay được dùng để bổ vậy.

Mỗi bệnh lại có một vị trí khác nhau. Lúc thì ở sâu trong tạng phủ: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận, Tâm bào, Tam tiêu, Tiểu trường, Đại trường, Bàng quang, Đởm, Vị; lúc thì ở vào ngũ thể Da lông, Cơ nhục, Cân cơ, Huyết mạch, Xương khớp. Vì tổn thương khác nhau về vị trí nên phải dùng các thuốc vị dày hay mỏng khác nhau, quy vào Kinh mạch khác nhau hầu đạt được mục đích điều trị. Ví như người kia vị tiêu chảy do ăn phải của sống lạnh hư tanh, hàn khí thừa cơ xâm nhập trung tiêu (Tỳ Vị) mà gây ra. Không chỉ dùng loại có tính ấm nóng khu hàn, ta cần phải chọn thuốc có khả năng quy vào vùng trung tiêu (bụng dạ). Giả như mà lại dùng Bách Bộ ( vốn chuyên quy kinh phế, hóa hàn đàm gây ho) thì sao có thể đuổi Hàn ở trong bụng đây?

Đấy là về dụng dược, nhưng nếu lắng lại mà gẫm, dùng thuốc cũng chả khác tu trì là mấy.

Việc hành trì theo Đạo cũng cần có lúc Nhiệt, lúc Hàn. Nhờ Nhiệt ấy mà ta hăng say theo Đạo, hứng khởi mừng vui mỗi khi tái khám phá một chân lý nào đó về Ngài. Nhờ Hàn, ta có thể tĩnh tại hướng vào sâu thẳm tâm mình mà suy chiêm gẫm nghĩ về Đại Đạo cũng như sự hiện diện của Ngài trong đời sống ta. Một Hàn một Nhiệt, một động một tĩnh. Hai điều này cứ thế đắp đổi mà hòa vào lò luyện đan của đời ta. Nếu ai giữ được sự cân bằng của hai chủng thuốc quý này thì há lại không đắc Kim đan hay sao?

Vậy nên mới nói, kẻ học đạo mà không tường cái lẽ hành y này thì chẳng biết lấy gì mà trợ Đạo!

- Chu Lăng thần hy quân - 

Ý kiến bạn đọc