Bát Tiên gồm những vị tiên nào

Chủ nhật, 20/02/2022 12:53

Bát tiên là 8 vị thần tiên của Đạo giáo luôn khuyến thiện trừng ác, nâng đỡ người nghèo được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, và rất được sự sùng bái của mọi người.

Trong nghệ thuật tạo hình dân gian, đề tài từ tiên nhân tổ hợp lại mà thành, thì bát tiên có tính đại biểu nhất, 8 vị tiên này là do mọi người chọn lựa từ nhiều câu chuyện thành tiên quy nạp lại. Họ là Trương Quả Lão 张果老, Lữ Động Tân 吕洞宾, Hàn Tương Tử 韩湘子, Thiết Quải Lí 铁拐李, Hà Tiên Cô 何仙姑, Chung Li Quyền 钟离权, Tào Quốc Cữu 曹国舅 và Lam Thái Hoà 蓝采和, còn được gọi là “Minh bát tiên” 明八仙.

Ngoài ra còn có “Ám bát tiên” 暗八仙, chỉ 8 món mà 8 vị cầm, tức cái mõ hình con cá (ngư cổ  鱼鼓) của Trương Quả Lão, cây gươm (bảo kiếm 保剑) của Lữ Động Tân, giỏ hoa (hoa lam 花篮) của Hàn Tương Tử, hoa sen và lá sen (hà hoa 荷花, hà diệp 荷叶) của Hà Tiên Cô, bầu hồ lô (hồ lô 葫芦) của Thiết Quải Lí, cây quạt (phiến tử 扇子) của Chung Li Quyền, phách âm dương (âm dương bản 音阳板) của Tào Quốc Cữu, cây sáo ngang (hoành địch 横笛) của Lam Thái Hoà. 8 món này thường đơn độc tổ hợp thành đồ án cát tường, lấy đó thay cho bát tiên để chúc thọ.

Đề tài cát tường trong dân gian, bát tiên thường xuất hiện ở các loại hình nghệ thuật với những chất liệu khác nhau như: điêu khắc gỗ, điêu khắc đá, tranh tết, cắt giấy, tạo tượng, đồ gốm v.v… Đặc trưng, đạo cụ, của nhân vật vừa được xác định lại có sự khác nhau. Vừa được dùng để dâng cúng lại được dùng để trang trí trong kiến trúc, cũng còn được dùng để chơi, hoặc làm quà tặng, tất cả đều ngụ ý cát tường.

Trong việc tạo hình bát tiên, hình tượng được các tác giả tạo ra cũng khác nhau, đặc biệt là diện mạo tinh thần: có loại như một nhóm quan lại, có loại như một bầy trẻ nhỏ, có loại toàn là người già, râu tóc bạc phơ, vẻ mặt hiền từ … Về thủ pháp tạo tượng, có tượng thì thô ráp, có tượng thì tinh tế, có tượng giản dị thuần phác, có tượng linh động phiêu dật, cũng có tượng hiền hậu đáng yêu, mỗi cụm tác phẩm đều có phong cách riêng biệt. Thông tục hoá việc tạo hình và đặc trưng phù hiệu cát tường khiến cho đồ án bát tiên có sức lan toả thẩm mĩ, ngôn ngữ phù hiệu tạo hình truyền thống này không chỉ khiến cho văn hoá truyền thống được lưu truyền rộng rãi mà còn khiến cho loại hình thức nghệ thuật này trong mĩ thuật dân gian trở thành nghệ thuật đại chúng hoá.

Đạo giáo có đặc điểm dân tộc rõ nét, nó khác với Phật giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo lưu hành ở Trung Quốc. Nó là tôn giáo dân tộc mọc rễ từ bản quốc, bắt nguồn từ văn hoá cổ đại. Tôn chỉ tín ngưỡng của Đạo giáo là truy cầu trường sinh bất lão, đắc đạo thành tiên, xem trọng giá trị sinh mệnh cá thế, tin tưởng  rằng trải qua sự tu luyện nhất định, con người có thể thoát thai hoán cốt, trực tiếp siêu phàm nhập tiên, đây là điểm khác nhau căn bản của nó với các tín ngưỡng tôn giáo khác.

Theo tín ngưỡng tiên nhân của dân gian, trong truyền thuyết, một bộ phận là các đạo sĩ tu luyện đắc đạo mà thành, đại biểu cho bộ phận này có bát tiên được sùng bái phổ biến nhất và một số Tổ sư  mà Đạo giáo công nhận; một bộ phận khác là những cổ phương sĩ, hoặc những danh nhân kì dị thăng thiên thành tiên nhân, chân nhân sau khi Đạo giáo được hưng khởi, đại biểu cho bộ phận này là những phương tiên dị nhân cổ đại, như: Bành Tổ 彭祖, Xích Tùng Tử 赤松子, Quảng Thành Tử 广成子, Dung Thành Công 容成公, Hoàng Thạch Công 黄石公, Hà Thượng Công 河上公, Vương Tử Kiều 王子乔, Ma Cô 麻姑. Gọi là “tiên” đó là những phương sĩ, đạo sĩ cổ đại huyễn tưởng thành những người trường sinh bất lão, siêu phàm thoát tục, đồng thời có năng lực siêu phàm thần thông biến hoá. Theo giải thích của Đạo gia Cát Hồng 葛洪 thời Đông Tấn trong Thần tiên truyện 神仙传:

Tiên nhân giả, hoặc tủng thân nhập vân, vô xí nhi phi; hoặc giá long thừa vân, thướng tháo thiên giai; hoặc hoá vi điểu thú, du phù thanh vân; hoặc tiềm hành giang hải, cao tường danh sơn; hoặc thực nguyên khí; hoặc nhự chi thảo; hoặc xuất nhập nhân gian nhi nhân bất thức; hoặc ẩn kì thân nhi mạc chi kiến. Diện sinh dị cốt, thể hữu kì mao, suất hiếu thâm tích, bất giao lưu tục.
          仙人者, 或竦身入云, 无翅而飞; 或驾龙乘云, 上造天阶; 或化为鸟兽, 游浮青云; 或潜行江海, 翱翔名山; 或食元气, 或茹芝草; 或出入人间而人不识; 或隐其身而莫之见. 面生异骨, 体有奇毛, 率好深僻, 不交流俗.
          (Tiên nhân là những người hoặc vươn vào trong mây, không có cánh mà vẫn bay được, hoặc cưỡi rồng cưỡi mây lên đến cổng trời, hoặc hoá thành điểu thú, ngao du trên mây xanh; hoặc đi dưới sông biển, bay lượn trên núi cao; hoặc ăn nguyên khí, hoặc ăn cỏ chi; hoặc ra vào chốn nhân gian mà không ai biết; hoặc ẩn thân nhìn mà không thấy. Trên mặt sinh xương lạ, trên người mọc lông lạ, ưa thích nơi thanh vắng, không giao lưu với thế tục)

 Đỗ Quang Đình 杜光庭, một đạo sĩ nổi tiếng thời Đường – Ngũ đại trong Dung thành tập tiên lục 墉城集仙录 đã phân loại tiên ra làm 9 phẩm:
          - Một là Thượng tiên 上仙
          - Hai là Thứ tiên 次仙
          - Ba là Thái thượng chân nhân 太上真人
          - Bốn là Phi thiên chân nhân 飞天真人
          - Năm là Linh tiên 灵仙
          - Sáu là Chân nhân 真人
          - Bảy là Linh nhân 灵人
          - Tám là Phi tiên 飞仙
          - Chín là Tiên nhân 仙人.

 Đối với tín ngưỡng dân gian mà nói, chỉ cần nguyên hình của họ là nhân vật thì đều có thể gọi là Tiên nhân.

Bát tiên là hợp xưng 8 vị tiên nhân trong tín ngưỡng dân gian, về sau được Đạo giáo dung nạp, trở thành 8 vị tiên được sùng bái trong dân gian. Vương Thế Trinh 王世贞 đời Minh trong Đề bát tiên tượng hậu 题八仙像后 đã chỉ ra rằng:


          Dĩ thị bát công giả, lão tắc Trương, thiếu tắc Lam Hàn, tướng tắc Chung Li, thư sinh tắc Lữ, quý tắc Tào, bệnh tắc Lí, phụ nữ tắc Hà, vi các cứ nhất đoan tác hoạt kê quan da?
          以是八公者, 老则张, 少则蓝韩, 将则钟离, 书生则吕, 贵则曹, 病则李, 妇女则何, 为各据一端作滑稽观耶?  
  
          (Bát công đó là: già là Trương Quả Lão, trẻ là Lam Thái Hoà và Hàn Tương Tử, tướng là Chung Li Quyền, thư sinh là Lữ Động Tân, hiển quý là Tào Quốc Cữu, bệnh tật là Thiết Quải Lí, phụ nữ là Hà Tiên Cô, có lẽ khôi hài quan sát từ đặc trưng của mỗi vị chăng?)

 Việc hình thành Bát tiên có diễn biến lịch sử lâu đời. Đời Hán đã có Bát tiên, chỉ “Hoài Nam bát công” 淮南八公, rõ ràng đó không phải là Bát tiên mà ngày nay nói đến. Họ là Tô Phi 苏飞, Lí Thượng 李尚, Tả Ngô 左吴, Điền Do 田由, Lôi Bị 雷被, Mao Bị 毛被, Ngũ Bị 五被, Tấn Xương 晋昌, mỗi vị tinh thông một môn phép thuật. Đời Tấn, Bát tiên đất Thục là 8 vị tiên mang tính địa phương, chỉ lưu truyền trong một phạm vi nhất định, không mang ý nghĩa một tín ngưỡng rộng rãi. Bát tiên đất Thục gồm Dung Thành Công 容成公, Lí Dĩ 李已, Đổng Trọng Thư 董仲舒, Trương Đạo Lăng 张道陵, Nghiêm Quân Bình 严君平, Lí Bát Bách 李八百, Phạm Trường Thọ 范长寿, Vạn Vĩnh Quý 万永贵. Đời Đường lại gọi 8 vị thi nhân lúc bấy giờ thường tụ tập uống rượu là Bát tiên, xưng là “Ẩm trung Bát tiên” 饮中八仙. Bát tiên trong Ẩm trung Bát tiên ca 饮中八仙歌 của Đỗ Phủ 杜甫 chỉ 8 vị thi hữu giỏi thơ thích rượu như Lí Bạch 李白, Hạ Tri Chương 贺知章… Ở bài Đề Bát tiên đồ trục thi 题八仙图轴诗 của sử học gia Triệu Dực 赵翼 đời Thanh, phần lời tựa có viết:
          Hí bản sở diễn Bát tiên, bất tri khởi vu hà thời, án Vương (Kì) thị “Tục văn hiến thông khảo”, cập Hồ (Ứng Lân) thị “Bút tùng”, câu hữu biện luận, tắc tiền Minh dĩ hữu chi; cái diễn tự Nguyên thời dã.
          戏本所演八仙, 不知起于何时, 按王 (圻) 氏 “续文献通考”, 及胡 (应麟) 氏 “笔丛”, 俱有辩论,则前明已有之; 盖演自元时也.
          (Bát tiên mà ở kịch diễn, không biết bắt nguồn từ thời nào, theo “Tục văn hiến thông khảo” của Vương Kì và “Bút tùng” của Hồ Ứng Lân, đều có biện luận qua, biết rằng trước thời Minh đã có, có lẽ diễn từ thời Nguyên)

          Vương Bột 王勃 đời Đường cũng có Bát tiên kính 八仙径, Bát tiên này cũng không phải là Bát tiên mà ngày nay nói đến.
          Tư liệu văn tự tương đối đáng tin cậy về việc hình thành Bát tiên đó là tạp kịch đời Nguyên có thể biết được niên đại sáng tác, sớm nhất là Hoàng lương mộng 黄梁梦 và Tam tuý Nhạc Dương lâu 三醉岳阳楼 của Mã Trí Viễn 马致远. Ở màn thứ 4 của Tam tuý Nhạc Dương lâu có đoạn:

Vị này là Hán Chung Li 汉钟离 nắm giữ quần tiên lục, vị này là Thiết Quải Lí 铁拐李 đầu bù tóc rối, vị này là Lam Thái Hoà 蓝采和 với phách vân dương, vị này là Trương Quả Lão 张果老 nơi cầu Triệu Châu cưỡi ngược ngựa, vị này là Từ Thần Ông 徐神翁 thân mang hồ lô, vị này là Hàn Tương Tử 韩湘子, cháu gọi Hàn Dũ 韩愈 là chú, vị này là Tào Quốc Cữu 曹国舅, quyến thuộc với triều Tống; còn ta là Lữ Thuần Dương 吕纯阳 thích gõ mõ dài.

Ở đây không có Hà Tiên Cô mà lại có Từ Thần Ông. Từ Thần Ông vốn có tên là Từ Thủ Tín 徐守信, sau khi học đạo nói những lời được linh nghiệm, mọi người gọi ông là Thần công 神公. Tống Triết Tông, Tống Huy Tông đều triệu kiến ông, ông mất lúc 76 tuổi. Hiện nay mọi người thường nói:
Nhi tôn tự hữu nhi tôn kế (1)
Mạc dữ nhi tôn tác mã ngưu
儿孙自有儿孙计
莫与儿孙作马牛
Con cháu tự chúng có kế của nó
Chớ có vì con cháu mà làm thân trâu ngựa

hai câu thơ này là do ông viết ra. Khi Bát tiên xuất hiện ở vở Tam tuý Nhạc Dương lâu, đối với cách hiện thân chỉ điểm theo kiểu này, Lương Đình Nam 梁廷楠 trong Khúc thoại 曲话 nói rằng:
          Tạp kịch của người thời Nguyên đa phần diễn Lữ tiên độ việc đời ….. ở màn thứ 4, tất sau khi tỉnh ngộ, đã để các vị tiên ra sân khấu, hiện thân chỉ điểm, nhân đó đem họ tên của các vị nói qua, các vở như “Thiết Quải Lí” 铁拐李 của Nhạc Bá Xuyên 岳伯川, “Trúc diệp chu” 竹叶舟 của Phạm Tử An 范子安 cũng đều như thế, không phải chỉ riêng “Nhạc Dương lâu” 岳阳楼 và “Thành nam liễu” 城南柳.
         

Trong vở Thiết Quải Lí của Nhạc Bá Xuyên, không có Từ Thần Ông 徐神翁 mà có Trương Tứ Lang 张四郎. Trương Tứ Lang còn có tên là Trương Tiên Ông 张仙翁, người thời Tống. Trong Kiếm Nam thi cảo 剑南诗稿 quyển 8 của Lục Du 陆游 có bài Sơn trung tiểu vũ, đắc Vũ Văn sứ quân giản, vấn thường kiến Trương Tiên Ông hồ, hí tác nhất tuyệt 山中小雨, 得宇文使君简, 问尝见张仙翁乎, 戏作一绝, cuối bài thơ có chú rằng:


          Trương Tứ Lang thường hiệp đạn, thị nhân gia hữu tai tật giả, triếp dĩ thiết hoàn kích tán chi.
          张四郎常挟弹, 视人家有灾疾者, 辄以铁丸击散之.
          (Trương Tứ Lang thường mang theo cung bên người, nhìn mọi người thấy ai có tai ương bệnh tật, liền dùng hòn đạn sắt bắn cho tan đi)


          Ngoài ra, trong vở Trúc diệp chu của Phạm Tử An, không có Từ Thần Ông và cả Trương Tứ Lang mà lần đầu tiên lại xuất hiện Hà Tiên Cô; trong Thành nam liễu 城南柳 của Cốc Tử Kính 谷子敬 cuối đời Nguyên đầu đời Minh, có Hà Tiên Cô, Từ Thần Ông mà không có Tào Quốc Cữu; trong Bát tiên khánh thọ 八仙庆寿 của Chu Hữu Đôn 朱有墩 đầu đời Minh, có Từ Thần Ông mà không có Hà Tiên Cô.
          Có thể thấy, trong các vở tạp kịch từ đầu đời Nguyên đến đầu đời Minh, chỉ có Bát tiên trong vở Trúc diệp chu của Phạm Tử An là phù hợp với họ tên của Bát tiên sau này. Bát Tiên trong Bát tiên xuất xử đông du kí truyện 八仙出处东游记传 của Ngô Nguyên Thái 吴元泰 đời Minh cũng là Thiết Quải Lí, Hán Chung Li, Trương Quả Lão, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hoà, Lữ Động Tân, Hàn Tương Tử, Tào Quốc Cữu, từ đó về sau không có sự thay đổi nào. Bát tiên mà ngày nay nói đến chính là đã thừa tiếp cách nói của người đời Minh mà ra.
          Bát Tiên tuy là tổ hợp thần tiên thuộc các thời kì lịch sử khác nhau, nhưng từ thời Minh, Thanh cho đến hiện nay, nhân sĩ trong dân gian khi chúc phúc bái thọ đều không thể thiếu Bát tiên. Dân gian tín ngưỡng Bát tiên, mong có được những vị tiên giống như Bát tiên thấu hiểu được nỗi khốn khổ của bách tính, phổ độ chúng sinh thoát khỏi bể khổ chốn nhân gian, được trường sinh bất tử, đắc đạo thành tiên. Vì thế, mọi người thông qua tranh cát tường chúc thọ như “Bát tiên khánh thọ” 八仙庆寿, “Bát tiên ngưỡng thọ” 八仙仰寿 cầu phúc cầu thọ.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Một số tư liệu chép câu này là
Nhi tôn tự hữu nhi tôn phúc
儿孙自有儿孙福

 Huỳnh Chương Hưng ( Việt dịch) 

 https://www.facebook.com/huynhchuonghung                                                                                                     Quy Nhơn 05/5/2013

Nguyên tác Trung văn
QUAN VU BÁT TIÊN
关于八仙
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI BÁT TIÊN TẠO HÌNH NGHỆ THUẬT
中国历代八仙造型艺术
Biên soạn: Trịnh Quân 郑军, Lưu Đông Vân 刘冬云
Nhân dân mĩ thuật xuất bản xã, 2007.

Ý kiến bạn đọc