Bộ Trang Tử 庄子 còn có tên là Nam Hoa Chân Kinh 南华真经 là trứ tác trọng yếu của học phái Đạo gia thời Chiến Quốc, phản ánh tư tưởng của Trang Tử 庄子cùng đệ tử của ông, là tổng tập trứ tác của học phái Trang Chu Trung Quốc. Nó đánh dấu cho tản văn Tiên Tần đã phát triển đến giai đoạn chín mùi, đồng thời đối với sự phát triển của văn học theo chủ nghĩa lãng mạn ở đời sau đã phát sinh ảnh hưởng sâu rộng.
Ảnh: Internet
1. Nội, Ngoại, Tạp thiên
Bộ Trang Tử, nhìn chung cho là tập các thiên chương của Trang Tử cùng hậu nhân Trang học chỉnh lí lại mà thành.
Bộ Trang Tử phân làm 3 bộ phận: Nội thiên 内篇, Ngoại thiên 外篇và Tạp thiên 杂篇 (Nội thiên có 7 thiên, Ngoại thiên có 15 thiên, Tạp thiên có 11 thiên), nguyên có 52 thiên, là từ thời trung và vãn kì thời Chiến Quốc từng bước lưu hành, trộn lẫn, tăng thêm, đến thời Tây Hán đại để thành hình, nhưng bản đương thời lưu truyền nay đã thất truyền. Trước mắt 33 thiên được truyền lại đã được Quách Tượng 郭象chỉnh lí, chương tiết thiên mục có khác với bản đời Hán.
Gọi là Nội thiên là do Quách Tượng định, có thể nói là “Trang học chi nội” 庄学学之内, nhìn chung cho rằng là do Trang Tử sáng tác, là hạt nhân của tư tưởng Trang Tử, 7 thiên có thể cấu thành một hệ thống lí luận hoàn chỉnh. Biểu hiện tập trung nhất triết học Trang Tử của Nội thiên là Tề vật luận 齐物论, Tiêu dao du 逍遥游, Đại tông sư 大宗师.
Còn Ngoại thiên, Tạp thiên vốn pha tạp, nhìn chung cho rằng, Ngoại Thiên, Tạp thiên là trứ tác của hậu học Trang Tử cùng học giả tương quan với Đạo gia, trải qua một thời gian dài tích luỹ, do người thời Hán biên tập, phụ vào sau Nội thiên. Việc biên soạn Ngoại thiên, Tạp thiên phản ánh cách lí giải của người triều Hán đối với tư tưởng Trang Tử và hệ thống Đạo gia.
Đạo giáo xem bộ Trang Tử 庄子là kinh điển, cũng xưng là Nam Hoa Chân Kinh 南华真经 hoặc Nam Hoa Kinh 南华经.
2. Giỏi dùng ngụ ngôn và tỉ dụ
Bộ Trang Tử dùng ngôn ngữ xiển minh tư lí triết học, lấy hình tượng sinh động cụ thể để thay suy lí logique, nhân đó mà tư tưởng triết học khô khan dưới ngòi bút của Trang Tử trở nên sinh động, hấp dẫn người đọc.
Như trong Trang Tử có nói đến một người ở nước Tống, muốn đến nước Việt để bán mũ. Thương nhân nước Tống này dựa theo nhận thức và lí giải của mình, cảm thấy nước Việt ở vào nơi man di hoang vằng, chưa thấy qua mũ, nếu đến nơi đó bán mũ nhất định sẽ được may mắn. Nhưng khi đến nơi rồi mới biết, người nước Việt “đoạn phát văn thân” 断发文身chính là cắt tóc, xảm hoa văn trên thân mình, phong tục tập quán hoàn toàn khác với nguyên địa, căn bản không dùng mũ. Trang Tử thông qua câu chuyện ngụ ngôn này nói cho chúng ta biết, không nên đem giá trị quan trong cách nghĩ của mình để đánh giá thế giới.
Còn như trong Trang Tử có một câu chuyện ngụ ngôn khác, nói rằng có một cây lịch 栎cao lớn không cây nào sánh bằng, được người dân nơi đó phong làm Xã thần 社神 mà tế tự. Nhưng có một người thợ mộc họ Thạch 石 không cho là như thế:
Gỗ của cây này là loại tán mộc không dùng được, chất gỗ không tốt. Dùng nó để làm thuyền, thuyền sẽ nhanh chóng bị chìm; dùng nó để làm quan tài, quan tài sẽ nhanh chóng mục nát; dùng nó để làm đồ vật, đồ vật sẽ nhanh chóng bị gãy; dùng nó làm cửa, cửa sẽ bị chảy nước bẩn, dùng nó làm cột, cột sẽ bị mối mọt. Cho nên, đó là loại “bất tài chi mộc” 不材之木, làm thứ gì cũng không được. Buổi tối, anh thợ mộc họ Thạch nằm mộng thấy cây lịch đến nói:
- Ông nói tôi là cây vô dụng, nếu như tôi hữu dụng, thì há chẳng bị các ông chặt từ sớm rồi sao? Tôi nhân vì vô dụng, cho nên mới bảo toàn được mình. Đây chính là đại dụng của tôi đấy.
Theo cách nhìn của Trang Tử, vô dụng và hữu dụng không hề tuyệt đối, mà là có thể hỗ tương chuyển hoá, đây chính là tinh tuý trong biện chứng pháp của ông.
3. Sự tưởng tượng phong phú độc đáo
Sự phóng túng mênh mông trong văn tự ở Trang Tử, ý tượng hùng hồn bay bỗng, sức tưởng tượng cực lớn, tự do, khoan khoái, không chịu sự khống chế của không gian thời gian, có đủ sắc thái nồng đậm của chủ nghĩa lãng mạn. Nhân đó, thế giới dưới ngòi bút của ông trở nên kì bí thần dị, biến ảo khó lường. Đầu lâu linh hồn, đại bàng chim sẻ không gì không gọi đến, vẫy một cái là đi mất, rắn ve cưu trùng, tôm cóc nhái côn trùng, không loại nào là không giỏi suy nghĩ, năng ngôn thiện biện. Trong Tiêu dao du 逍遥游 viết về đại bàng: lưng của nó không biết dài mấy ngàn dặm, giương đôi cánh như đám mây lớn che nửa bầu trời, khi bay, chạm mặt nước một cái nước vọt cao ba ngàn dặm, sau đó xông lên trời cao chín vạn dặm, một khi đã bay thì đến 6 tháng, sức tưởng tượng to lớn đặc biệt như thế, đọc lên như thần dạo chơi trong khoảng trời đất kì dị, khiến người ta kinh ngạc thán phục không thôi. Trong Tắc Dương thiên 则阳篇xem thường cuộc chiến tranh kiêm tính giữa nước này với nước khác:
Hữu quốc vu oa chi tả giác giả viết Xúc thị …..
有国于蜗之左角者曰触氏 …..
(Có một nước ở bên trái râu xúc giác của ốc sên tên là Xúc thị …..)
Ốc sên vốn là loài động vật nhỏ bé, râu xúc giác của nó lại càng nhỏ không thể nói. Nhưng trên mỗi râu đều có một nước, hai nước vì địa bàn mà phát sinh chiến tranh, rốt cuộc thây nằm vô số, kẻ thắng lại thừa thắng truy kích bại quân lâu đến cả nửa tháng. Đọc lên khiến người ta không thể không phục sự tưởng tượng thần diệu của tác giả.
Lỗ Tấn 鲁迅 đánh giá cao tản văn của Trang Tử, nói rằng:
Bao la mệnh mông, nghi thái muôn phương, tác phẩm của chư tử cuối thời Chu, không có tác phẩm nào vượt qua được.
Sức tưởng tượng siêu phàm và câu chuyện ngụ ngôn biến ảo khó lường, cấu thành một thế giới tưởng tượng đặc biệt mà chỉ riêng có ở Trang Tử. “Ý xuất trần ngoại, quái sinh bút đoan” 意出尘外, 怪生笔端 (Ý tưởng xuất trần, quái dị sinh ra nơi đầu bút). Có thể nói bộ Trang Tử đại biểu cho thành tựu tối cao của tản văn thời Tiên Tần.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 30/8/2022
Nguyên tác Trung văn
TIÊN TẦN TẢN VĂN TỐI CAO THÀNH TỰU
“TRANG TỬ”
先秦散文最高成就
“庄子”
Trong quyển
NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG
TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ
(quyển 1)
一本书读懂中国传说文化
Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航
Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019