Trong khi tiếp xúc với các văn bản thành văn của dân tộc Tày - Nùng, ngoài văn bản phù chú, văn cúng, hát then... còn có một số truyện thơ Nôm chịu ảnh hưởng của Đạo giáo khá sâu sắc. Điều đó được minh chứng là các thư tịch viết bằng chữ Nôm Tày - Nùng hiện đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đó là các văn bản Lưu Đài - Hán Xuân (ký hiệu VNv.685, VNv.607, VNv.672); Kim Quế (ký hiệu VNv.603); Nam Kim - Thị Đan (ký hiệu VNv.604); Nhân Lăng (ký hiệu St.2265); Quảng Tân - Ngọc Lương (ký hiệu VNv.673); Lý Thế Khanh (ký hiệu St.2265); Tần Chu - Quyển Vương (ký hiệu VNv.593); Đính Quân (ký hiệu Vv.107); Chiêu Đức, Nho Hương, v.v…
Nguồn: NGUYỄN MINH TUÂN - Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Bài viết này đề cập đến các yếu tố Đạo giáo trong một số truyện thơ Nôm Tày - Nùng để bạn đọc quan tâm cùng tham khảo.
Ở Việt Nam, Đạo giáo đã du nhập vào từ rất sớm, được tiếp thu theo cách thức riêng và dần dần trở thành một bộ phận khăng khít trong truyền thống văn hóa dân tộc. Nhiều Đạo sĩ tên tuổi còn truyền mãi tận ngày nay, như: Thông Huyền(1), Huyền Vân(2), hay 13 tiên ông và 14 tiên nữ với các Đạo tổ, Thánh mẫu, Tiên nương... trong Hội chân biên.
Đối với truyện thơ Nôm Tày - Nùng, Đạo giáo đã có những ảnh hưởng sâu sắc. Dễ dàng nhận thấy dấu ấn của Đạo giáo ở các truyện như truyện Kim Quế (Kim Quế vốn là nàng tiên, xuống trần gian, mải chơi quên không về chầu, nên bị đày xuống trần gian làm kiếp khỉ...), truyện Lưu Đài - Hán Xuân (Hán Xuân do học được nhiều phép thuật cao siêu mà đánh thắng giặc đem lại yên bình cho đất nước...); truyện Nhân Lăng (Nhân Lăng vốn là chàng trai nghèo khó được các nàng tiên giúp đỡ cưới được vợ đẹp và trở thành người giàu có...); truyện Chiêu Đức (Chiêu Đức lên mường trời tìm thày dạy phép, được Đạo sĩ Huyền Thiên truyền dạy nhiều phép thần thuật lạ...). v.v....
Điều đó cho thấy Đạo giáo đã du nhập vào văn hóa dân tộc Tày - Nùng được người Tày - Nùng tiếp thu theo cách thức riêng và dần trở thành một trong những yếu tố văn hóa truyền thống của riêng mình.
Các yếu tố Đạo giáo trong các truyện thơ Nôm kể trên, chủ yếu thể hiện trên ba mặt: cấu trúc tác phẩm, xây dựng nhân vật và không gian hoạt động.
1. Về cấu trúc tác phẩm
Khi đọc một số truyện thơ Nôm Tày - Nùng, điều dễ nhận thấy nhất ở các tác phẩm là muốn đưa người đọc vào một hoàn cảnh cụ thể của sự việc theo trình tự nhất định. Cụ thể là: người sống trong nghịch cảnh cảm thấy thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ vào ngoại lực để đạt nguyện vọng. Sau một lịch trình gian khổ, nguyện vọng được thỏa mãn tối đa, v.v...
Truyện Nhân Lăng là một ví dụ. Có thể bóc tách truyện này ra thành mấy yếu tố như sau:
- Nhân Lăng là một chàng trai nghèo khó.
- Lên mường tiên tìm thầy Quỷ Cốc để bói giúp xem số phận sang hèn.
- Gặp các nàng tiên, cảnh tiên phồn hoa tráng lệ.
- Sau khi biết được số phận, trở về dương gian.
- Giúp các nàng tiên tháo gỡ được khúc mắc.
- Nhờ mẹ hỏi công chúa Quyển Vương làm vợ.
- Đánh cuộc với vợ chồng Thạch Sùng về việc cưới công chúa.
- Để cưới được công chúa, nhà vua thách lễ tiền bạc đối với chàng.
- Chàng được các nàng tiên giúp đỡ, cưới được công chúa Quyển Vương.
- Vợ chồng Thạch Sùng thua cuộc.
- Hai vợ chồng sống một cuộc sống hạnh phúc...
Các yếu tố vừa nêu trên cùng với sự sắp xếp trật tự cấu trúc tác phẩm, cho thấy: sự ảnh hưởng của tư tưởng Đạo giáo trong hệ thống giáo lý, hướng con người đạt đến điểm chân - thiện - mỹ chứ không phải là đưa người ta đến một thế giới hư vô.
Để hiểu rõ hơn về cấu trúc này, xin tóm tắt nội dung cốt truyện như sau: Nhân Lăng sớm mồ côi cha, hai mẹ con phải đi ăn xin để nuôi thân. Một hôm chàng đến ăn xin nhà Trưởng giả, thấy chàng sáng dạ, Trưởng giả bảo chàng tìm thầy Quỷ Cốc bói quẻ để biết số phận. Chàng về nhà từ biệt mẹ rồi lên đường. Trên đường đi, chàng gặp nàng tiên Ngư Lân, nàng nhờ chàng bói giúp một quẻ để biết tại sao nàng bị nhức đầu suốt ngày đêm. Chàng vui vẻ nhận lời. Trên đường, chàng còn gặp nàng tiên Hoa Cam, nàng tiên Thọ và nàng tiên coi vườn trúc. Ba nàng tiên cũng lần lượt nhờ chàng bói giúp mình một quẻ. Lên đến mường trời gặp thầy Quỷ Cốc, Nhân Lăng xin thầy bói năm quẻ. Thấy bói nhiều quẻ, thầy đòi nhiều tiền lễ. Không có tiền lễ, Nhân Lăng phải ở lại lấy củi cho nhà thầy trong ba năm để thầy bói cho. Làm thuê được một năm, chàng thấy lâu quá, lại thêm nhớ mẹ già ở nhà không người chăm sóc, chàng phải xin về. Vì chàng xin về trước hạn, nên thầy không bói cho. Trở về được một quãng đường, chàng tiếc công quá, bèn quay trở lại. Khi trở lại đến nhà thầy thì đêm đã khuya, chàng đứng dưới nhà sàn nghe thấy hai vợ chồng thầy nói về mình. Thầy nói rõ với vợ về năm quẻ mà chàng xin thầy bói. Nghe được 5 quẻ, chàng vui mừng trở về.
Chàng lần lượt về qua các nơi nàng tiên coi vườn trúc, nàng tiên Thọ, nàng tiên Hoa Cam, nàng tiên Ngư Lân, báo cho các nàng biết về quẻ bói và giúp các nàng tháo gỡ những khúc mắc mà bao năm phải chịu, các nàng tiên lần lượt tặng chàng nhiều thứ vàng bạc nhưng chàng không nhận, lại lần lượt xin lấy chàng làm chồng nhưng chàng đều từ chối.
Về đến nhà, Nhân Lăng gặp lại mẹ, chàng rất mừng và ngỏ ý với mẹ vào cung vua hỏi lấy công chúa Quyển Vương cho chàng. Nhà vua thấy Nhân Lăng nghèo khó bèn thách lễ rất cao với điều kiện trong mười ngày phải đủ lễ. Trở về, Nhân Lăng sang nhà triệu phú Thạch Sùng đo đạc bắt chiếc làm một căn nhà y như vậy. Nghe nói Nhân Lăng hỏi cưới công chúa Quyển Vương, Thạch Sùng mỉa mai và hứa nếu chàng cưới được công chúa thì ông sẽ nhường cả tòa nhà và của cải cho chàng, bằng không hai mẹ con chàng phải sang nhà ông làm người hầu. Nhân Lăng nhận lời rồi chàng đi báo tin mừng hỏi được công chúa Quyển Vương cho các nàng tiên biết và mong các nàng giúp đỡ. Được sự giúp đỡ của các nàng tiên, chàng đem đủ lễ vật vào cung cưới vợ và được phong làm Phò mã của triều đình. Vợ chồng Thạch Sùng thua cuộc, tiếc của, chồng hóa thành con “bám tường” (còn gọi là thạch sùng), vợ cả hóa thành chim “bìm bịp”, vợ hai hóa thành chim “thước”, ngày đêm luôn mồm kêu “thắc mắc, thắc mắc” ở trong rừng. Vợ chồng Nhân Lăng sống cuộc đời hạnh phúc, vui tươi.
2. Về xây dựng nhân vật
Một số truyện thơ Nôm Tày - Nùng thể hiện khá rõ nét trong việc xây dựng hình tượng nhân vật theo Đạo giáo, là: hình tượng hóa - thần tiên được trần tục hóa, thần tiên hóa - phép thuật cao cường, quan niệm sống chết - chết đi rồi sống lại theo nguyên hình và chết đi hóa thành vật khác.
- Thần tiên trần tục hóa như nhân vật Kim Quế trong truyện Kim Quế, nàng vốn là nàng tiên xuống trần gian hái hoa, mải vui quên về chầu, nên bị phạt giáng trần, hóa làm kiếp khỉ, trải qua nhiều gian nan thử thách được trở thành người xinh đẹp, kết hôn cùng Hoàng tử, sinh con đẻ cái, cũng có đủ cả bảy thứ tình cảm như con người bình thường khác vậy. Trong truyện Nhân Lăng thì các nàng tiên Ngư Lân, nàng tiên Hoa Cam, nàng tiên vườn Trúc, nàng tiên Thọ thiết tha xin lấy Nhân Lăng làm chồng nhưng chàng đều từ chối, v.v...
- Người tục thần tiên hóa như nhân vật Chiêu Đức trong truyện Chiêu Đức, nhân vật Hán Xuân trong truyện Lưu Đài - Hán Xuân, nhân vật Đính Quân trong truyện Đính Quân, v.v... Mỗi một nhân vật, mỗi một hoàn cảnh, nhưng họ đều nhờ vào gia công tu luyện mà đều có phép màu và trở thành tiên cả. Chàng Chiêu Đức vượt các bến tiên, thẳng lên mường trời (thượng giới) tìm thày dạy phép, được Đạo sĩ Huyền Thiên truyền dạy nhiều phép thần thuật lạ... Nàng Hán Xuân thì trỏ gậy trúc lên trời, miệng niệm chú tức thì sấm sét rền vang, v.v...
- Về quan niệm sống chết của Đạo giáo có nói: “Uống thuốc kim đan, làm cho thân thể phân giải là cách tốt nhất, có thể thay đổi tên họ, trở về quê hương” (3). Nhân vật Quảng Tân trong truyện Quảng Tân - Ngọc Lương là một nhân vật gần như vậy. Sau khi bị mụ dì ghẻ đẩy xuống sông chết, Long vương thấy hình dáng khôi ngô tuấn tú và hiền hậu, bèn hóa phép cho sống lại theo nguyên hình: “Nói đến đoạn Quảng Tân xuống nước, trôi đến lầu ngọc đức Long quân, Âm phủ thấy sự tình quá lạ, trẻ đâu mặtmũi quả khôn ngoan, hình dáng như con quan lịch sự, cớ gì mắc tội nợ trần gian, thoạt nhìn dạ đã thương đã xót, vua hóa phép cứu cho sống xót...”. Nhân vật Tần Chu trong truyện Tần Chu cũng vậy: “Cô lòng gian dạ ác đa đoan, hai tay bóp cổ chàng tức khắc (...) Tần Chu chàng giãy giụa tắt hơi (...) hổ nhai thuốc thượng giới linh đan, nhổ bọt vào mồm chàng tức khắc, hồn phách chàng lưu lạc về ngay, Tần Chu thức tỉnh vươn vai ngồi dậy...”. Còn nhân vật Thị Xuân trong truyện Đính Quân do bị mẹ cha ép gả cho con nhà họ Lý. Thị Xuân không nghe bèn gieo mình xuống sông tự vẫn. Khi Đính Quân về gặp lại hồn của Thị Xuân, Thị Xuân kể rõ đầu đuôi rồi được Đính Quân hóa phép trời làm cho sống lại, v.v...
- Quan niệm chết đi rồi hóa thành vật khác của Đạo giáo. Sách Bão Phác Tử chép: “Thời cổ, người thành tiên có kẻ mọc cánh trên mình, biến hóa, phi hành, mất hẳn gốc người, đổi ra hình khác, giống như chim sẻ biến thành con hến vậy”. Sách này còn nói: “Người là giống tối linh, nhưng nam nữ hình dạng khác nhau, hóa thành hạc, thành đá, thành hổ, thành vượn, thành cát, thành ba ba lại không phải ít. Đến như núi cao biến thành chằm, hang sâu biến thành gò, đấy là sự biến hóa của các vật lớn”(4). Trong truyện Nhân Lăng, ba nhân vật là vợ chồng triệu phú Thạch Sùng, vì tiếc của do thua cuộc với Nhân Lăng khi cưới được công chúa Quyển Vương về làm vợ, nên hóa thành con thạch sùng (còn gọi là con bám tường) ngày đêm kêu ở vách nhà, vợ cả hắn hóa thành chim bìm bịp ngày đêm chúi lẩn trong bụi rậm, vợ lẽ hóa thành con chim thước ngày đêm luôn mồm kêu “thắc mắc, thắc mắc” ở trong rừng, v.v...
Như vậy, qua việc xây dựng nhân vật vừa nêu cho thấy: sự ảnh hưởng của Đạo giáo đã sớm thấm nhuần trong tâm thức dân tộc Tày - Nùng để xây dựng nhân vật có những phép thuật “thần tiên”, “đạo pháp”, và “sống chết” hoàn toàn theo Đạo giáo. Có lẽ cũng chính vì quan niệm sống chết hóa thân theo Đạo giáo mà Sơn Nam Thúc khi bình luận về chuyện Chồng dê trong Thánh Tông di thảo đã viết: “Trong khoảng trời đất, hết thảy giống bay, giống lặn, giống chạy, giống náu tuy là vật mà không phải là vật. Những giống ấy hoặc là duyên xưa chưa hết, hoặc vì oán cũ chưa tan, có khi đội lốt để tìm nhau, có khi thoát hình biến hóa (...) Ta nên lựa tâm xét kỹ, không nên coi giống vật là vật”(5) .
3. Không gian hoạt động
Đạo giáo chia không gian hoạt động của con người ra làm 3 thế giới: trên là tiên, giữa là người, dưới là quỷ. Trong Chân cáo của Đào Hoàn Cảnh có viết: “Kìa như sự việc trong trời đất không thể nào hạn định được. Cứ theo lòng dạ mà suy, trong cõi u hiển có ba bộ phận liên quan với nhau. Trên là tiên, giữa là người, dưới là quỷ. Người thiện được hóa thành tiên, tiên bị biếm trích lại trở thành người, người ác bị hóa thành quỷ, quỷ làm điều phúc lại trở thành người. Quỷ bắt chước người, người bắt chước tiên, xoay vòng qua lại, cứ như vậy mà suy. Đấy là sự cách biệt nho nhỏ giữa cõi u và cõi hiển”(6). Các tác giả truyện thơ Nôm Tày - Nùng cũng có người quan niệm như vậy.
- Cõi tiên trong truyện Chiêu Đức viết: Chiêu Đức đi qua bến tiên, đi qua cửa trời, bao nhiêu nàng tiên Nga xinh đẹp, bao nhiêu hàng phố, chợ phồn hoa: “Kể sao hết nhà kho chứa của, kể còn nhiều các phố bán mua, đi từ sớm đến trưa không khắp, một chợ tiên hội hát vui tươi, một chợ tiên đeo hoa quanh cổ, một chợ đàn hát hội xinh tươi, đàn khỉ luyện múa vui một chợ...”. Trong truyện Lưu Đài - Hán Xuân thì: “Hán Xuân cùng thiếu niên kíp trẩy, tháng ngày qua bơi mãi không trung, chốn Ngân Đài lầu cung vụt tới, Quảng Hàn mười hai lối nước tiên ...” v.v...
- Với trần gian (cõi giữa) là thế giới con người. Mọi người đều chăm chỉ làm ăn, nhưng do hoàn cảnh hoặc yếu tố tâm lý nào đó xô đẩy mà sinh lòng thiện, ác khác nhau. Nhưng, người thiện vẫn mãi là người thiện, kẻ lòng gian vẫn mãi chỉ là ác nhân. Nhân vật Lưu Đài trong truyện Lưu Đài - Hán Xuân lấy đức báo oán. Nhân vật Thị Tương trong truyện Quảng Tân - Ngọc Lương là người dì ghẻ độc ác, bạc đãi con chồng, mưu giết hại hai con chồng là Quảng Tân và Ngọc Lương. Về sau Thị bị trừng trị thích đáng: “Tự nhiên trời nổi cơn sấm sét, sét trời nổ đánh chết Thị Tương, chưa kịp xử trời ban lệnh trước, chắc trời cũng biết được người gian...”.
- Cõi quỷ được coi là cõi xấu xa nhất trong Đạo giáo. Tả về các nhân vật này, các tác giả truyện thơ Nôm Tày - Nùng đều mô tả xấu xí đến cực điểm. Trong truyện Lưu Đài - Hán Xuân có đoạn: “Liền sai phường ngọ quỷ quân yêu, cùng với bọn đầu trâu mặt ngựa, và mao nhân (người lông lá) mặt mũi đầy lông, thúc ngựa gió bay cùng ma nước, quỷ sứ ma nước lã như nêm...” v.v...
Qua không gian hoạt động này cho thấy, đây cố nhiên là không gian hư ảo của các tín đồ Đạo giáo, nhưng truyện thơ Nôm Tày - Nùng cung cấp cho chúng ta những ý tưởng, tư duy về một cuộc sống lành mạnh, tươi đẹp và hướng tới chân - thiện - mỹ.
Trên đây là suy nghĩ bước đầu về yếu tố Đạo giáo trong một số truyện thơ Nôm Tày - Nùng. Qua đó cho thấy Đạo giáo đã góp phần tạo nên trí óc tưởng tượng của người Tày - Nùng xưa trên con đường đi tìm cái đẹp trong cuộc sống con người, làm cho con người trở nên ngày một hoàn thiện hơn, hưởng thụ được nhiều mỹ cảm văn học hơn.
Chú thích:
(1) Thông Huyền: một Đạo sĩ nước ta đời Lý. Sự tích về ông được chép chung với danh tăng Giác Hải trong bài Tăng đạo thần thông ở sách Nam Ông mộng lục.
(2) Huyền Vân: Đạo sĩ, người Chí Linh, sống ẩn ở chùa Lệ Kỳ, Ngao Sơn để luyện đan. Trần Dụ Tông từng mời ông tới để hỏi cách tu luyện và đặt tên chỗ ở của ông là Huyền Thiên động.
(3)(4) Xem Trần Nghĩa: Ảnh hưởng của Đạo giáo đối với tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 4 - 1999.
(5) Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Tập 2, Trần Nghĩa chủ biên, truyện Chồng Dê, phần Thánh Tông di thảo, Q. Hạ. tr.565, Nxb. Thế giới, 1997.
(6) Theo Thọ Nhân: Đạo giáo và truyền kỳ đời Đường, Tạp chí Hán Nôm, số 4-1998./.
(Tạp chí Hán Nôm, Số 1(92) 2009; Tr. 48 - 51)