Tên kinh: 太上说九幽拔罪心印妙经. - Thái Thượng Thuyết Cửu U Bạt Tội Tâm Ấn Diệu Kinh. Không rõ người soạn, xuất phát từ thời Đường Tống. Nguyên Thủy Thiên Tôn đối với Thái Ất Cứu Khổ Chân Nhân nói pháp môn cứu khổ bạt tội, hết thảy do tâm nghiệp chiêu ra. Kinh gồm 1 quyển, bản thảo gốc xuất xứ “Chính Thống Đạo Tạng” Động Chân bộ, bản văn loại.
Việt dịch: Đạo Xán.
Một thời, Nguyên Thủy Thiên Tôn ngồi trong tòa Thất Bảo Điện, thân phóng đại quang minh biến chiếu khắp 3000 đại thế giới. Thiên Tôn thấy vô lượng vô biên chúng sanh chịu nhiều khổ não, trầm luân nơi sinh tử, ác duyên nghiệp báo, luân hồi như vậy muôn kiếp chẳng được ra. Khi đó, có Cứu Khổ Chân Nhân từ chỗ ngồi đứng lên, hướng về Thiên Tôn chắp tay làm lễ, quỳ gối thưa rằng: Vô lượng vô biên chúng sanh như vậy, là do nhân duyên gì, khiến nay vẫn mãi phiêu đãng nơi bể khổ, trầm luân nẻo luân hồi?
Thiên Tôn nói: Những chúng sanh như vậy, chịu nhiều ác nghiệp, nguyên do đều từ chính tự tâm mà ra (1), thường sinh vọng tưởng đảo điên, chẳng hiểu lẽ vô vi diệu đạo. Như vậy hết thảy cội nguồn tội lỗi, đều từ tâm khởi lên. Dù nơi khoái lạc cảnh Thiên Đường, cũng từ tâm tạo. Chúng sanh trong tam giới, chịu cảnh khốn khổ trầm luân, cũng do cái tâm đó. Tâm sinh tà kiến, niệm khởi sân si, tâm sinh điên loạn, niệm niệm đổi rời, tâm đó chẳng Chân. Tâm nhiều sát hại, đọa nẻo súc sanh, trâu bò dê ngựa, đền chịu tội xưa. Tâm sinh siểm khúc, cùng Đạo vô nguyên. Nếu thường trụ nơi hư tĩnh, tâm đó ắt hợp Tâm Đạo. Lắng nghe cho rõ, để tuyên nghĩa này, nay ta nói kệ:
Đại Đạo trừng khuếch, nguyên lý thâm u. (2)
Tiên Thiên nhi sinh, vận hóa kim cổ.
Đạo vô hình thể, trừng lô thân tâm.
Bất tham bất dục, bất sân bất dâm.
Thị phi mạc thức, biểu lý tư tầm.
Thân tâm thanh tịnh, phiền não bất xâm.
Vô khởi vô diệt, minh mạc nan châm.
Trạm nhiên không tịch, liễu tâm nguyên tâm.
Tự nhiên hợp đạo, chúng sanh lai khâm.
Thăng triêu kim khuyết, du ngoạn khiên lâm.
Thất tổ giải thoát, vĩnh ly u lâm.
Giai khế tâm ấn, ngộ đạo hợp chân.
Niệm niệm tương kế, vật khởi trần tâm.
Chúng sanh chịu khổ, hiểu được kinh này, ắt được giải thoát. Như vậy, chúng Chân làm lễ, hết thảy vui mừng, xưng dương tán thán, y giáo phụng hành.
CHÚ THÍCH:
1. “Đều từ tâm mà ra”: vì từ tâm sinh vọng niệm, sân hận, si mê, tham lam. Vì tâm bất chính nên tam nghiệp thân khẩu ý bất chính, khiến hành động bất chính, hành động bất chính lại tạo các nghiệp báo khác nhau.
2. Dịch bài kệ:
Đại Đạo to lớn, nguyên lý thâm sâu.
Vốn từ xưa đã có, trải dài khắp quá khứ tương lai.
Đạo chẳng có hình thể để tìm, muốn biết thì trước thân tâm phải an tĩnh.
Chẳng tham muốn, chẳng ước mộng, chẳng sân si, chẳng dâm loạn.
Rời xa nơi thị phi, cùng tranh đua việc phải quấy.
Được như vậy thân tâm sẽ thanh tịnh, thanh tịnh thì phiền não cũng chẳng còn.
Chẳng sinh niệm trước, chẳng có niệm sau, thâm sâu hư tĩnh.
Hư hư không không, tự nhiên tĩnh tịch, được như thế mới là chân tâm.
Công phu lâu ngày, tự nhiên tâm sẽ hợp với Đạo. Tâm hợp đạo rồi, chúng Thánh thấy đó liền hoan hỷ.
Thần thăng thượng giới, du ngoạn cõi Trời.
Con cháu đắc Đạo, Thất Tổ nhờ đó mà được siêu sanh, chẳng chịu khổ não.
Điều khế tâm ấn, cùng Đạo hợp chân.
Thời thời khắc khắc phải nhớ giữ gìn tự tâm, chớ để nhiễm trần.