Thái Thanh Bảo Cáo mạn đàm 

Chủ nhật, 08/01/2023 18:50

Tùy phương thiết giáo
Lịch kiếp độ nhân
Vi Hoàng giả Sư, Đế giả Sư, Vương giả sư
Giả danh dị hiệu
Lập Thiên chi đạo, Địa chi đạo, Nhân chi Đạo
Ẩn thánh hiển phàm.

Trong Toàn Chân Quy Y Khoa Nghi, chư Tổ có đề "Đạo Kinh Sư tam bảo, chúng thường tụng dã". Quả thế, kẻ học Đại Đạo hằng ngày niệm tụng Đại La Tam Bảo Thiên Tôn, tán bái Tam Quy Y Kệ. Lời ngợi ca, vinh chúc đó chẳng ngừng nơi môi miệng họ. Ấy thế, nếu chỉ đốt hương kính lễ, bái lạy tượng thần mà lòng suy niệm về cái diệu dụng của Tam Bảo thì cũng chẳng phải hoài công sao!? Có khác gì thanh la chũm chọe xoang xoảng vô nghĩa? 
Thiên Bảo Tôn thuyết đại pháp độ chúng sinh, Ngài là Đấng gây dựng vũ hoàn và muôn phẩm vật, trong đó có ta. Linh Bảo Tôn truyền thụ kinh điển, giúp ta biết đường học Đạo, biết Pháp hành trì. Đạo Bảo, ta vốn hằng hướng tới, Kinh bảo là cầu nối giúp ta qua khỏi bờ u ám mà tới cõi Trường Sinh. Thật quý báu, diễm phúc cho kẻ nào thụ lãnh được Chân Kinh, Diệu Pháp mà tu hành. 
Nhưng hãy tự hỏi: Nhờ đâu tôi biết có Đạo? Nhờ đâu tôi biết kinh này là Chân Kinh hay ngụy tạo? Giả như kinh tôi có là Chân Kinh thì, Nhờ đâu tôi có thể lĩnh ngộ được những điểm huyền ảo, hoắc búa vốn ẩn chứa ở trong? Quả thật, không có Sư làm gì biết Đạo? Không có Sư làm gì biết Kinh? Không có sư thì dù có muôn phẩm tiên kinh cũng chẳng thể thấu ngộ Tiên tông!
Muốn học đạo đầu tiên phải có Thầy. Mà trong tất cả những gì được gọi là Thầy, Chí Chân Sư Bảo Đạo Đức Thiên Tôn Thái Thượng Lão Quân là Thày Cả vậy!

1. Tùy Phương Thiết Giáo, Lịch Kiếp Độ Nhân
Từ muôn đời, Đạo Kinh Sư Tam bảo hẳng ở giữa muôn dân muôn nước. Ngài tùy vào sự cá biệt trong văn hóa, sắc tộc của chư dân mà hiện hóa các giáo pháp khác nhau mà độ lấy chúng. 
Trong tuyệt đại đa số các nền văn minh từng xuất hiện trên thế giới, không phải đều xuất hiên các tôn giáo, tín ngưỡng hay sao? Tôn giáo hay tín ngưỡng là sự khát ngưỡng của muôn dân về Đại Đạo. Tùy duyên mà Thái Thượng thiết lập Giáo Pháp nhằm hóa độ chúng sinh qua muôn kiếp.

2. Vi Hoàng giả Sư, Đế giả Sư, Vương giả sư - Giả danh dị hiệu
Lập Thiên chi đạo, Địa chi đạo, Nhân chi Đạo - Ẩn thánh hiển phàm.
Từ thời Tam Hoàng - Ngũ Đế tới muôn đời Vương bá sau này, có bao nhiêu vị chân nhân, đạo sư lớn không ngừng truyền dạy cho dân biết về Đại Đạo. Điển hình ta thấy Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử, Tổ Thiên Sư, Chung Ly Tổ, Lữ Tổ ... Qua mỗi thời đại, ta nhận ra Đại Đạo dần dần như tỏ mình ra rõ hơn cho muôn dân chiêm ngưỡng. Nói cách khác, chính nhờ lời từ môi miệng các vị chân sư truyền dạy mà Đạo giáo ngày càng hoàn thiện.

Thật thế, Đại La Sư Bảo phân thân hóa khí mà ứng hiện trên môi miệng các ngài, để tuy là miệng lưỡi phàm trần, nhưng lại chính là tòa ngự của Sư Bảo. Cho nên, sư bảo không nhất thiết phải Đạo Đức Thiên Tôn ngự trên Đại La Kim Khuyết, nhưng có thể là tất cả chư tiên, có thể là muôn vị tổ sư qua bao đời truyền diễn đại đạo, có thể là vị Độ Sư truyền dạy kinh pháp cho mình, hay trong bất cứ ai giúp mình hướng tới đại đạo. Hồng ân sư bảo tản mác khắp thập phương giới, thường thùy kim khoa mà sửa dạy ngu hiền. Vậy nên còn gọi là Thập Phương Thường Trụ Sư Bảo vậy. 

Thiên tôn ngự nơi kim khuyết cao sang, ấy mà lại chịu hạ mình hóa hiện nơi xác phàm thấp kém mà diễn dương giáo pháp độ chính nó. Thiên tôn danh hiệu không thể xưng lượng, vì to lớn vĩ đại lắm thay nên chẳng thể nào có tên. Ấy mà vì muôn dân nên mới lập nên "giả danh dị hiệu - tên giả, tên dễ", để hễ ai xưng niệm danh này thì liền được phù nguy cứu nạn. 

Mười rằm tháng Hai âm lịch Thái Thượng Lão Quân Đạo Đức Thiên Tôn thánh thọ. Nguyện xin tổ sư gia trì ban cho kẻ cầu đạo đắc ngộ chân sư, Đạo lộ hanh thông.
Đại La Sư Bảo Thiên Tôn 
Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn
Độ Nhân Vô Lượng Thiên Tôn

Ý kiến bạn đọc