Kinh Tên: 太上洞玄三洞开天风雷禹步制魔神咒经 Thái Thượng Động Huyền Tam Động Khai Thiên Phong Lôi Vũ Bộ Chế Ma Thần Chú Kinh. Không rõ người soạn, bản thảo gốc xuất xứ từ “Chính Thống Đạo Tạng” Động Huyền bộ, bản văn loại. Việt dịch: Đạo Xán.
Một thời, Hạo Thiên Ngọc Hoàng Thượng Đế tại Hạo Kiếp Thiên Cung – Ngọc Hư Điện, cùng Chư Thiên Chư Địa, Nhật Nguyệt Tinh Tú, Phi Thiên Thần Vương, Chư Đại Bồ Tát, các chúng Thiên Nhân diễn nói “Khai Thiên Phong Lôi Vũ Bộ Chế Ma Thần Chú Kinh” . Khi đó, Ngọc Đế đối với Thủ Phủ Phù Tang Đại Đế nói: Khanh chủ quản nơi nhân gian Địa Thủy 2 khí, nay ta thấy nơi Thủy Phủ có nhiều Yêu Long Giao Thận, chúng hay làm mưa làm gió, thổi quét gây hại cho nhân dân hạ giới. Cùng các loài Hổ Lang, Trùng Xà, Dã Ngạn, các loài này khi thọ mệnh lâu rồi liền biến thành Tinh Quái, chẳng theo Chánh Đạo, đánh mất tính lành, chúng thường ẩn náu nơi miếu tự, đòi hỏi cúng lễ máu thịt cùng vật phẩm quá đáng, gây náo loạn nhân dân. Hoặc thành cường Ma Ác Quỷ sát hại chúng sanh. Ta thấy vậy thật đáng thương, ngươi nên vì lòng từ bi cứu giúp chúng sanh.
Nghe vậy, Phù Tang Đại Đế tiến lên đảnh lễ Thiên Đế nói: Chức trách của Thần là chủ trì 2 Ti như vậy, nhưng nay không biết phải dùng pháp môn gì để cứu giúp chúng sanh.?
Thượng Đế nói: Ta khi xưa chưa chứng Tiên vị(1), lúc còn làm thân phàm phu, liền từ bỏ phú quý, kham khổ chịu khó tu hành, trải qua 800 kiếp mới đốn ngộ Đại Thừa, chứng quả vị Thanh Tịnh, tự nhiên giác vương(2), Như Lai dạy chư vị Bồ Tát(3), muốn chứng được quả vị, trước phải trải qua nhiều kiếp tu hành gian khổ. Nay Ta phụng Nguyên Thủy phù mệnh, chứng địa vị Hạo Kiếp Thiên Cung Ngọc Hư Đế, chủ về khai Thiên quản Địa. Khi Trời Đất mới mở, Nhật Nguyệt chưa phân , Tinh Tú chẳng đúng thời, lẫn nhau hỗn loạn(4). Thấy vậy Ta liền sắc triệu Bát Thiên Lôi Thần, hàng phục chúng Tinh. Sau dùng thần thông nung luyện, chế ngự Ma Vương Tinh Tú. Có vị Lôi Thần tùy ý ta sai sử, một tay nâng núi Thái Sơn, bay khắp mười phương Thế giới. Lại có vị Lôi Thần, miệng rộng đủ để nhuốt hết nước biển nơi Tứ Hải, chẳng để rơi vãi một giọt. Lại có vị Lôi Thần, toàn thân cao 18 do tuần(5), miệng lớn nhuốt Nhật Nguyệt Tinh Tú. Lại có vị Lôi Thần, miệng phun lửa cháy, quét khắp 10 phương thế giới, đốt sạch yêu ma, bắt chúng vĩnh quy Chánh Đạo. Khi đó, Nhật Nguyệt cùng Tinh Tú đã an phương vị, mỗi mỗi phân chia rõ ràng, sao trời sáng tỏ, Ngày Đêm khi đó liền được phân chia. Ta nay giao lại cho Khanh Tam Động Ngọc Kinh này, nên dạy bảo chúng sinh, truyền lại cho kẻ có Đạo Đức. Tất cả Lôi Thần đều phải vâng theo sắc lệnh nơi ngọc kinh, tùy theo sắc lệnh mà âm thầm biến hóa hiện thân, tra xét gầm Trời cõi Đất, trảm sát yêu ma thanh trừ tà mị. Kẻ được Ngọc kinh này, thường nên tụng trì, hòng tăng trợ Lôi Thần uy quang, “phó dữ Lôi Thần, hợp kỳ Chánh Đạo, dĩ kế thử tâm”(?). Như vậy, Ngọc Đế liền nói Khai Thiên Chế Ma Thần Chú:
Ngũ Uy Lôi Thần, Dữ Đế Đồng Sinh. Thụ Luyện Ngọc Đế, Hàng Phục Chúng Tinh. Mãi Lại Vạn Đội, Dạ Xoa Thiên Quần. Thất Đầu Bách Tí, Cự Khẩu Kim Tinh. Thân Trường Vạn Trượng, Thôn Thực Quỷ Tinh. Hành Hữu Phong Vũ, Tọa Hữu Lôi Đình. Lôi Công Phích Lịch, Điện Mẫu Chân Linh. Phong Lôi Cổ Xuy, Thiên Địa Giai Kinh. Tru Long Trảm Quái, Nhật Dạ Vô Đình. Thiên Thần Củng Thủ, Vạn Thần Hàm Tuân. Ngũ Nhạc Ngũ Đế, Tứ Độc Nguyên Quân. Giang Hà Hoài Tế, Thập Nhị Khê Chân. Cửu Địa Chi Hạ, Tuyền Khúc U Minh. Bắc Đô La Phong, Động Uyên Thái Minh. Cửu Thiên Chi Thượng, Nhật Nguyệt Tinh Thần. Phi Thiên Thần Vương, Nhất Nhất Hàm Thính. Địa Ti Quỷ Phủ, Minh Hữu Quỷ Doanh. Thường Hành Chính Lệnh, Dục Dưỡng Quần Sinh. Cảm Hữu Tác Quá, Phù Mệnh Sở Triệu. Lôi Đình Phụng Mệnh, Tru Trảm Thiêu Phần. Uy Bất Khả Đương, Tội Bất Khả Đào. Liệt Vị Cửu Thiên, Ngọc Đế Xướng Dao. Thần Công Hách Hách, Trấn Nộ Dương Uy. Trảm Yêu Sát Quái, Lôi Điện Tinh Phi. Bà La Uy Chấn, Đảm Lợi Xuy Huy. Phục Do Trần Ký, Ti Giám Phi Y. Cổ Lưu Phi Diệu, Nam Lỗ Trịch Y. Phó Yên Thạch Nghĩa, Dạ Yên Đấu Trung. Tu Nghênh Thái Vương, A Nô Thượng Ngôn. Cổ Thiên Hòa Mẫu, Sân Trụ A Ô. Thâu Phụ Minh Thọ, Khuyê Tị Viễn Đồ. Phúc Dao Chân Dịch, Lôi Đình Ẩn Húy. Tụng Chi Vạn Biến, Dữ Thần Đồng Khế. Quang Minh Nhật Nguyệt, Uy Thần Gia Bị. Nhâm Quý Hợi Tử, Thường Tụng Thử Kinh. Thần Linh Trợ Hữu, Dữ Đạo Hợp Chân. Thượng Đế Thần Chú, Vật Truyện Phi Nhân. Kinh Tiết Lậu Mạn, Ương Cập Tử Tôn. Chí Thành Tụng Chi, Dịch Sử Lôi Đình. Thượng Triêu Đế Khuyết, Hạ Tế U Minh. Nhược Y Ngô Giáo, Chư Tiên Xướng Danh. Lôi Đình Hộ Vệ, Hào Viết Chân Nhân. Cấp Cấp Nhất Như Ngọc Đế Luật Lệnh. (tụng từ 3, 5 ,7,14, 21, 49 lần trở lên).
Khi đó, Thủy Phủ Phù Tang Đại Đế cùng Chư Thiên Chư Địa, Nhật Nguyệt Tinh Tú, Phi Thiên Thần Vương, chư Đại Bồ Tát, Thiên Nhân cõi Trời, hết thảy đều vui mừng vâng lệnh thừa hành.
Như vậy, Phù Tang Đại Đế liền phát nguyện: Thần nguyện tại hạ giới, rộng truyền lưu kinh này hòng cứu độ chúng sanh.
Tiếp, Ngọc Đế lần nữa đối với Phù Tang Đại Đế căn dặn: Nếu nơi Thế gian chẳng có Kinh này, kẻ phàm phu chẳng thể chế ngự yêu tà, sai khiến Thiên Lôi. Khi Khanh tại hạ giới nên rộng rãi truyền lưu Kinh này, cứu độ chúng sinh, nhưng chớ truyền cho ngoại đạo tà kiến. Ta nơi cõi Trời có lệnh cho Tam Quan cổ bút, xét soi công quả của kẻ tu hành, một chút chẳng sai mất, nếu kẻ có Công, ta liền ban Thiên phù, triệu hắn lên Kim Khuyết, tùy vào Công Đức nhiều hay ít mà chứng Tiên chức có khác nhau. Như vậy, Phù Tang Đại Đế vâng lệnh Thánh chỉ, bái tạ Thiên ân, làm lễ rồi lui.
http://daogiao.com/vnt_upload/download/10_2022/che-ma-than-chu-kinh.pdf
*CHÚ THÍCH:
-Một số Kinh thư, nơi cốt yếu chính là những câu Thần chú. Cũng có thể nói Kinh này được nói ra là để tuyên thuyết tán thán công năng cùng thần lực của Thần chú. Nên người học Đạo khi tụng kinh chỉ cần tụng 1 lần các phần còn lại, còn bài chú thì nên tụng càng nhiều càng tốt. Hoặc trước, chỉ cần đảnh lễ quy y Thánh giả cùng Chư Thiên Tiên rồi tụng Chú là được, xong phục nguyện sám hối, như vậy liền xong thời khóa. Vì công năng của Thần chú chính là ý nghĩa cốt yếu của toàn bộ bộ Kinh.
1. Nguyên văn: “Ta trước kia khi chưa được Vương vị”
2. “Tự nhiên giác vương” người dịch không rõ nghĩa nên để nguyên.
3. “Như Lai dạy chư Bồ Tát” : đoạn này có thể có người thắc mắc tại sao Đạo Kinh lại có các danh hiệu nhà Phật như vậy. Thật ra mọi người phải hiểu, Đạo Tạng đã phải trải qua sự xét duyệt của nhiều đời Triều đại Vua chúa Trung Hoa cùng các Đạo Sĩ, khi một bộ kinh được đưa vào “Chính Thống Đạo Tạng” tức ý nghĩa nội dung bộ kinh đó là chính xác, nguyên văn, đã được công nhận. Các Đạo Sĩ khi được Triều Đình sai phái tu chỉnh Đạo Tạng cũng không dám sửa đổi nên mọi người có thể thoải mái đón nhận.
4. Nguyên văn: “ thị thì, nhật nguyệt giao thực, tinh thần thất độ, các tương thôn tịnh, tranh kỳ phân dã.”
5. Do Tuần, một đơn vị đó chiều dài của Ấn Độ cổ, có thuyết nói 1 do tuần bằng 9,2km , lại có thuyết nói 19,5km , 14,6km, 7,3km ….. cách tính này hiện giờ chưa được nhất trí đích xác là bao nhiêu.